05.03.2020 09:01

QTDND An Tường: Thức dậy sức sống vùng đất bãi ngang

Kinh tế đi lên, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những triệu phú, tỷ phú, rồi lại chung tay cùng chính quyền địa phương nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cứng hóa bê tông từ nhà tới ruộng thay những con đường đất thịt trơn trượt đặc trưng của vùng bãi ngang trước đây...

Dù “giáp vách” Hà Nội nhưng từ xã An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) ra tới trung tâm huyện lại phải qua con đường 50 km. Chính bởi vậy, không có nhiều TCTD hiện diện ở địa bàn này nên nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào vốn tín dụng từ QTDND An Tường để phát triển kinh tế. Món vay vốn tuy nhỏ, song qua nhiều vòng quay, đã giúp người dân phát huy 2 thế mạnh chính  của xã là nghề mộc ở hai thôn Bích Chu, Thủ Độ và nghề trồng cỏ voi, nuôi bò sữa ở thôn Kim Đê và Cam Giá.

Nằm trong vùng đất bãi phù sa, nhưng vì thiếu nước tưới nên trước năm 2011, người dân trong xã An Tường vẫn loay hoay với trồng rau mầu ngắn ngày chịu hạn, như ngô, khoai, đậu đỗ, rồi cây công nghiệp dài ngày là mía, hay cây chuối rồi chuyển trồng đỗ tương, nhiều nơi trồng dâu, nuôi tằm… Xoay xở là thế nhưng do giá cả bấp bênh, thiếu đầu mối tiêu thụ nên đời sống người dân An Tường ở 2 làng thuần nông Kim Đê và Cam Giá chưa lúc nào bớt khó.

Chính vì vậy, việc tỉnh Vĩnh Phúc đưa dự án bò sữa vào triển khai tại xã đã mở ra một cơ hội mới cho người dân An Tường. Cái khó nhất lúc bấy giờ là vốn, bởi chi phí đầu tư một con bò sữa giống không hề rẻ và không mấy người có. Lúc này, sự vào cuộc tích cực của QTDND xã An Tường đã giúp các thành viên có cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang chăn nuôi bò. Những nhà có diện tích đất lớn đã chuyển đổi sang trồng cỏ voi, kết hợp nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

Ông Phùng Văn Dích, thôn Bích Chu đang chỉ dạy nghề cho công nhân 

Bây giờ, con đường từ xã Vĩnh Thịnh sang xã An Tường trải ngút tầm mắt là màu xanh mướt của những cánh đồng cỏ voi lút đầu người. Nhiều hộ vay tích lũy đầu tư dần qua năm tháng đã có quy mô trang trại lên tới hàng chục con bò. Cái nghèo, vì thế cũng đang dần lùi xa mảnh đất này, mà thay vào đó là một cuộc sống ấm no với nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên. Kinh tế đi lên, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những triệu phú, tỷ phú, rồi lại chung tay cùng chính quyền địa phương nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cứng hóa bê tông từ nhà tới ruộng thay những con đường đất thịt trơn trượt đặc trưng của vùng bãi ngang trước đây.

 Ở phía bên kia của xã là 2 làng mộc với phong vị khác cùng những con đường qua làng hai bên chất đống gỗ nguyên liệu và nhà xưởng nhộn nhịp trong tiếng máy cắt, khoan đục rộn ràng. Nghề mộc ở Thủ Độ và Bích Chu đã có cách đây trên 400 năm, đặc biệt là Bích Chu nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ tinh xảo như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ cúng hay nội thất. Tay nghề của những dân làng nơi đây có thể sánh với thợ Hà Tây, Nam Định hay những hàng mộc ở Đồng Kỵ - những địa phương có tiếng về nghề mộc. Thế nhưng 20 năm trước, làng mộc ở đây tưởng như chắc chắn bị mai một khi những người thợ trong làng phải vác cưa, đục bôn ba đi khắp các địa phương trong cả nước để kiếm sống. Những người ở lại bám trụ nghề, cố giữ lấy cái nghề truyền thống của cha ông nhưng rất khó phát triển vì thiếu vốn.

Song với sự nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, QTDND An Tường đã mở rộng đầu tư cho vay thành viên sản xuất gỗ từ quy mô nhỏ trong gia đình, rồi dần dần tích lũy vươn lên thành những ông chủ lớn.

Gia đình ông Phùng Văn Dích, thôn Bích Chu là một trong những thành viên gắn bó với quỹ ngay từ những năm đầu thành lập với món vay đầu tiên chỉ 2 triệu đồng để mua gỗ, duy trì nghề tổ của gia đình với việc đóng giường tủ. Cứ như vậy và dần bắt nhịp với xu thế thị trường, ông đã mở rộng sang lĩnh vực dựng nhà cổ, nhà gỗ, đình chùa. Những khoản vay theo đó cứ lớn dần đến 200 triệu đồng, rồi 500 triệu đồng qua nhiều vòng vay đã giúp ông mở rộng sản xuất, tạo dựng thương hiệu cho riêng mình và trở thành nghệ nhân làng nghề của tỉnh và trong cả nước từ những năm 2008-2009. Xưởng mộc gia đình giờ đây không chỉ có cậu con cả tham gia cùng ông mở mang cơ nghiệp, mà hơn thế, còn thường xuyên tạo việc làm cho hơn 30 lao động chính và khoảng chừng đó lao động phụ tại địa phương. Mức lương thợ chính từ 10-11 triệu đồng/tháng. Nhiều người có thu nhập 18 -19 triệu đồng. Ngay cả thợ phụ làm công nhật cũng có nguồn thu từ 5,5-6 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ như ông đã góp phần chấn hưng làng nghề xưa, đưa thương hiệu sản phẩm gỗ địa phương đến khắp miền đất nước.

Chủ tịch HĐQT QTDND An Tường, Lê Thị Huê cho biết, do mô hình nuôi bò và làm mộc ở địa phương ngày càng phát triển hiệu quả, người dân thường tích lũy vốn để tái đầu tư nên việc huy động vốn của quỹ khá khó khăn. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây khi nghề mộc và nuôi bò sữa của xã nở rộ, để có thể hỗ trợ thành viên, quỹ vẫn luôn phải dựa vào NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc. Chủ tịch quỹ Lê Thị Huê cho biết trong 5 năm qua quy mô tín dụng của quỹ  tăng 300%. Hiện nguồn vốn tự có và huy động trong dân của quỹ đạt  66,4 tỷ đồng trong khi dư nợ quỹ lên tới 75,787 tỷ đồng cho thấy, phần nguồn vốn thiếu còn lại từ NHHT.

Phương thức hoạt động lấy mục tiêu hỗ trợ, tạo sự gắn bó cả trong cuộc sống với thành viên của quỹ đã góp phần kết nối cũng như khơi thông những khó khăn trong tiếp cận vốn của các thành viên. “Mỗi khi thành viên, ốm đau, cán bộ quỹ lại chia nhau đi thăm hỏi. Với hộ gặp khó khăn, quỹ xem xét giảm lãi suất để cùng chia sẻ. Quỹ cũng đã nghiên cứu để đưa ra quy trình thủ tục gửi tiền nhanh gọn, thuận lợi đảm bảo pháp lý để người dân không thấy ngại, thấy phiền. Hay khi thành viên có nhu cầu vay vốn, quỹ sẽ đề nghị thành viên ủy quyền cho cán bộ quỹ hỗ trợ làm đăng ký giao dịch đảm bảo. Từ đây xuống huyện 50km, nên để đăng ký giao dịch đảm bảo nhanh chóng, rút ngắn thời gian cho vay vốn của thành viên, cán bộ quỹ phải đi từ 5 giờ sáng. Cái gì mình giúp được thành viên thì giúp thôi”, chị Huê cười thật tươi.

Con số 1.200 thành viên (chiếm hơn 50% số hộ dân trong xã) cho thấy ảnh hưởng và vai trò quan trọng của QTDND An Tường trong phát triển kinh tế địa phương. Sau tra soát theo Thông tư 04, hiện số thành viên của quỹ còn 699. Những hộ ra khỏi danh sách thành viên phần vì già, yếu, phần vì kinh tế đã đủ mạnh, có thể tự chủ về nguồn vốn, không còn nhu cầu vay.

Những nỗ lực của quỹ trong việc hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế đã góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thúc đẩy kinh tế địa phương, đưa xã An Tường đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 với  hơn 98% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm; hơn 98% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 37,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 1,25%.

Đồng chí Đào Tiến Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Tường cho biết, thời gian tới, An Tường sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương theo hướng hiện đại. Đồng thời chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; duy trì, phát triển nghề chăn nuôi bò sữa của địa phương; từng bước chuyển lao động nông nghiệp có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại...; phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động được đào tạo và có việc làm thường xuyên; tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Trên con đường đó, quỹ sẽ chung sức cùng Đảng ủy chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho bà con phát triển kinh tế. Trong giai đoạn từ nay đến 2024, quỹ đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn từ 7-10%/năm; phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2024, nguồn vốn huy động đạt 125 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 110 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng từ 10-15% đến hết năm 2024 đạt 3,5 tỷ đồng. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan