27.04.2007 17:31

Ngày 24/04/2007, tại Trụ sở Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Nội vụ phối hợp VCCI đã tổ chức tổng kết...

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, ở Trung ương năm 2006, Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập 21 Hội, Hiệp hội thuộc các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, hữu nghị và nghề nghiệp có phạm vị hoạt động trên toàn quốc. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2006 đã có 364 Hội, Hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc.

Ở các địa phương, theo báo cáo của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) tính đến 31/12/2006, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh đã cho phép thành lập 4.157 Hội, Hiệp hội, tăng so với năm 2005 là 417 Hội, Hiệp hội.

Các Hội, Hiệp hội  ở Trung ương với nhiều ngành nghề khác nhau đã triển khai rất phong phú các hoạt động như: cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ cho hội viên; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường; triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động từ thiện nhân đạo và công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phát động và triển khai rộng khắp các hoạt động thể thao; mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế; triển khai các hoạt động hỗ trợ, liên kết, nâng cao năng lực hoạt động của các hội viên là tổ chức kinh tế và cá nhân.

Báo cáo tổng kết đã nhấn mạnh: các Hội, Hiệp hội  đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phố biến các kiến thức khoa học, kỹ thuật góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Phần lớn các Hội, Hiệp hội đã có cơ quan ngôn luận. Cơ quan ngôn luận của Hội, Hiệp hội thực sự trở thành diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên và đã trở nên gần gũi với đông đảo bạn đọc trong cả nước .
 
        Trụ sở Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Về hoạt động của các Hiệp hội kinh tế, Bộ Nội vụ đã đánh giá: các Hiệp hội  đã thực sự trở thành cầu nối giữa các thành viên với Nhà nước, đại diện cho các hội viên góp ý với các cơ quan Nhà nước trong việc hoạch định chính sách đối với sự phát triển của ngành, lĩnh vực kinh tế có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội. Hoạt động của các Hiệp hội bước đầu khẳng định có hiệu quả trong việc phối hợp các hoạt động của các hội viên, cung cấp thông tin về giá cả, thị trường trong nước và quốc tế, làm cơ sở cho hội viên định hướng sản xuất, kinh doanh, triển khai các hoạt động tư vấn và xúc tiến thương mại. Các Hiệp hội đã, đang cùng cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm của các hội viên Hiệp hội. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO thì vai trò Hiệp hội đối với việc bảo vệ hội viên ngày càng quan trọng. Thời gian qua đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc, đấu tranh bảo vệ doanh nghiệp hội viên của mình chống lại các vụ kiện phá giá như: tôm, cá ba sa, xe đạp, may mặc … Nhiều Hiệp hội  đã tư vấn cho các hội viên đổi mới công nghệ, giúp đỡ doanh nghiệp hội viên tìm kiếm thị trường, tìm kiếm khách hàng và cơ hội kinh doanh, hỗ trợ hội viên trong quá trình hội nhập quốc tế. 

Các Hiệp hội đã thực sự quan tâm đến việc tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo việc ban hành cơ chế, chính sách của Nhà nước phù hợp với thực tiễn, nhiều Hiệp hội đã làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, một số Hiệp hội  đã bước đầu tham gia vào quá trình giám sát thực thi pháp luật. Nhiều Hội, Hiệp hội đã và đang chủ động tham gia cung cấp dịch vụ công do Nhà nước chuyển giao. 

Hoạt động của các Hội, Hiệp hội ở các địa phương có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với các Hội, Hiệp hội ở Trung ương triển khai hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoá về giáo dục, văn hoá, đào tạo, thể dục thể thao, xoá đói giảm nghèo, phổ biến pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động của các Hội, Hiệp hội vẫn còn một số khiếm khuyết cần khắc phục như: nặng tư tưởng bao cấp, hành chính hoá, chưa chú ý tuyên truyền giáo dục hội viên, sức tập hợp thu hút hội viên thấp. Hoạt động của một số Hội, Hiệp hội còn mang tính hình thức.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết đã sổi nổi tham gia ý kiến về việc: Nhà nước cần mở rộng chuyển giao dịch vụ công sang các tổ chức xã hội - nghệ nghiệp sẽ giúp cho các cơ quan Nhà nước bớt việc. Nếu tổ chức xã hội - nghệ nghiệp làm không tốt, với tư cách quản lý, Nhà nước sẽ “thổi còi”; Nhà nước nên trao quyền cho các Hội, Hiệp hội đưa ra các tiêu chuẩn về bê tông, thép, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp…;  về lâu dài, các cơ quan quản lý Nhà nước nên thu xếp với nhau để Hội, Hiệp hội chỉ phải qua “một cửa” để phản ảnh kiến nghị đề xuất của hội viên có liên quan đến nhiều Bộ, ngành chức năng …

 Về phương hướng nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về hội năm 2007, Bộ Nội vụ đã nêu rõ: 

1. Nhà nước sớm ban hành Luật về hội và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn
thi hành Luật về hội, để tạo điều kiện cho các tổ chức hội hoạt động có hiệu quả phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước mắt, khi Nhà nước chưa ban hành Luật về hội thì Chính phủ nên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một một số Điều của Nghị định 88/2003/NĐ-CP ngày 30/07/2003 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trong đó có nội dung hội viên có yếu tố nước ngoài tham gia hội.

2. Nghiên cứu quy định rõ mối quan hệ, trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, ngành về lĩnh vực hội hoạt động; quan hệ giữa các Bộ, ngành với hội trong việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao dịch vụ công cho hội. Nghiên cứu, quy định Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh phân cấp hoặc uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận, huyện quyết định cho phép thành lập; chia tách, sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt điều lệ hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn quận, huyện, xã. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về xã hội dân sự.

3. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện và hướng dẫn thi hành.

4. Xây dựng quỹ hỗ trợ cho các hoạt động của hội và các tổ chức phi chính phủ; quy định rõ trách nhiệm của Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của hội; chuyển giao dịch vụ công cho hội.

5. Tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước đối với hội và tổ chức phi chính phủ cho đối tượng là lãnh đạo hội, chuyên viên theo dõi hội của các Bộ, ngành, địa phương. Thí điểm mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ tổ chức hoạt động hội cho các cán bộ lãnh đạo ở một số hội.

6. Phối hợp các Bộ, ngành, địa phưong liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều lệ hội và pháp luật về hội.

7. Phố hợp với các Bộ, ngành  liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các hội xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với các hội viên của mình theo quy định của pháp luật.

8. Cụ thể hoá những chủ trương giao một số dịch vụ công cho hội, hỗ trợ ngân sách cho những hoạt động của hội gắn liền với nhiệm vụ được Nhà nước giao.
Nguyễn Đức

Các tin liên quan