04.09.2013 14:44

Phát triển QTDND ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ): Vai trò cấp ủy địa phương

Ông Lê Văn Khuyên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), cho rằng cấp ủy và chính quyền cơ sở phải thấy được quỹ TDND là mô hình HTX trong lĩnh vực tiền tệ, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội ở địa phương. Việc khơi thông nhận thức đó tạo ra sự chăm lo cụ thể của từng cấp ngành liên quan, giúp quỹ TDND củng cố và phát triển.

Huyện Thanh Ba có 4 trong tổng số 35 QTDND cơ sở ở tỉnh Phú Thọ (bao gồm các QTDND Đồng Xuân, Khải Xuân, Ninh Dân và thị trấn Thanh Ba). Sau hơn 12 năm thực hiện Chỉ thị 57 ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về phát triển QTDND, ở huyện Thanh Ba trước và nay vẫn chỉ có 4 QTDND, cũng "dậm chân tại chỗ" và coi trọng tính an toàn hơn mở rộng số lượng quỹ, giống như nhiều nơi trong cả nước.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại thực trạng quá yếu kém của QTDND một thời, mới ghi nhận được những nỗ lực chăm lo quỹ của huyện Thanh Ba là đáng kể. Tại thời điểm năm 2000, cả 4 quỹ ở Thanh Ba chưa có niềm tin ở địa phương, cơ sở vật chất thiếu thốn, trụ sở phải làm việc nhờ trong UBND các xã, vốn điều lệ đều thấp dưới 100 triệu đồng, ví như QTDND Đồng Xuân 37 triệu đồng, Ninh Dân 66 triệu đồng… Đáng nói, có 2/4 quỹ yếu kém, đó là QTDND Đồng Xuân nợ xấu 5%, lỗ 13 triệu đồng, còn QTDND Khải Xuân có nợ xấu 20% và thua lỗ 131 triệu đồng.

Và đến thời điểm hiện nay (tính đến tháng 5/2013), cả 4 QTDND ở Thanh Ba đều kinh doanh có lãi. Các quỹ có tổng vốn hoạt động 139,427 tỷ đồng, huy động tiền gửi dân cư 97,794 tỷ đồng, dư nợ cho vay 129,499 tỷ đồng, bình quân trên 32 tỷ đồng/quỹ, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,96%. Hoạt động ổn định của QTDND cơ sở đã phát huy tối đa thế mạnh rất riêng "gần dân, hiểu dân và vì dân" của QTDND, tạo kênh vốn tập trung phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề tích cực xây dựng nông thôn mới, hạn chế và đẩy lùi nạn vay nặng lãi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ủng hộ.

Bên cạnh các giải pháp nghiệp vụ ngân hàng, ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, gần đây cho rằng: ngành ngân hàng yêu cầu các QTDND cơ sở tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Liên minh HTX trong quá trình chỉ đạo, quản lý hoạt động của hệ thống QTDND, nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho QTDND.

Theo ông Lê Văn Khuyên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chủ động "vào cuộc" củng cố và hoàn thiện QTDND. Đáng kể nhất là tăng cường tuyên truyền giáo dục thành viên tự giác thanh toán công nợ cho QTDND. Các cơ quan nội chính của huyện, như Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đã phối hợp cùng UBND các xã chỉ đạo các cán bộ quỹ có sai phạm liên quan đến hoạt động QTDND phải tự khắc phục hậu quả, chấn chỉnh hoặc cho nghỉ việc theo quy định, không để gây tác động xấu đến an toàn hệ thống QTDND và hoạt động tín dụng trên địa bàn huyện.

Để bảo đảm các QTDND phát triển an toàn, hiệu quả, tới đây, Thanh Ba chú ý nhất giải pháp chỉ đạo, quản lý của huyện ủy, UBND huyện đối với QTDND. Theo đó, các cấp ủy và chính quyền cơ sở phổ biến sâu rộng tính ưu việt của QTDND trong phát triển kinh tế và xã hội địa phương.

Đặc biệt, cấp xã và thị trấn bố trí đủ quỹ đất để QTDND xây dựng trụ sở làm việc, đảm bảo thuận tiện và an toàn. Huyện ủy và UBND huyện Thanh Ba chủ động tham mưu cho tỉnh và Ngân hàng Nhà nước làm tốt hơn công tác quy hoạch mạng lưới QTDND và đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát và hỗ trợ QTDND phát triển.
Lưu Đoàn

Các tin liên quan