23.09.2014 08:45

Nghệ An - Hiệu quả từ Quỹ tín dụng nhân dân

Vì thiếu vốn đầu tư cho con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, bà Trần Thị Minh ở xóm Mỹ Hậu, xã Hưng Đông - TP. Vinh đến Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Đông vay tiền. Bởi là người dân trong xã, lại vay vốn đầu tư vào lĩnh vực xuất khẩu lao động, nên Quỹ tín dụng nhân dân đã nhanh chóng giải quyết cho bà Minh vay 150 triệu đồng và nguồn vốn đó đã giúp cho gia đình bà thực hiện được nguyện vọng là đưa con đi xuất khẩu lao động. Từ nguồn tiền ở nước ngoài gửi về, sau 9 tháng bà Minh đã tiến hành trả nợ gốc Quỹ tín dụng hơn 80 triệu đồng. Không chỉ xóm Mỹ Hậu, mà ở xóm Mai Lộc, hiện có 20 hộ vay 3 tỷ đồng tại Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Đông đầu tư cho người thân, con cháu đi xuất khẩu lao động và thông qua đó tạo cơ hội giải quyết việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân trong xóm. Hay gia đình ông Phan Thế Song ở xóm Trung Mỹ, vay 300 triệu đồng đầu tư phát triển kinh tế trang trại ở xã Nghi Hoa - Nghi Lộc và mô hình này phát triển mạnh theo hướng tập trung chăn nuôi vịt với quy mô lớn. Là xã ngoại thành, nên cùng với việc đầu tư cho người dân vay vốn phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, Quỹ tín dụng nhân dân Hưng Đông còn tập trung ưu tiên nguồn vốn cho người dân vay đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà cửa, buôn bán, dịch vụ sửa chữa ô tô, xe máy, vay xuất khẩu lao động, vay mua sắm phương tiện đi lại. Với việc mở rộng đối tượng cho vay, đến nay, doanh số cho vay của Quỹ đạt hơn 90 tỷ đồng.


 
Phòng giao dịch Quỹ tín dụng nhân dân xã Hưng Đông - TP. Vinh.

Tại TX. Cửa Lò, mặc dù có nhiều ngân hàng hàng thương mại, các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn với nhiều nguồn ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng Quỹ tín dụng nhân dân Nghi Hương đã có những giải pháp hợp lý để phát triển, như: Mở rộng công tác huy động vốn thông qua khai thác các nguồn tiền tiết kiệm nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư; Phát triển tín dụng và thường xuyên nắm bắt diễn biến thị trường tiền tệ để ban hành cơ chế lãi suất kịp thời, đa dạng phù hợp với từng thời điểm; Đổi mới phong cách và chất lượng phục vụ; Đảm bảo tốt khả năng thanh toán và đáp ứng nhu cầu vốn vay của thành viên, khách hàng...
 
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Nghi Hương cho hay: “Một trong những điểm nổi bật của Quỹ là làm tốt công tác huy động vốn, năm 2009 huy động vốn tại địa bàn được hơn 35,6 tỷ đồng, thì năm 2013 là gần 111,5 tỷ đồng và phấn đấu đến cuối năm 2014 huy động vốn đạt 130 tỷ đồng. Nhờ huy động được nguồn vốn này, Quỹ đã chủ động được trong công tác điều hành vốn, bảo đảm khả năng thanh toán và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của thành viên, khách hàng. Trong quá trình thực hiện công tác tín dụng, Quỹ luôn thực hiện nghiêm quy chế cho vay và cải tiến các thủ tục nhanh, gọn, đúng pháp luật, đặc biệt chú trọng công tác thẩm định, xét duyệt, phán quyết cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi vay vốn, nhờ đó chất lượng công tác tín dụng luôn được nâng cao. Thời gian qua, Quỹ đã đầu tư cho 5.663 lượt thành viên, khách hàng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh phục vụ du lịch biển, phát triển kinh tế, chăn nuôi hải sản, xuất khẩu lao động... và nguồn vốn vay đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả”.
 
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, quỹ tín dụng nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng các ngành, nghề , dịch vụ... Sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng đó của quỹ tín dụng nhân dân, đã tạo ra “kênh” vay vốn rất kịp thời, hiệu quả của mô hình này. Được biết, hiện nay huyện Diễn Châu là địa phương dẫn đầu trong tỉnh về số lượng phát triển quỹ tín dụng nhân dân (có 10 quỹ), tiếp đến là huyện Yên Thành có 9 quỹ, huyện Đô Lương có 7 quỹ, Nam Đàn 6 quỹ... Ông Trịnh Bá Quân - Phó trưởng phòng Kinh tế - Tổng hợp, Liên minh HTX Nghệ An cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 54 quỹ tín dụng nhân dân tại 54 xã của 13 huyện, thị, thành (gồm 54 hội sở và 7 phòng giao dịch). Các quỹ tín dụng nhân dân đã tăng trưởng về quy mô và chất lượng hoạt động. Hiện tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân là hơn 2.451,6 tỷ đồng, gồm 75.833 thành viên và nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 2.008,6 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay hơn 2.112 tỷ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,20% (dưới mức cho phép). Một điều rất đáng mừng của mô hình quỹ tín dụng nhân dân, là trong số 54 quỹ đang hoạt động thì có đến hơn 40 quỹ tín dụng hoạt động hiệu quả”.
 
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh ta vẫn có 426/480 phường, xã, thị trấn (88,75%) chưa có quỹ tín dụng nhân dân. Cùng với đó, hiện nhiều quỹ chưa có đất để xây dựng trụ sở làm việc và chưa được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, phát triển của Nhà nước. Và tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông... hiện vẫn chưa có mô hình quỹ tín dụng nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để khuyến khích mô hình quỹ tín dụng nhân dân phát triển, nhất là tại các huyện miền núi.

Hoàng Vĩnh

Các tin liên quan