26.05.2014 09:14

QTDND Hồng Giang (Bắc Giang) - Chỗ dựa của nông dân

Sử dụng vốn an toàn, hiệu quả


Anh Trần Văn Hà ở thôn Hăng, xã Hồng Giang là khách hàng lâu năm của Quỹ. Trước đây, gia đình có gần 1ha vải thiều, thiếu vốn, anh loay hoay vay mượn nhiều nơi vẫn không có đủ tiền cải tạo đất, chăm sóc vải.

 

 Người dân làm thủ tục vay vốn tại QTDND xã Hồng Giang  

 Năm 2003, khi QTDND xã đi vào hoạt động, gia đình được Quỹ cho vay vốn phát triển kinh tế. Ban đầu, mỗi lần giải ngân chỉ vài chục triệu đồng, thấy anh Hà sử dụng vốn hiệu quả, trả gốc, lãi đúng hạn nên từng bước được Quỹ cho vay với số tiền lớn hơn, hiện có dư nợ 400 triệu đồng.

 
Có vốn, gia đình đã mở rộng diện tích cây ăn quả lên 2ha, ngoài vải thiều còn có nhãn, bưởi Diễn, cam Đường Canh, mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Hoạt động tại huyện nông nghiệp, đối tượng mà Quỹ hướng tới chủ yếu là nông dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ trồng cây ăn quả, chăn nuôi, dịch vụ. Trước khi giải ngân, các cán bộ của Quỹ đều thẩm định kỹ dự án, thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện sau khi giải ngân, kịp thời tư vấn, giúp đỡ các thành viên sử dụng vốn hiệu quả, đôn đốc trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi.
 
Do hoạt động hiệu quả và có khả năng phát triển nên từ năm 2007, 2008, QTDND Hồng Giang được phép mở rộng địa bàn hoạt động sang các xã Giáp Sơn và Tân Quang (Lục Ngạn). Hiện nay, ngoài trụ sở chính tại Hồng Giang, đơn vị có một phòng giao dịch tại xã Tân Quang, tạo điều kiện cho các thành viên dễ dàng lựa chọn địa điểm giao dịch phù hợp, khi có nhu cầu gửi, vay tiền không phải đi xa.
 

Ông Nguyễn Thế Chiến, thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn chia sẻ: "Tiếp cận nguồn vốn của Quỹ, chúng tôi thấy thuận tiện, yên tâm vì thủ tục cho vay nhanh gọn, lãi suất phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, phương thức trả nợ linh hoạt”. Nhờ vậy, số lượng thành viên tham gia Quỹ ngày một tăng. Từ chỗ chỉ có 20 thành viên khi mới đi vào hoạt động, đến nay Quỹ đã có 1.540 thành viên.

Lợi thế "sân nhà” 

Với lợi thế "sân nhà”, các cán bộ của Quỹ biết rõ hoàn cảnh, khả năng tài chính của khách hàng nên việc xác minh điều kiện, giám sát mục đích sử dụng vốn, thu hồi vốn vay hoặc thu hút nguồn tiền gửi tiết kiệm đều có những thuận lợi. Nhu cầu, nguyện vọng của khách hàng được đáp ứng nhanh. Từ nguồn vốn của Quỹ, nhiều thành viên có điều kiện mua cây giống, cải tạo vườn đồi, mua sắm thêm máy móc phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận khá, nhiều hộ mỗi khi có tiền mặt lại đến gửi tại Quỹ, như một cách giúp đỡ, hỗ trợ tạo nguồn vốn ổn định để đơn vị cho những thành viên khác vay quay vòng.  

Ông Trần Văn Lý, thôn Hăng chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn của Quỹ, gia đình tôi chủ động chăm sóc, mở rộng diện tích cây ăn quả, thu nhập mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng. Tin tưởng vào uy tín của Quỹ nên mỗi khi có tiền chưa sử dụng, tôi đều đến gửi tiết kiệm tại đây”. Sau mỗi vụ thu hoạch vải thiều, cam, số vốn huy động của QTDND xã Hồng Giang thường tăng rất cao, có thời điểm đơn vị dư vốn, gửi tại Ngân hàng Hợp tác.

Đến tháng 5-2014, Quỹ có tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 47 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ đạt 64 tỷ đồng với hơn 800 khách hàng đang dư nợ, trong đó khoảng 90% vay vốn đầu tư phát triển vùng cây ăn quả.
 
Hiện QTDND xã Hồng Giang là một trong ba đơn vị có dư nợ cao nhất trong hệ thống QTDND trên toàn tỉnh. Một số hộ trồng cam Đường Canh được xếp hạng tín dụng tốt, Quỹ đã cho vay với số vốn lớn (700 triệu đồng/lần giải ngân). Dịp này, sắp đến mùa thu hoạch vải thiều, nhu cầu vay vốn tăng cao, trong tháng 4 và tháng 5 - 2014, mỗi tháng đơn vị giải ngân gần chục tỷ đồng.

Với những đóng góp thiết thực phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, QTDND xã Hồng Giang nhiều lần được Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn khen thưởng, là điểm sáng trong các quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
  

Quỳnh Hương

Các tin liên quan