05.08.2014 10:32

Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo

Tín dụng vẫn chưa được như mong muốn

NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 là 12-14% so với năm 2013. Theo số liệu trên Website của NHNN thì dư nợ tín dụng của nền kinh tế vào cuối năm 2013 vào khoảng 3.478.000 tỷ đồng, như vậy để đạt được mục tiêu đề ra, trong năm 2014, nền kinh tế phải hấp thụ một lượng vốn khoảng 417.360-486.920 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí của NHNN thì 6 tháng đầu năm, tín dụng mới chỉ tăng 3,52%, tương đương với khoảng 122.400 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Để thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra, những tháng còn lại của năm, lượng vốn đưa vào nền kinh tế ước phải tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng dường như vẫn bế tắc và nhiều khả năng khó có thể đạt được mục tiêu.

Cụ thể:

Thứ nhất, dư nợ tín phiếu rất lớn và nhiều khả năng tiếp tục duy trì ở mức cao. Không thể phủ định trong năm 2014, NHNN đã mua một lượng lớn ngoại tệ góp phần tăng dự trữ ngoại hối. Để trung hòa lượng tiền đã bỏ ra mua ngoại tệ từ các NHTM, NHNN đã tăng cường phát hành tín phiếu.

Tuy nhiên, dư nợ tín phiếu vẫn ổn định và rất cao trong những tháng gần đây cho thấy tăng trưởng tín dụng không có nhiều tiến triển.

Đồ thị dưới cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, NHNN đã phát hành một lượng tín phiếu kỷ lục (hơn 547.000 tỷ đồng) và dư nợ tín phiếu cho tới thời điểm cuối tháng 7 cũng đang đạt ở mức kỷ lục (hơn 200.000 tỷ đồng). Lượng tín phiếu NHNN phát hành ra dường như chỉ hút lượng tín phiếu đáo hạn cho thấy tín dụng, mặc dù có tăng nhưng sức hấp thụ của nền kinh tế vẫn quá yếu, nên NHNN tiếp tục phải sử dụng công cụ phát hành tín phiếu nhằm kiềm chế lượng tiền trong lưu thông qua đó kiềm chế lạm phát.



Thứ hai, thanh khoản thừa, không có đột biến trong thị trường liên ngân hàng. Khi tín dụng tăng mạnh, tình trạng vay mượn trên thị trường liên ngân hàng sẽ có nhiều đột biến. Tuy nhiên, kể từ đầu năm, thống kê cho thấy tổng khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch qua đêm và giao dịch kỳ hạn 1 tuần không có nhiều đột biến.

Thậm chí, giao dịch bình quân 1 ngày trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 7 ước vào khoảng 20.200 tỷ đồng, tiếp tục sụt giảm khoảng 2.000 tỷ đồng/ngày so với tháng 5 và tháng 6 cho thấy tình trạng thanh khoản của hệ thống tương đối dồi dào đồng nghĩa với việc chưa có nhiều đột biến trong tăng trưởng tín dụng.



Thứ ba, lãi suất cho vay dường như giảm chậm
. Số liệu thống kê trên Website của NHNN cho thấy, lãi suất cho vay bình quân ở tất cả các kỳ hạn và cả ở khối các ngân hàng thương mại nhà nước lẫn khối các ngân hàng TMCP dường như không thay đổi kể từ tháng 5 (lần biến động giảm lãi suất cho vay gần nhất).



Thị trường ngoại hối ổn định

Mặc dù một vài thời điểm, tỷ giá tương đối nóng và chạm mức trần biên độ. Tuy nhiên, nhìn tổng thị thì điểm sáng của chính sách tiền tệ năm 2014 đó là thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì sự ổn định. Cho tới thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá mua-bán trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá niêm yết tại các NHTM tiếp tục xu hướng giảm và đang có xu hương đi ngang tại thời điểm những ngày cuối tháng. 

                   Diễn biến thị trường ngoại hối gần đây



Một điểm sáng nữa cũng cần phải kể đến đó là tỷ giá tại thị trường tự do đã không còn chênh lệch lớn với tỷ giá các NHTM và cũng không gây ra những cơn sốt ngoại tệ trên thị trường. Cho tới thời điểm hiện tại, tỷ giá trên thị trường chính thức và phi chính thức tương đối ổn định, xoay quanh mức tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng và chênh lệch tỷ giá mua-bán không cao (khoảng 10-15đồng/1USD.

Nhận định thị trường tiền tệ những tháng cuối năm

Dư nợ tín phiếu rất lớn cho thấy thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất yếu đồng thời nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng. Vì vậy, nhiều khả năng tín dụng khó có thể tăng đột biến trong thời gian tới và NHNN tiếp tục phải sử dụng công cụ tín phiếu để điều hòa lượng tiền trong lưu thông.

Về thị trường ngoại hối, tỷ giá tiếp tục ổn định trong biên độ +/-1% cho thấy khó có biến động trong ngắn hạn; cán cân thương mại vẫn thặng dư và dự trữ ngoái hối tăng cao nên khả năng tỷ giá vẫn tiếp tục ổn định trong những tháng còn lại.

Nguyễn Lê
Tri Thức trẻ

Các tin liên quan