Những công việc cần triển khai của ngành Ngân hàng khi bắt đầu lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ Ngân hàng
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, triển khai thực hiện các cam kết WTO, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/2/2007 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt nam là thành viên của WTO. Trên cơ sở Chương trình hành động này, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện các cam kết WTO. Về tổng thể, để thực hiện cam kết về gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao năng lực quản lý của NHNN và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng, ngành ngân hàng Việt Nam cần triển khai thực hiện những giải pháp mang tính toàn diện như sau: 1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng Cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam cần tiến hành sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng như sau: (i) Sửa đổi Luật NHNN, Luật các Tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật khác có liên quan để đảm bảo NHNN Việt Nam trở thành ngân hàng trung ương hiện đại, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh. Hai luật này đang trong quá trình dự thảo, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2008. (ii) Xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung các quy định pháp luật ngân hàng về cấp phép hiện diện thương mại, về tổ chức, hoạt động, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng kể cả trong và ngoài nước hướng tới nguyên tắc không phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết và lộ trình gia nhập WTO, các quy định pháp luật cần tuân thủ nguyên tắc minh bạch hoá và có thể dự báo. NHNN hiện đang dự thảo Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động của NHTM cổ phần, Thông tư hướng dẫn Nghị định 22 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt nam, trong đó sẽ cụ thể hoá các cam kết liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt nam. Nghị định về việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại của Việt nam cũng đang trong quá trình dự thảo. Để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, NHNN cũng sẽ xây dựng mới Luật Bảo hiểm Tiền gửi và Luật Giám sát An toàn Hoạt động Ngân hàng. (iii) Rà soát danh mục các dịch vụ tài chính - ngân hàng theo Phụ lục về dịch vụ tài chính – ngân hàng của GATS để xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định, đảm bảo các tổ chức tín dụng được thực hiện đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo GATS và thông lệ quốc tế; (iv) Nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho các mô hình tổ chức tín dụng mới, các tổ chức có hoạt động mang tính chất hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (công ty xếp hạng tín dụng, công ty môi giới tiền tệ) nhằm phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng. Các Nghị định về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính sẽ được ban hành mới thay thế cho các văn bản pháp quy cũ về vấn đề này. (v) Hoàn thiện các quy định về quản lý ngoại hối, cải cách hệ thống kế toán ngân hàng phù hợp chuẩn mực kế toán quốc tế. Hoàn thiện các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; và (vi) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng mới (quản lý ngân quỹ, quản lý danh mục đầu tư, các dịch vụ uỷ thác, các sản phẩm phái sinh, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thuê mua tài chính…). 2. Nâng cao năng lực của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ Trong điều kiện mở cửa dịch vụ ngân hàng, NHNN cần nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) thông qua những biện pháp dự kiến được triển khai từ nay đến năm 2010 như sau: (i) Thành lập Ban Điều hành thị trường tiền tệ để tăng cường sự thống nhất, phối hợp giữa các Vụ, Cục trong điều hành CSTT; (ii) Hoàn thiện các cơ chế điều hành các công cụ CSTT nhằm nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ của từng công cụ, tăng cường vai trò chủ đạo của nghiệp vụ thị trường mở trong điều hành CSTT; gắn điều hành tỷ giá với lãi suất; gắn điều hành nội tệ với điều hành ngoại tệ; nghiên cứu, lựa chọn lãi suất chủ đạo của NHNN để định hướng và điều tiết lãi suất thị trường; (iii) Phát triển thị trường tiền tệ an toàn hiệu quả, tạo cơ sở quan trọng cho việc tiếp nhận và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế; (iv) Nâng cấp và đồng bộ hóa máy móc thiết bị, chương trình phần mềm ứng dụng nối mạng các giao dịch nghiệp vụ thị trường tiền tệ và đấu thầu tín phiếu, trái phiếu chính phủ qua NHNN; (v) Tiếp tục đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối theo hướng kiểm soát có chọn lọc các giao dịch vốn (Việt Nam đã tự do hoá hoàn toàn đối với giao dịch vãng lai), giảm dần tình trạng đô-la hoá, cho phép các tổ chức và cá nhân được tham gia rộng rãi hơn vào các giao dịch hối đoái, kể cả các nghiệp vụ phái sinh; (vi) Hoàn thiện hệ thống thông tin nội bộ ngành theo hướng hiện đại hoá, đảm bảo nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin về tiền tệ, tín dụng, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các Bộ, Ngành để phục vụ cho việc điều hành chính sách tiền tệ; (vii) Tăng cường vai trò công tác thống kê, nâng cao năng lực thu thập tổng hợp thông tin trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và cán cân thanh toán phục vụ xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; và (viii) Đổi mới một cách căn bản công tác dự báo và xây dựng CSTT hàng năm theo hướng áp dụng mô hình kinh tế lượng vào phân tích dự báo và lượng hóa các mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ; Nâng cao năng lực phân tích và dự báo tiền tệ, dự báo lạm phát. 3. Nâng cao năng lực của NHNN về thanh tra, giám sát ngân hàng (i) Cấu trúc lại mô hình tổ chức và chức năng hệ thống thanh tra theo chiều dọc gồm cả 4 khâu: cấp phép và các quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ, xử lý vi phạm. (ii) Hoàn thiện quy định về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế (Basel 1), đồng thời đảm bảo việc tuân thủ các quy định này; ban hành quy định mới về đánh giá xếp hạng TCTD theo tiêu chuẩn CAMEL(S); (iii) Xây dựng khuôn khổ, quy trình và phương pháp thanh tra, giám sát dựa trên cơ sở rủi ro; xây dựng sổ tay thanh tra tại chỗ các TCTD Việt Nam để các thanh tra viên sử dụng như cẩm nang thanh tra, giám sát; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các TCTD đang gặp khó khăn thông qua giám sát từ xa và xếp hạng TCTD; và (iv) Tăng cường vai trò và năng lực hoạt động của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Trung tâm Thông tin Tín dụng trong việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các TCTD và hoạt động giám sát rủi ro của NHNN đối với các TCTD. 4. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại (NHTM) (i) Lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM: Xử lý xong về căn bản nợ tồn đọng của các NHTM nhà nước; tăng vốn tự có theo các phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phấn đấu đạt hệ số an toàn vốn trên 6% (đến năm 2006) và trên 8% (trước năm 2010); từ nay đến năm 2008, cổ phần hóa xong Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Nhà Đồng bằng sông Cửu long, nghiên cứu tiến tới cổ phần hóa các NHTM nhà nước khác; đến năm 2010, cổ phần hóa phần lớn các NHTM nhà nước; (ii) Phát triển nguồn nhân lực thông qua tăng cường năng lực, hiệu quả của bộ máy quản trị (Hội đồng quản trị), bộ máy điều hành (Ban điều hành); sắp xếp lại mạng lưới chi nhánh và cơ cấu tổ chức của các chi nhánh; xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đến năm 2010; (iii) Hiện đại hóa công nghệ trong đó đặc biệt là phát triển các kênh giao dịch điện tử; hoàn thiện xây dựng các phần mềm quản lý nghiệp vụ ngân hàng cơ bản (quản lý tín dụng, tài trợ thương mại, ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, quản lý tài chính - kế toán, dịch vụ thanh toán); và triển khai hệ thống giao dịch trực tuyến đến hầu hết các chi nhánh của NHTM nhà nước; (iv) Nâng cao hiệu lực quản lý và tăng cường năng lực quản trị rủi ro; (v) Mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng: Các NHTM cần phát triển các hình thức dịch vụ như: kinh doanh ngoại hối, môi giới bất động sản, cho thuê két sắt an toàn, phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, dịch vụ tư vấn đầu tư và các dịch vụ về đại lý thanh toán và chuyển tiền; và (vi) Đẩy nhanh quá trình tích tụ vốn và tài sản để hình thành một số tập đoàn tài chính - ngân hàng có quy mô hoạt động lớn, trình độ công nghệ hiện đại, quản trị điều hành tiên tiến và có khả năng cạnh tranh quốc tế. 5. Đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin, tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng (i) Thông qua các hình thức khác nhau như tổ chức các buổi họp báo, thuyết trình, cung cấp thông tin cho báo chí... để phổ biến, giải thích các cam kết gia nhập WTO về lĩnh vực dịch vụ ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, bao gồm NHNN và hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam từ trung ương tới địa phương.
(ii) Định kỳ công bố các chương trình, kế hoạch hành động của ngành liên quan tới việc thực thi các cam kết song phương và đa phương.