13.04.2007 15:53

Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với Quỹ tín dụng nhân dân

Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình phát triển với xu thế hội nhập quốc tế, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác, các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhạy bén thay đổi chiến lược kinh doanh của mình; tăng cường năng lực tài chính qua việc liên doanh, liên kết với các ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tài chính khác và thành lập các công ty trực thuộc; đa dạng hoá các hình thức hoạt động kinh doanh. Trong  kinh doanh ngân hàng ngoài nghiệp vụ tín dụng truyền thống, các NHTM đã chú trọng đầu tư, hiện đại hoá công nghệ phát triển các dịch vụ ngân hàng trong đó đặc biệt là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đây là loại hình dịch vụ cơ bản, là một trong những cơ sở để NHTM khẳng định tính ưu việt của mình trong quá trình cạnh tranh. Đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), việc áp dụng và phát triển các nghiệp vụ TTKDTM còn là một trong những yêu cầu cần thiết để đa dạng hoá, mở rộng và phát triển các hoạt động nghiệp vụ khác. Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này ta cần xem xét thêm những ưu điểm của việc phát triển nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt tác động đối với Quỹ tín dụng nhân dân như sau:

Thứ nhất là: Khi nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng xử lý nhanh chóng và thông suốt sẽ thu hút, huy động vốn từ các đối tượng khách hàng, được các khách hàng (cả thể nhân và pháp nhân) mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại QTDND để thanh toán chuyển tiền giữa các đơn vị mua và bán. Nếu số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán mở càng nhiều vốn trong thanh toán càng tăng, đó là nguồn vốn bổ sung cho hoạt động của QTDND. Đồng thời qua quá trình kiểm tra, kiểm soát khi mở tài khoản cũng như khi thanh toán đã giúp QTDND phân tích và đánh giá thêm khách hàng, góp phần kiểm soát tình hình sử dụng vốn vay đối với khách hàng là đơn vị vay vốn tại Quỹ mình.

Thứ hai là: Làm tăng nhanh tốc độ chu chuyển vốn đối với khách hàng cũng như­ trong nội bộ hệ thống QTDND, giảm chi phí vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền mặt trong khâu thanh toán; Góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ và trình độ quản lý của cán bộ, tạo điều kiện cho QTDND từng b­ước tiếp cận và sử dụng những nghiệp vụ ngân hàng có ứng dụng công nghệ hiện đại.

Thứ­ ba là: Là cơ sở để phát triển các loại dịch vụ trong thanh toán đó là: dịch vụ chuyển tiền và quản lý tài khoản khách hàng, thanh toán uỷ nhiệm thu hộ, chi hộ v.v… Qua các dịch vụ này nhằm giảm chi phí chuyển tiền qua hệ thống NHNN, kho bạc, tăng nguồn thu dịch vụ cho QTDND, giảm dần tỷ trọng nguồn thu truyền thống từ kinh doanh tín dụng - đây là nguồn thu chịu nhiều tác động về các yếu tố kinh tế khác khi thực hiện hợp đồng tín dụng, hoặc phát sinh chi phí dự phòng rủi ro nếu món vay bị chuyển nhóm nợ.

Thứ tư là: Thông qua việc tổ chức tốt nghiệp vụ thanh toán liên ngân hàng giữa các QTDND trong cùng hệ thống (giữa QTDND Cơ sở với QTDTW và giữa các QTDND Cơ sở với nhau) tạo điều kiện hỗ trợ và phát triển công tác điều hoà vốn trong hệ thống. Góp phần gắn kết mối quan hệ tương trợ cộng động giữa các thành viên trong cùng hệ thống giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Thứ năm là: Tổ chức tốt nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống QTDND sẽ góp phần nâng cao vị thế, khẳng định uy tín của hệ thống, nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập, từng bước tạo lập thương hiệu cho hệ thống QTDND.

Với những phân tích trên ta thấy được rõ tác dụng to lớn việc tổ chức tốt nghiệp vụ TTKDTM đối với hệ thống QTDND và từng đơn vị trong hệ thống. Tuy nhiên để triển khai và phát triển các nghiệp vụ này đối với thực trạng của hệ thống QTDND còn nhiều vấn đề khó khăn cần phải giải quyết đó là:

    - Về cơ sở vật chất kỹ thuật như: hệ thống máy tính, phần mềm tin học, thiết bị truyền thông và các thiết bị phụ trợ khác phải trang bị theo yêu cầu của nghiệp vụ thanh toán.

    - Năng lực tài chính để đảm bảo trang bị các phương tiện kỹ thuật và có nguồn vốn khả dụng đáp ứng được yêu cầu chi trả khi QTDND là thành viên tham gia thanh toán chuyển tiền.

    - Phải có nguồn nhân lực là những cán bộ được đào tạo có nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực tin học và kế toán ngân hàng đáp ứng yêu cầu về vận hành và xử lý nghiệp vụ trong quá trình tham gia thanh toán.

Về thực trạng các QTDND hiện nay nguồn vốn hoạt động còn quá nhỏ bé, bình quân chỉ đạt khoảng 10.291 trđ/quỹ, vốn điều lệ 495,7 trđ/quỹ, và hoạt động trên địa bàn nông thôn là chủ yếu. Trình độ cán bộ trong Quỹ còn thấp hầu như không được đào tạo cơ bản chính quy, cơ sở vật chất nghèo nàn, công nghệ tin học còn lạc hậu, thậm chí vẫn còn có QTDND chưa có chương trình tin học, giao dịch với khách hàng bằng phương tiện thủ công hoặc dùng phần mềm tin học đơn giản, không thực hiện được giao dịch tức thời với khách hàng... Do đó rất khó khăn trong việc trong việc triển khai hiện đại hoá công nghệ, phát triển nghiệp vụ thanh toán. Với những khó khăn hiện tại như vậy để có thể ứng dụng triển khai và phát triển nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt cần thiết phải có những giải pháp những bước đi phù hợp với tình hình hoạt động của QTDND.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc ứng dụng và phát triển công nghệ tin học đối với hoạt động nghiệp vụ của hệ thống QTDND. Với sự tài trợ của cơ quan phát triển quốc tế Desjardins (DID). Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Quỹ tín dụng Trung ương phối hợp với Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai dự án tin học thí điểm về phần mềm bán lẻ MBS-PCFS áp dụng đối với các QTDND từ ngày 15/3/2006. Hiện nay phần mềm tin học này đã triển khai thành công tại 7 QTDND đem lại hiệu quả to lớn cho phép QTDND giao dịch kịp thời, quản lý tài sản chặt chẽ, an toàn và hạch toán chính xác các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Những ưu việt của phần mềm tin học này sẽ là nền tảng quan trọng trong việc cài đặt, kết nối và ứng dụng đối với phần mềm tin học trong lĩnh vực thanh toán chuyển tiền khi triển khai mở rộng trong mạng lưới Quỹ tín dụng Trung ương nói riêng, hệ thống QTDND nói chung.

Cùng với việc triển khai chương trình tin học hoá Ngân hàng Nhà nước cũng đã cho phép thí điểm 2 QTDND Mỹ Bình và Mỹ Hoà (thuộc tỉnh An Giang) có đủ khả năng về tài chính cũng như kỹ thuật công nghệ được tham gia thanh toán chuyển tiền qua Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian kiểm nghiệm thực tế 2 QTDND này đã phát huy rất tốt nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền, góp phần nâng cao vị thế của các QTDND và tạo tiền đề để phát triển áp dụng rộng rãi đối với các đơn vị khác trong hệ thống.

Tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước và Quỹ tín dụng Trung ương, các QTDND cũng phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình khi triển khai công tác thanh toán đó là: Nâng cao năng lực tài chính, tăng cường nguồn vốn tự có và quan tâm đầu tư về kỹ thuật, trang thiết bị để sẵn sàng đón nhận những phần mềm nghiệp vụ và kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong thanh toán chuyển tiền. Ngoài ra các nghiệp vụ về TTKDTM, thanh toán chuyển tiền là những nghiệp vụ ngân hàng có yêu cầu kỹ thuật và nghiệp vụ chuyên môn cao, khi thực hiện các món thanh toán dễ bị xảy ra tham ô, lợi dụng gây mất vốn; xử lý các món chuyển tiền dễ bị thất lạc, chậm trễ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng và uy tín của QTDND. Do đó cùng với việc tăng cường khả năng tài chính các QTDND cũng phải có chủ trương bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực giỏi nghiệp vụ để vận hành kỹ thuật công nghệ tin học, xử lý về nghiệp vụ trong quá trình thanh toán và có đạo đức nghề nghiệp.

Như vậy, việc quan tâm chỉ đạo về ứng dụng công nghệ tin học và phát triển nghiệp vụ thanh toán đối với các QTDND của Ngân hàng Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, sát thực, tạo điều kiện nâng cao vị thế và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các QTDND trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, với thực trạng của các QTDND và những yêu cầu của công tác thanh toán, việc áp dụng những nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán chuyển tiền trong hệ thống QTDND không thể triển khai ngay trên diện rộng, đồng loạt mà phải xem xét đánh giá khả năng của từng QTDND để triển khai cho phù hợp. Đồng thời phát huy những kết quả đạt được trong quá trình làm thí điểm, rút kinh nghiệm để có lộ trình triển khai từng bước thích hợp trước mắt đối với những QTDND đã hội đủ các điều kiện và đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong việc áp dụng các nghiệp vụ thanh toán.
VT

Các tin liên quan