15.10.2015 09:37

Những mục tiêu Ngân hàng Hợp tác cần hướng tới nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Vừa qua, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB)  và một số tổ chức khác đã đồng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế: “Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp.” TS. Trần Quang Khánh – Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác cũng đã tham gia và có tham luận trình bày tại Hội thảo với chủ đề “Vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã trong quá trình cơ cấu lại hệ thống Tổ chức tín dụng là Hợp tác xã tại Việt Nam”.

 

TS. Trần Quang Khánh – Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng phát triển của các hình thức kinh tế hợp tác nông nghiệp tại Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm với các nước đã có những cải cách và thúc đẩy kinh tế hợp tác và tổ chức nông dân chuyên nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và bàn giải pháp kích hoạt để loại hình tổ chức quan trọng này đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Theo các báo cáo trình bày tại hội thảo; tính đến cuối năm 2014, trong 142.800 tổ hợp tác (THT) tại Việt Nam có khoảng 2/3 hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Các Hợp tác xã (HTX) và THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, đời sống của các hộ thành viên; giúp hội viên thực hiện một số dịch vụ đầu vào trong sản xuất như thủy lợi, làm đất, mua bán vật tư, cây con giống... và dịch vụ đầu ra tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật.

Theo TS. Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, HTX có vai trò quan trọng trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra chung cho sản xuất của thành viên, liên kết chuỗi giá trị sản xuất; tạo ra giá trị gia tăng, tăng vị thế thị trường cho thành viên.

Tuy nhiên, hoạt động của HTX vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể, nhận thức về bản chất HTX vẫn còn nhiều sai lệch, triển khai tổ chức thực hiện Luật HTX còn yếu; chưa có bộ máy quản lý Nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả. Bởi vậy, rất cần đến giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bản chất, tổ chức HTX và quy định pháp luật về HTX thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, xây dựng được các mô hình hiệu quả; trong đó nổi cộm lên vấn đề về vốn để phát triển kinh tế hợp tác.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS. Trần Quang Khánh cho biết: hiện nay, nhu cầu cấp thiết nhất của các HTX nông nghiệp là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, bao tiêu sản phẩm, quy trình và công nghệ sản xuất, hệ thống chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng trong đó, có thể nói nhu cầu về vốn là một trong những nhu cầu cấp thiết nhất. Các HTX nông nghiệp với địa bàn hoạt động chủ yếu tại nông thôn nên sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với hệ thống các QTDND và chi nhánh Ngân hàng Hợp tác trên phạm vi toàn quốc để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh khi đáp ứng được các điều kiện vay vốn (thuận lợi hơn so với các Ngân hàng thương mại khác) của các loại hình TCTD là hợp tác xã này.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt nam (Ngân hàng Hợp tác) tiền thân là QTDND Trung ương cùng với hệ thống QTDND ra đời với mục tiêu hình thành và phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tín dụng – ngân hàng trên địa bàn nông thôn.  Hiện nay Ngân hàng hợp tác có 27 chi nhánh thực hiện điều hòa vốn và hỗ trợ  cho hoạt động của hệ thống bao gồm 1148 QTDND với khoảng 2 triệu thành viên (đại diện cho khoảng 2 triệu hộ gia đình), hoạt động trên địa bàn 56/63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn khoảng 90 ngàn tỷ đồng.

Đề án cơ câu lại hệ thống các Tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 đã xác định rõ cần phát triển Ngân hàng hợp tác đủ mạnh về quy mô, năng lực tài chính, trình độ quản trị, công nghệ để thực sự đóng vai trò đầu mối điều hòa, cân đối vốn trong hệ thống QTDND và có khả năng chăm sóc, hỗ trợ hiệu quả cho các QTDND về chuyên môn nghiệp vụ, vốn và tài chính. Với đặc điểm cùng hoạt động trên dịa bàn nông thôn, việc các QTDND hỗ trợ cho vay vốn đối với các HTX nông nghiệp khi các tổ chức này đáp ứng đủ điều kiện vay vốn là có thể đặt ra nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế Hợp tác trong nông nghiệp. Vì vậy khi Ngâ hàng hợp tác tái cơ cấu thành công thì không những có thể hỗ trợ cho hệ thống QTDND phát triển ngày càng ổn định, an toàn và bền vững mà còn góp phần hỗ trợ thêm cho việc phát triển kinh tế Hợp tác trong nông nghiệp và sự nghiệp Hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

TS. Trần Quang Khánh

Các tin liên quan