Phát triển sản xuất từ nguồn vay của Quỹ tín dụng nhân dân
QTDND Hưng Đạo (Đông Triều) được thành lập năm 2006 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ có 500 triệu đồng huy động từ 86 thành viên. Sau 6 năm hoạt động, đến nay số vốn điều lệ của Quỹ đã tăng lên trên 1 tỷ đồng với 950 thành viên tham gia. Quỹ hoạt động theo hình thức kêu gọi vốn từ các thành viên và huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân để luân chuyển vốn tới các hộ dân có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất. Mô hình hoạt động này tương tự với cách tổ chức tại các phòng giao dịch của ngân hàng. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên đối tượng vay vốn của Quỹ chỉ tập trung ở các hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất thuộc các xã Hưng Đạo, Đức Chính, Xuân Sơn và một số xã lân cận trên địa bàn huyện Đông Triều. Trung bình mỗi năm Quỹ thực hiện cho trên 300 lượt vay. Đa phần các món vay ở mức vài chục triệu đồng, cá biệt mới có những món vay lên tới vài trăm triệu đồng. Mặc dù thời gian cho vay vốn không kéo dài, chỉ tối đa là 24 tháng nhưng do làm tốt khâu thẩm định dự án cho vay nên từ khi thành lập đến nay, Quỹ không có nợ xấu. Tổng dư nợ tính đến hết năm 2011 đạt 25 tỷ đồng (năm 2006 dư nợ khoảng 1,4 tỷ đồng). Các hộ dân sau khi vay vốn đều trả gốc và lãi đầy đủ. Nhiều hộ gia đình từ nhiều năm nay đã là “khách quen” của Quỹ tín dụng.
Để tìm hiểu hiệu quả mô hình QTDND, chúng tôi đã tới thăm cơ sở sản xuất nghề mộc, gia công gỗ của gia đình anh Lê Văn Định, thôn Mễ Cụ, xã Hưng Đạo. Cũng như nhiều hộ gia đình khác tại thôn Mễ Cụ, gia đình anh Định là khách hàng thường xuyên giao dịch với Quỹ. Anh Định cho biết: Gia đình chúng tôi làm nghề mộc cũng đã lâu. Có những thời điểm quá khó khăn về vốn để mua nguyên liệu mà không thể nào có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Hoặc nếu có vay được thì cũng phải mất khá nhiều thời gian trong khi nhu cầu vốn rất cấp bách. Quả thật, nếu không có sự trợ giúp của Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Đạo thì cơ sở sản xuất của chúng tôi khó lòng phát triển được. Ngay cả trong giai đoạn này khi nhiều ngân hàng “khoá cửa” với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chúng tôi vẫn có thể tìm đến nguồn vốn vay ngay tại xã thông qua Quỹ tín dụng.
Còn tại hộ gia đình ông Bùi Quang Tuất, thôn Thủ Dương, xã Hưng Đạo đang phát triển mô hình gia trại trồng một số loại cây ăn quả, chúng tôi đã được ông chia sẻ: Từ nguồn vốn vay của Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Đạo mà gia đình tôi mới có thể phát triển mô hình gia trại như bây giờ. Từ chỗ tổng thu nhập của gia đình chỉ vài chục triệu đồng/năm, đến nay thu nhập đã gấp đôi, gấp ba.
Mô hình có thể nhân rộng
Qua tìm hiểu được biết, mô hình phát triển các Quỹ tín dụng nhân dân ở các tỉnh, thành trong cả nước không phải ít. Ở một số địa phương phía Bắc như Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình… hiện đã phát triển tới hàng trăm mô hình quỹ tín dụng cơ sở. Tuy nhiên, với đặc thù phát triển kinh tế - xã hội riêng ở Quảng Ninh, việc duy trì quỹ tín dụng nhân dân không phải là một việc làm dễ dàng. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Đạo cho biết: Những năm đầu thành lập, Quỹ gặp không ít khó khăn do số thành viên tham gia ít, lượng khách gửi tiết kiệm rất hạn chế. Cuối năm 2006, hoạt động kinh doanh của Quỹ thua lỗ 19,5 triệu đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng cũng làm giảm sút lòng tin của người dân vào Quỹ tín dụng. Đứng trước nguy cơ giải thể, HĐQT đã họp và đưa ra nhiều giải pháp đa dạng hoá các loại hình huy động vốn phù hợp với tình hình cụ thể trên địa bàn, phát huy lợi thế của tổ chức tín dụng hợp tác gần dân…, đưa ra các mức lãi suất huy động hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo với quy định của Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ. Qua đó, qua từng năm, hoạt động Quỹ ngày một hiểu quả hơn. Nếu như năm 2006, số dư tiền gửi tiết kiệm của Quỹ mới chỉ đạt 340 triệu đồng, chiếm 28% tổng nguồn vốn hoạt động thì đến hết năm 2011, số dư tiền gửi tiết kiệm đã lên tới trên 8 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng gấp 23,6 lần so với năm đầu thành lập. Hàng năm, Quỹ luôn thực hiện việc trích lập các quỹ theo quy định của Bộ Tài chính, Nghị quyết của Đại hội thành viên; thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Với mục tiêu hỗ trợ giữa các thành viên nên trong hoạt động, QTDND Hưng Đạo đã thực hiện chính sách chia sẻ khó khăn với thành viên nhằm tạo điều kiện cho các thành viên đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả bằng biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ và áp dụng hình thức trả nợ dần hàng tháng, hàng quý; đồng thời thực hiện điều chỉnh lãi suất tiền vay phù hợp với lãi suất thị trường, trên tinh thần coi trọng lợi ích của thành viên. Trong công tác sử dụng vốn cho thành viên vay, Quỹ đã tập trung triển khai các biện pháp như: Nắm bắt kịp thời chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tìm kiếm nhu cầu vay vốn của thành viên, nhất là thành viên trên địa bàn mở rộng; thực hiện ưu tiên vốn cho các thành viên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tăng nhanh vòng quay vốn, tạo điều kiện cho nhiều thành viên được vay; tăng cường công tác thẩm định, công tác kiểm tra trước, trong, sau vay của thành viên nhằm đảm bảo việc vay vốn đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, trả nợ đúng hạn…
Từ mô hình hoạt động, cách thức tổ chức cũng như hiệu quả của QTDND Hưng Đạo, thiết nghĩ, cũng sẽ là một trong những giải pháp hay cho nhiều địa phương khác trong việc tăng cường nguồn vốn tại các khu vực nông thôn, góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng khắp.