21.08.2020 09:35

Ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng

NHNN vừa điều chỉnh giảm thêm lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa lần giảm lãi suất này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

 

TS. Võ Trí Thành 

Ông có cảm thấy bất ngờ về việc NHNN điều chỉnh lãi suất dự trữ bắt buộc?

Tôi không bất ngờ về quyết định này của NHNN. Động thái điều chỉnh lần này có thể không như dự đoán của thị trường là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc mà chỉ giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc. Nhưng tôi cho rằng quyết định trên của NHNN là phù hợp. Khi mà hệ thông ngân hàng đang dồi dào thanh khoản, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế xuống thấp không cần thiết phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc vừa khuyến khích các ngân hàng cho vay nền kinh tế nhiều hơn nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản tốt cho các ngân hàng cũng như cho toàn hệ thống. Dù thanh khoản ngân hàng đang dư dả nhưng không ai nói trước được điều gì với thế giới đầy biến động. Trước sự bất định của nền kinh tế thì càng cần phải phòng thủ an toàn hơn so với thời kỳ kinh tế phát triển ổn định.

Còn việc NHNN không giảm đồng loạt lãi suất điều hành như lần trước, theo tôi, là do NHNN phải cân đối giữa nhiều mục tiêu chính sách. Hiện tại trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn đã giảm về còn 4,25%/năm, tức chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ lạm phát bình quân 7 tháng đầu năm là 4,07%. Nếu lãi suất xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền có thể sẽ chảy qua các kênh tài sản khác như cổ phiếu, vàng, BĐS… Mà chính sách tiền tệ được giao nhiệm vụ kép vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, các ngân hàng vẫn cần phải đảm bảo lãi suất hợp lý để huy động đủ vốn cung ứng cho nền kinh tế.

Lạm phát có phải yếu tố mấu chốt khiến cho NHNN thận trọng trong điều chính chính sách lãi suất không, thưa ông?

Thực ra, lạm phát đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, lạm phát bình quân cũng giảm tốc khá nhanh. CPI 8 tháng đầu năm dự báo tăng thấp hơn 7 tháng đầu năm 2020 và lạm phát bình quân có khả năng đạt dưới 4% như mục tiêu Quốc hội giao. Nhưng như tôi nói ở trên, do phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ khiến cho NHNN phải rất thận trọng khi điều chỉnh chính sách. Riêng về lạm phát vẫn không thể chủ quan vì áp lực vẫn còn chứ không phải đã hết. Nhất là khi dòng tiền sẽ chảy mạnh hơn vào nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Tôi nghĩ rằng, trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực giảm lãi suất. Nếu có điều kiện thì giảm thêm chứ không nên gượng ép vì mặt bằng lãi suất đang ở mức hợp lý so với những năm trước và tương quan với các nước trong khu vực. Hơn thế, lãi suất không phải là vấn đề cơ bản nhất từ nay đến cuối năm, cái quan trọng hơn là khả năng tiếp cận vốn. Cái khó ở đây của các ngân hàng là phải đảm bảo chuẩn mực tín dụng nhưng làm sao vẫn có thể hỗ trợ DN.

Theo ông chính sách tiền tệ cần phải ứng xử ra sao trong những tháng cuối năm để đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra?

Tôi nghĩ rằng dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều vì NHNN đã sớm điều chỉnh chính sách để hỗ trợ cho DN, nền kinh tế rồi giờ gánh nặng đặt nhiều vào chính sách tài khóa. Tuy dư địa không còn nhiều, nhưng vai trò của chính sách tiền tệ rất quan trọng. Nhất là việc phối hợp với chính sách tài khóa để triển khai chính sách lớn của Chính phủ. Ví dụ như có thể tới đây có chủ trương cho các tập đoàn lớn, hay đối với lĩnh vực nào đó vay vốn với lãi suất thấp và ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp bù lãi suất thì sự vào cuộc của chính sách tiền tệ giúp thúc đẩy dòng vốn chảy nhanh tới những nơi cần hỗ trợ có ý nghĩa lớn. Lưu ý rằng, khi tình hình kinh tế dần ổn định trở lại và tiến trình phục hồi bắt đầu tốt hơn, lúc đấy vai trò tín dụng rất quan trọng.

Theo tôi, thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, khéo léo như thời gian vừa rồi để góp phần giữ ổn định lạm phát, bởi đó là yếu tố quyết định mức lãi suất trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp khiến DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, NHNN cần chỉ đạo sát sao đến các ngân hàng không hạ chuẩn tín dụng hạn chế rủi ro phát sinh nợ xấu mới. Bởi nếu để xảy ra rủi ro nợ xấu thì không chỉ ảnh hưởng sự an toàn của hệ thống các TCTD mà còn gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế…

Xin cảm ơn ông!

 

Theo thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan