06.08.2013 14:25

QTDND Cơ sở: Mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả tại Vĩnh Long

Thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND (QTDND), hệ thống QTDND trên địa bàn đã hoàn thành việc chấn chỉnh, củng cố, ngày càng phát triển và trở thành mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả trong kinh tế tập thể của tỉnh.

Ngày 27/7/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg về thí điểm thành lập QTDND.Đây là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã, theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, thực hiện mục tiêu chủ yếu là tương trợ vốn giữa các thành viên, không vì lợi nhuận.

Qua thời gian thí điểm, xác định được mục đích và vai trò quan trọng của hệ thống QTDND trong nền kinh tế, ngày 10/10/2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 57-CT/TW về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, tiếp đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đề án này.

Hình thành, củng cố và phát triển

Trên địa bàn Vĩnh Long, hệ thống QTDND được thành lập từ năm 1995. Đến nay toàn tỉnh có 4 QTDND hoạt động, trong đó có 2 QTDND thành lập trong giai đoạn thí điểm (1995- 1996), 2 QTDND thành lập trong giai đoạn củng cố theo Chỉ thị 57 (2010- 2011).

Thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh và các ngành có liên quan thực hiện rà soát, củng cố hoàn thiện hệ thống QTDND trên địa bàn.

Mặc dù trên địa bàn chỉ có 2 QTDND và không có quỹ nào rơi vào tình trạng phải kiểm soát đặc biệt, nhưng vẫn phát sinh một số vấn đề khó khăn cần phải chấn chỉnh, hoàn thiện.

Song nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, UBND các địa phương nơi có các QTDND đang hoạt động và sự phối hợp chỉ đạo tích cực của các sở, ban ngành có liên quan nên kết quả củng cố, chấn chỉnh hoạt động các QTDND trên địa bàn đã đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra như: khắc phục, xử lý về thiếu vốn điều lệ tối thiểu, trình độ ban quản trị, ban điều hành, kiêm nhiệm sai quy định, xử lý các trường hợp cho vay ngoài địa bàn...

Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị 57, hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn ngày càng ổn định, tăng trưởng bền vững, khẳng định chủ trương củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND là đúng hướng.

Đến cuối tháng 6/2013, số thành viên tham gia QTDND cơ sở là 4.534 thành viên, tăng 3,27 lần so với năm 2000, bình quân một quỹ có 1.133 thành viên; tổng nguồn vốn hoạt động đạt 59,1 tỷ đồng, tăng 25,27 lần so với năm 2000, bình quân mỗi quỹ là 14.777 triệu đồng, trong đó vốn điều lệ là 5,9 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt 33,1 tỷ đồng, vốn vay của QTD Trung ương là 17,8 tỷ đồng và các nguồn vốn khác 2,2 tỷ đồng.

Tổng doanh số cho vay các thành viên giai đoạn 2001- 2012 đạt 279,8 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 26%/năm; tổng dư nợ cho vay đạt 52,9 tỷ đồng, tăng 23,7 lần so với năm 2000, bình quân mỗi quỹ đạt 13,2 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 lãi 348 triệu đồng; cơ cấu đầu tư cho vay của các QTDND chủ yếu tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (chiếm 59%), phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn các thị trấn, các phường…

Nhờ có hệ thống QTDND đã bổ trợ cho các NH thương mại trong việc đáp ứng vốn cho sản xuất kinh doanh của các hộ mua bán nhỏ, lẻ, góp phần giảm cho vay nặng lãi, giảm nghèo tại địa phương.

Kết quả hoạt động của các quỹ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương, ngày càng được nhân dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ. Nhiều cá nhân và tập thể QTDND đã được Thống đốc NHNN, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen...

Đây chính là động lực để các quỹ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, xứng đáng là người bạn đồng hành, tin cậy của nông dân.

Tuy nhiên, do tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn, yếu tố kinh tế thị trường nên hoạt động của QTDND chưa phát huy tối đa được mục tiêu tương trợ cộng đồng giữa các thành viên về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống, lãi suất vay một số thời điểm còn cao, phương án kinh doanh hàng năm xây dựng còn quá quan tâm vào mục tiêu lợi nhuận,…

Để đưa hoạt động của QTDND đúng mục tiêu, đòi hỏi phải có sự chung tay quản lý, giám sát của các ngành, các cấp nhất là vai trò quản lý trực tiếp của NHNN, Liên minh Hợp tác xã và chính quyền địa phương nơi QTDND hoạt động.

Định hướng phát triển

Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015”, hệ thống QTDND được củng cố và phát triển theo định hướng: 

Tiếp tục hoàn thiện mô hình QTDND 2 cấp hiện nay; đẩy mạnh chấn chỉnh củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả các QTDND cơ sở hiện có đi đôi với tiếp tục mở rộng vững chắc các QTDND cơ sở mới ở khu vực nông thôn; bảo đảm QTDND tuân thủ đúng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã; tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi, hợp tác và phát triển cộng đồng hướng tới mục tiêu chủ yếu tương trợ giữa các thành viên của QTDND để góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, hệ thống QTDND đã thực sự khẳng định được đây là mô hình kinh tế hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm và hoạt động cho vay phục vụ nông nghiệp- nông thôn và cần được phát huy trong việc thực hiện tiêu chí 13 của bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Thanh Lâm

Các tin liên quan