03.12.2015 10:33

Phí và hạn mức chi trả BHTG: Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Phí và hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là những vấn đề đang được bàn thảo sôi nổi trong thời gian gần đây.  

Mức phí bao nhiêu là phù hợp đối với một TCTD, nên áp dụng theo hình thức nào, đồng hạng hay trên cơ sở rủi ro? Ưu điểm và bất cập? Rồi hạn mức chi trả cho người gửi tiền. 50 triệu, 100 triệu, hay hơn nữa? Bao nhiêu là phù hợp để có thể vừa đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền, vừa đảm bảo với các chính sách công khác của Nhà nước?

Về phí BHTG, tại Điều 20 Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quy định: Thủ tướng quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN. Căn cứ khung phí BHTG, NHNN quy định mức phí cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này (nghĩa là trên cơ sở rủi ro).

Tuy nhiên, hiện nay đang áp dụng mức phí đồng hạng là 0,15% trên tổng tiền gửi được bảo hiểm cho tất cả các TCTD tham gia BHTG. Vì tất cả các tổ chức tham gia BHTG đều được áp dụng chung một tỷ lệ phí như nhau, hình thức đóng phí này có ưu điểm là không phải đánh giá phân loại các TCTD. 

Tỷ lệ phí BHTG đồng hạng  tạo ra sự ỷ lại,  không có tác dụng khuyến khích các ngân hàng đua nhau thực hiện tốt, an toàn để hưởng phí BHTG thấp, thúc đẩy ngân hàng chấp nhận rủi ro cao hơn trong hoạt động của mình.

Đến nay, NHNN cũng chưa có hướng dẫn gì trong việc thực hiện quy định này. Mặc dù, việc thu phí trên cơ sở rủi ro có những ưu điểm là đối xử bình đẳng giữa các TCTD, góp phần hạn chế rủi ro, đặc biệt là rủi ro đạo đức trong các ngân hàng.

Đề nghị NHNN nên nghiên cứu, hướng dẫn để thực hiện quy định này. Ở nhiều nước, việc điều chỉnh mức phí, xếp hạng, phân loại các TCTD là do BHTG thực hiện. Về lâu dài, ở Việt Nam khi mà BHTG có đủ năng lực, kinh nghiệm thì cũng nên trao quyền này cho BHTGVN chủ động.

Về hạn mức trả tiền bảo hiểm, Điều 24 Luật BHTG quy định: Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thủ tướng chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của NHNN trong từng thời kỳ.

Theo thông lệ quốc tế, hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn là những tiêu chuẩn đáng tin cậy, làm giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt, đồng thời không được làm xói mòn kỷ luật thị trường.

Hạn mức chi trả phải được xây dựng sao cho phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ, nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm (nghĩa là có sự cạnh tranh của các ngân hàng, người gửi tiền cũng phải cân nhắc tìm đến các ngân hàng tốt để gửi tiền như là một khoản đầu tư).

Trong trường hợp một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi được bảo vệ,  phải giảm thiểu rủi ro đạo đức bằng quy định và cơ chế giám sát chặt chẽ, cũng như bằng các thiết chế giám sát khác của BHTG. Với tiêu chuẩn trên, nhiều chuyên gia cho rằng hạn mức hiện nay thấp so với thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ lạm phát hàng năm.

Để đảm bảo tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, ổn định tâm lý, tạo dựng niềm tin công chúng vào các ngân hàng, cần nghiên cứu nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, hạn mức chi trả hợp lý vào khoảng 2 lần thu nhập bình quân người/năm (thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 là khoảng 2.000USD).

Vậy hạn mức vào khoảng 85-90 triệu có vẻ như là hợp lý hơn. Việc ấn định hạn mức này cũng nên được đánh giá lại (5 năm/lần) để đảm bảo phù hợp với các chính sách công khác của Nhà nước.


Theeo TBNH

Các tin liên quan