Chỉ cần nhìn vào đời sống của thành viên và người dân nơi đây cùng với việc thêm Diễn Thành về đích nông thôn mới 2016 và tới đây nữa là Diễn An, đó là minh chứng sinh động cho hiệu quả hoạt động của QTDND Diễn Thịnh.
Ông Cao Như Trì - Chủ tịch HĐQT QTDND Diễn Thịnh
Số lượng đông đảo hơn 13.000 nhân khẩu là ưu thế nhưng cũng là trở lực cho định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong các chu kỳ vận động và biến đổi kinh tế. Người dân nếu không nhanh nhạy chuyển đổi kinh tế sẽ khó phát triển, mà vốn tín dụng “rót” không khéo lại chẳng khác gì “đá ném ao bèo”. Thế nên, ngay từ ngày đầu, việc lựa theo vận động của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nắm bắt thời thế đã trở thành vấn đề quan trọng mà Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hướng tới để hỗ trợ thành viên.
Với gần 25 năm phát triển, trải qua nhiều “sóng gió”, đến nay QTDND Diễn Thịnh đã không ngừng phát triển. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Cao Như Trì - Chủ tịch HĐQT QTDND Diễn Thịnh luôn nhấn mạnh đến cụm từ “chủ động”.
Những ngày đầu thành lập quỹ, nhu cầu vay vốn của người dân tăng cao để bắt nhịp cùng định hướng của xã khởi động với những mầm xanh kinh tế hàng hóa như: cây lạc, cây vừng. Song vì tích lũy dân cư thấp, nguồn vốn của quỹ lúc này còn hạn hẹp trong khi nhu cầu cho vay chuyển đổi cây trồng, thu mua nông sản lớn nên việc đáp ứng về nguồn vốn thời điểm này rất khó khăn dẫn đến phát triển kinh tế chậm.
Đến năm 2001, khi Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Nghệ An đi vào hoạt động, việc cho vay điều hòa vốn trở nên thuận tiện với định mức cao hơn, quỹ bắt đầu khởi sắc. Nhất là những tháng 5, 6, 7, lúc vào vụ thu hoạch, nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác của quỹ có lúc lên đến 50 tỷ đồng, giúp quỹ chủ động được nguồn vốn cho thành viên mở rộng lĩnh vực dịch vụ, thu mua nông sản.
Từ việc thâm canh manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp thì nay nông nghiệp Diễn Thịnh đã có bước chuyển mạnh mẽ. Diễn Thịnh giờ đã “thay da đổi thịt”, những con đường bê tông, nhựa phẳng lỳ, rộng rãi nối những xóm làng được xây dựng khang trang. Lợi thế của một xã ven biển được phát huy và khơi dậy với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản, qua đó tạo việc làm mới và thu nhập cho người dân. Nguồn vốn tín dụng tăng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã theo đúng hướng khi tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 2/3 và tỷ trọng nông nghiệp giảm chỉ còn chưa đầy 1/3.
Với QTDND Diễn Thịnh, luôn nỗ lực hết mình hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế
Thăm xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông Cao Đức Tám ở xã Diễn Mỹ, một trong những thành viên đầu tiên vay vốn quỹ càng thấm ý nghĩa của mô hình tín dụng này. Từ quy mô của một xưởng sản xuất gia đình làm bàn ghế, những vòng quay vốn của quỹ đã giúp vợ chồng ông dần mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới phân khúc khách hàng ngày một khó tính và cao cấp, không chỉ ở Nghệ An mà vươn ra nhiều tỉnh trong cả nước. Những bộ bàn ghế cung cấp cho thị trường giá từ 70 triệu đồng đến vài tỷ đồng. Khách hàng trải khắp Bắc - Trung - Nam mà như ông nói chủ yếu là khách hàng tự truyền miệng nhau tìm đến. Từ chỗ có vài công nhân, giờ cơ sở sản xuất của ông đã lên đến hơn 100 công nhân địa phương, làm việc thường xuyên không hết việc...
Cái thâm tình của quỹ từ thuở ban đầu ấy ông Cao Đức Tám vẫn luôn mang theo, vì vậy, mặc dù luôn có các TCTD chăm sóc đến tận nhà để cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, song ông vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với QTDND xã Diễn Thịnh. Món vay nhỏ dù chỉ hơn tỷ đồng đáp ứng vốn lưu động, song đó là chữ tình với Quỹ mà ông đã mang theo từ ngày khởi nghiệp.
Ở quy mô nhỏ hơn, dòng vốn tín dụng của QTDND xã Diễn Thịnh đã góp phần giúp nhiều thành viên vươn lên phát triển kinh tế. Như ông Cần Hà ở làng Song Phú, thôn 4 xã Diễn Thịnh, bôn ba khắp nơi để mưu sinh, ông trở về quê hương lập nghiệp. Biết là nuôi tôm có thể xoay chuyển tình thế kinh tế gia đình nhưng tiền đâu để đầu tư lại là bài toán khó giải cho đến khi ông được tiếp cận vốn của QTDND Diễn Thịnh. Vay 600 triệu đồng đầu tư 1ha nuôi tôm công nghiệp từ năm 2011, đến nay, mỗi năm, doanh thu tôm của ông đạt trên dưới 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi được phân nửa.
Những nỗ lực của QTDND Diễn Thịnh đã góp phần đưa giá trị sản xuất của Diễn Thịnh đạt 374,5 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010, đạt và vượt 100% chỉ tiêu đề ra; thu nhập bình quân đầu người 27,6 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 15,24 triệu đồng/người vào cuối năm 2014 và đã đưa Diễn Thịnh trở thành 1 trong 5 xã đầu tiên của huyện đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Đầu năm 2019, Diễn Thịnh tiếp tục đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đầu tiên của huyện. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,68%.
Không chỉ hỗ trợ các thành viên trong xã, từ năm 2010, QTDND Diễn Thịnh đã mở rộng địa bàn hỗ trợ sang 2 xã Diễn Thành và Diễn An, đưa tổng số thành viên có giao dịch với quỹ lên con số 3.100. Ông Cao Như Trì - Chủ tịch HĐQT quỹ cho biết: mặc dù về thẩm định tín dụng, quỹ áp dụng như TCTD, song với việc gần dân, sát dân, hiểu được từng gia cảnh, tâm tính của thành viên, nên việc thẩm định hồ sơ đã rút ngắn được rất nhiều thời gian, cộng thêm việc quỹ hỗ trợ thành viên làm hồ sơ vay vốn, đăng ký tài sản đảm bảo nên thành viên có thể vay vốn ngay trong ngày.
“Quỹ cũng đã tăng vốn điều lệ lên 12 tỷ đồng, vừa để nâng cao năng lực hoạt động mở rộng cho vay, vừa tăng định mức vay cho thành viên để bắt nhịp với tốc độ phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của các địa phương”, ông Cao Như Trì hào hứng cho biết thêm.
Lãnh đạo NHHT chi nhánh Nghệ An và lãnh đạo qũy Diễn Thịnh thăm mô hình nuôi tôm của ông Cần Hà do qũy đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao
Dòng vốn tín dụng của QTDND Diễn Thịnh chảy trong từng ngõ ngách, giúp cho thành viên và người dân có vốn mua sắm thêm máy móc thiết bị, có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất phát triển kinh tế, nhiều hộ đã tích luỹ được hàng trăm triệu đồng, đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị, hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội, đặc biệt giảm hẳn tình trạng cho vay nặng lãi.
Dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng Hợp tác được triển khai, đã giúp quỹ gắn kết thêm mối liên kết với các thành viên, hỗ trợ người dân trong giao thương và chi tiêu cho con cái học hành.
Chỉ cần nhìn vào đời sống của thành viên và người dân nơi đây cùng với việc thêm Diễn Thành về đích nông thôn mới 2016 và tới đây nữa là Diễn An, đó là minh chứng sinh động cho hiệu quả hoạt động của QTDND Diễn Thịnh.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024