26.04.2019 11:38

Phú Thọ: Tiếp tục đưa hoạt động QTDND trên địa bàn đi đúng hướng

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 39 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với hơn 40 nghìn thành viên hoạt động tại 59 xã, phường, thị trấn và thành phố. Với quy mô đang trên đà phát triển, QTDND trở thành một trong những “kênh” hỗ trợ vốn kịp thời, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên.

 

Hoạt động của hệ thống QTDND Phú Thọ đặt mục tiêu trọng tâm đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả 

Với lợi thế gần dân, hiểu dân, mô hình QTDND đã giúp người dân tiếp cận được loại hình kinh doanh tiền tệ được NHNN cấp phép, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng vốn của quỹ tín dụng giúp thành viên phát triển kinh tế hộ gia đình, như chăn nuôi lợn theo đàn lớn ở QTDND xã Hưng Long, sản xuất gạch ở QTDND xã Thạch Sơn, kinh doanh dịch vụ vận tải ở QTDND xã Khải Xuân…

Tính đến ngày 31/3/2019, tổng nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu nguồn vốn tương đối hợp lý và đều có mức tăng trưởng so với cuối năm 2018: tổng nguồn vốn của hệ thống QTDND đạt 4.035 tỷ đồng, tăng 4%, huy động đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 8,9%; tổng dư nợ cấp tín dụng là 3.585 tỷ đồng, tăng 2%. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu chiếm 1% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của hệ thống QTDND. Trong đó, một số QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích liên kết, tương trợ giữa các thành viên, chạy theo mục tiêu lợi nhuận; không tuân thủ các quy định pháp luật, buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ… dẫn đến có 2 QTDND trên địa bàn xếp loại yếu kém trong hoạt động.

Trước thực trạng trên, trong năm 2018, NHNN Chi nhánh Phú Thọ đã tổ chức 3 hội nghị quán triệt về công tác quản trị, điều hành, kiểm soát và hướng dẫn, triển khai các nghiệp vụ mới cho 39 QTDND. Đồng thời, bám sát các giải pháp tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN của Thống đốc NHNN về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND;

NHNN Chi nhánh tỉnh đã quán triệt và nghiêm túc thực hiện với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã nêu. Đối với nhóm quỹ tín dụng cần củng cố, chấn chỉnh (5 QTD) đưa những biện pháp giám sát đặc thù: tăng tần suất và bố trí nhân sự phù hợp…; đối với những quỹ tín dụng chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN: cho phép mở rộng quy mô, tăng trưởng tín dụng phù hợp đi đôi với khai thác nguồn vốn tại chỗ. Như vậy, công tác quản lý đối với hệ thống QTDND thời gian qua đã giúp các QTDND trên địa bàn củng cố đảm bảo an toàn và có định hướng hoạt động rõ ràng.

Cùng với những giải pháp của NHNN, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Theo đó, Chỉ thị đã nêu ra thực trạng đang hiện hữu cần khắc phục trong thời gian tới và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” và tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

 

 QTDND xã Khải Xuân đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho các thành viên mở rộng kinh doanh dịch vụ vận tải

Có thể nói, 39 QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được NHNN chi nhánh tỉnh quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát huy tiềm lực tự có trên cơ sở tuân thủ hành lang pháp lý. Cùng với đó, việc ban hành Chỉ thị chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN với các giải pháp đồng bộ được kỳ vọng sẽ đưa mô hình tổ chức này hoạt động an toàn và hiệu quả hơn. 

Thời báo Ngân Hàng

Các tin liên quan