Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức đã thu hút gần 150 chuyên gia về kinh tế, tài chính, các nhà quản lý và quản trị kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của một số thành viên Nhóm trù bị thành lập diễn đàn Ổn định tài chính Đông Á đến từ các quốc gia khu vực đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore…cùng đại diện cấp cao của nhiều bộ ngành (Văn phòng Chính Phủ, Bộ tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, NHNN…).
Toàn cảnh hội thảo Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và điều hành doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng mới; đồng thời cũng là cơ hội để phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong nghiên cứu vì sự phát triển chung của các nước trong khu vực Đông Á.
Nội dung hội thảo tập trung vào việc đánh giá cải cách tài chính khu vực Đông Á, những hạn chế và bất cập trong các cơ chế hợp tác khu vực, nhận định và những khuyến nghị về xu hướng hợp tác của khu vực này trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận cơ bản đều nhận định: Khu vực Đông Á bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand là khu vực kinh tế có quy mô lớn, đóng vai trò là động lực phát triển của kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ qua và dự báo tiếp tục đóng vai trò này trong những thập kỷ sắp tới. Trong khi đó, hệ thống tài chính của khu vực này được đánh giá không cao so với các khu vực khác trên thế giới như Mỹ, EU.
Có thể nói, thị trường tài chính khu vực Đông Á nói chung và các cơ chế hợp tác nói riêng hiện chưa tương xứng cả về quy mô và trình độ phát triển so với tiềm năng của nền kinh tế khu vực, chưa đảm bảo nền tảng vững chắc để kinh tế khu vực tiếp tục đóng vài trò động lực tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu trong những thập niên tới. Cùng với đó, ổn định tài chính đã và đang trở thành mục tiêu ngày càng quan trọng đối với khu vực Đông Á để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Do vậy, để thị trường tài chính khu vực Đông Á có thể phát triển hơn nữa, các quốc gia trong khu vực cần phải tăng cường hợp tác, phát triển và hoàn thiện các cơ chế hợp tác song phương và đa phương đi vào thực chất và hiệu quả hơn vì mục tiêu cải cách tài chính và ổn định thị trường tài chính, trong đó cơ chế ASEAN + 3 đóng vai trò nòng cốt.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trong hoàn cảnh sự chênh lệch còn rất lớn về trình độ phát triển kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng là một trong những nhân tố quan trọng tạo lập, duy trì và tăng cường sự ổn định tài chính của các quốc gia và cả khu vực.
Ông Ngoạn cũng đánh giá cao tham luận và các ý kiến tham gia tại Hội nghị và coi đây là nguồn tham khảo hữu ích cho công việc chuẩn bị thành lập Diễn đàn ổn định tài chính Đông Á.