Tất cả các tổ chức tín dụng đã chuẩn bị những gói cho vay trị giá từ vài chục tỉ đến cả hơn trăm ngàn tỉ đồng/ngân hàng với lãi suất giảm tối thiểu 2 điểm phần trăm/năm sẵn sàng giải ngân cho khách hàng. Các ngân hàng cũng giảm phí, tăng chất lượng dịch vụ, khuyến khích giao dịch mobile banking, không chia cổ tức tiền mặt, điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận... cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đang diễn ra.
“Chúng tôi “thắt lưng buộc bụng” cùng cả nước”, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng là một trong những lĩnh vực kinh doanh thiết yếu, là huyết mạch của nền kinh tế, nên NHNN đã liên tục có các cuộc họp với lãnh đạo tất cả tổ chức tín dụng để triển khai kịp thời những nội dung của Chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19 do Thống đốc ký ban hành ngày 31/3/2020 ngay trước khi chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng có hiệu lực.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Chỉ thị 02 chủ yếu tập trung vào giảm lãi suất cho vay phải không, thưa Phó Thống đốc?
Giảm lãi suất là một nội dung quan trọng nhưng không phải chỉ có thế. Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm, hành động cụ thể của cả các vụ, cục thuộc NHNN; của chi nhánh NHNN các địa phương và các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn, NHNN điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, định hướng việc giảm lãi suất, khoanh, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phải phối hợp hành động và các tổ chức tín dụng thực hiện trên cơ sở năng lực của từng ngân hàng.
Về cơ bản, Chỉ thị 02 không chỉ tập trung hạ lãi suất, mà còn yêu cầu ngân hàng thương mại tái cơ cấu khoản vay; hoãn, giãn nợ đến hạn, không chuyển nhóm nợ, giảm phí cho doanh nghiệp và người dân.
Mức hạ lãi suất đầu ra 2 điểm phần trăm/năm là lớn và chưa có tiền lệ khi mặt bằng lãi suất hiện tại đang thấp so với nhiều năm trước. Liệu điều này có quá sức chịu đựng của các ngân hàng?
Lúc này các ngân hàng phải cùng chung tay với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn đã và phải hy sinh lợi nhuận. Tất cả các đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh đều được giảm lãi suất. Mức 2 điểm phần trăm/năm là tối thiểu. Các ngân hàng tùy theo khả năng và tiềm lực tài chính có thể đưa ra mức giảm nhiều hơn cho các đối tượng khác nhau.
Trước Chỉ thị 02 đa số ngân hàng đã nhận thức được nguy cơ của dịch bệnh kéo dài và đã chủ động lên các phương án hỗ trợ khách hàng. Đây là việc làm thiết thực bởi doanh nghiệp khó thì ngân hàng cũng khó.
Cho đến thời điểm này lãi suất nhiều ngân hàng đã giảm 2 điểm phần trăm, thậm chí có ngân hàng giảm 2,5 điểm phần trăm so với trước dịch.
Các mảng trọng yếu của nền kinh tế như du lịch, hàng không, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại... đã đình trệ. Không ít doanh nghiệp chọn giải pháp “ngủ đông”. Dòng tiền không về, doanh nghiệp không trả được nợ. Không hoạt động được thì người kinh doanh cũng không có nhu cầu vay vốn. Giảm lãi suất nhìn từ góc độ đó có thể sẽ không phát huy hết tác dụng?
Giảm lãi suất không phải chỉ cho món vay mới mà cả dư nợ cũ nên công cụ hạ lãi suất lúc này vẫn là cần thiết và trực tiếp.
Có những doanh nghiệp ngay lập tức bây giờ chưa có nhu cầu vay vốn, nhưng họ vẫn chuẩn bị để duy trì hoạt động ở mức tối đa có thể và khôi phục hoạt động ngay khi điều kiện cho phép. Nếu không chuẩn bị từ giờ, hậu dịch Covid-19 sẽ không bắt kịp tiến độ kinh tế. Giảm lãi suất vì thế không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp hiện tại, mà cả tương lai.
Với những khách hàng đang có dư nợ, ngoài giảm lãi suất, họ có thể được cơ cấu lại nợ, giảm bớt các chi phí dịch vụ, nhất là dịch vụ đối với người lao động tại doanh nghiệp. Tác dụng hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng nên được đánh giá cả trước mắt và về lâu dài.
Ngay khi công bố các gói cho vay giảm lãi suất, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi. Phó Thống đốc nhận xét như thế nào về động thái này?
Trước hết phải khẳng định thanh khoản thị trường đang dồi dào, nhu cầu vay vốn chậm lại. Vừa qua NHNN đã điều chỉnh các lãi suất điều hành cơ bản để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm giá thành huy động vốn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế. Khi nhu cầu huy động vốn bớt đi, việc giảm lãi suất tiết kiệm là hợp lý.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất các nước khu vực và thế giới đang rất thấp vì ngân hàng trung ương khắp nơi đều điều chỉnh lãi suất, tung ra các gói hỗ trợ khổng lồ để đỡ nền kinh tế, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này. Cá nhân tôi cho rằng dù đã giảm gần đây, lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng vẫn đang thể hiện sự hấp dẫn nhất định so với các kênh đầu tư khác và tiếp tục là sự lựa chọn của những người có tiền nhàn rỗi.
Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu sẽ gia tăng khi khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu đi một cách bất ngờ. Phó Thống đốc có đồng tình với các ý kiến trên?
Dịch Covid-19 là yếu tố bất khả kháng và nợ xấu gia tăng từ yếu tố bất khả kháng là điều không ai muốn, vấn đề là chấp nhận ở mức nào. Nợ xấu có thể tăng trong ngắn hạn. Các ngân hàng phải nâng cấp công tác quản trị rủi ro, thẩm định hồ sơ cho vay cẩn trọng hơn và kiểm soát tốt hơn việc sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó, chúng ta trông chờ vào ý thức vượt khó, trả nợ của người vay. Tôi tin sẽ không có hiện tượng “té nước theo mưa”, lợi dụng chính sách tín dụng ưu đãi để trục lợi.
Nếu dịch bệnh kéo dài...
NHNN đã lên các kịch bản hành động khác nhau tương ứng với dự báo diễn biến khác nhau của dịch bệnh từ thấp đến cao. Kinh tế quí 1, quí 2 năm nay đã và đang bị tác động mạnh, tuy nhiên quí 3, quí 4 có khả năng phục hồi. Thị trường tiền tệ - tài chính đang trong tầm kiểm soát và chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt đang thể hiện vai trò tấm đệm giảm sóc khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024