01.04.2015 10:23

Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam - Một năm vượt khó cùng hệ thống

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác (NHHT) Nguyễn Đức Dũng, đến 31/12/2014, toàn hệ thống QTDND có 1.146 QTDND và 1.967.755 thành viên, tăng 12,92%; Tổng nguồn vốn hoạt động trên 66.770 tỷ đồng tăng 21,12% so với cùng kỳ 2013, trong đó vốn tự có đạt 4.023 tỷ đồng.

Riêng tiền vay NHHT là 4.532 tỷ đồng, giảm 1.271 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 21,9% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ đạt khoảng 52.224 tỷ đồng; tiền gửi tại NHHT tăng 3.871 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 75,95% so với 31/12/2014).

Những con số này phần nào phản ánh những nỗ lực của NHHT trong việc thể hiện vai trò tổ chức đầu mối, là ngân hàng của các tổ chức QTDND. Và điều này càng rõ hơn khi ông Dũng cho biết, khoản chênh lệch nhận tiền gửi nhiều hơn cho vay là 4.436 tỷ đồng. Năm 2014 là năm mà các QTDND huy động được nhiều nhất từ trước đến nay, trong khi hạn mức cho vay khách hàng không phải là QTDND có giới hạn nên NHHT không thể tăng trưởng tín dụng nhiều với khu vực này.

Bên cạnh đó, QTDND lại không có nhu cầu vay vốn. Vì vậy ngay từ những tháng đầu năm, nhận định việc tăng trưởng tín dụng còn khó khăn, nguồn vốn huy động sẽ dư thừa tạm thời, NHHT đã chủ động mua kỳ phiếu, trái phiếu của Nhà nước và các TCTD đến 31/12/2014 với tổng trị giá là 3.801,5 tỷ đồng để linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, hạn chế việc giảm thu nhập tài chính.

Nhưng do lượng tiền gửi điều hòa lớn, lãi suất gửi các TCTD khác thấp hơn lãi suất nhận tiền gửi của QTDND (trong khi vốn dư thừa không mua được trái phiếu) nên trong quý II và quý III/2014, NHHT bị giảm thu nhập, lỗ ước tính khoảng 8 - 10 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, không vì thế, mà ngân hàng không tạo điều kiện cho các thành viên. NHHT luôn áp dụng nguyên tắc huy động vốn từ các QTDND thành viên cao hơn mức lãi suất huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế cùng kỳ hạn huy động.

Đồng thời, lãi suất cho vay QTDND thành viên thấp hơn lãi suất cho vay khách hàng DN. Trong năm qua, 24 QTDND ở 8 chi nhánh đã được NHHT hỗ trợ cho vay để mở rộng thành viên và điều chỉnh hạn mức cho vay từ 50% thành 70%.

Không chỉ áp dụng cơ chế điều hòa vốn mới linh hoạt, NHHT luôn quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời cho vay hỗ trợ đảm bảo hoạt động của hệ thống QTDND, và coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời tham mưu, phối hợp với các cơ quan chủ quản như NHNN, chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND có thể vượt qua khó khăn.

Trong năm 2014, NHHT đã cho vay chi trả cho các QTDND số tiền là 260 tỷ đồng, nhờ đó, góp phần giúp cho hoạt động của toàn hệ thống được an toàn, không có QTDND nào do mất khả năng chi trả tiền gửi.

Ngoài việc tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của Thống đốc NHNN được quy định tại 31/2012/TT-NHNN, NHHT tổ chức tập huấn đào tạo và phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho QTDND. Trong năm, 1.800 cán bộ trong đó có 1.200 cán bộ của QTDND đã được nâng cao nghiệp vụ về phân tích tài chính, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro.

17 khoá đào tạo chuyển giao phần mềm dịch vụ Ngân hàng điện tử (CF-eBank) đã được tổ chức cho hơn 1.190 lãnh đạo và cán bộ của 398 QTDND, đã kết nạp 286 QTDND vào hệ thống Ngân hàng điện tử (CF-eBank). Số liệu thanh toán chuyển tiền của các QTDND ngày càng tăng: doanh số chuyển tiền đi đạt 91.280 tỷ đồng với 237.108 món, doanh số chuyển tiền đến: 87.079 tỷ đồng với 71.944 món.

Một điểm nhấn khác trong hoạt động của NHHT chính là việc xây dựng và thành lập Ban quản lý Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. NHHT cũng đang hoàn thiện phần mềm chỉ tiêu của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các QTDND và đang xây dựng đề cương kiểm tra giám sát thống nhất chung toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ quy định tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN và Thông tư 03/2013/TT-NHNN, NHHT vẫn gặp phải một số khó khăn không đồng thuận từ phía các QTDND. Tính tới thời điểm 31/12/2014 vẫn còn một bộ phận QTDND chưa thực hiện một số nội dung quy định tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN.

Những QTDND này đã làm ảnh hưởng đến việc chấp hành các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật của toàn hệ thống QTDND, cụ thể như: vẫn còn 84 QTDND chưa thực hiện việc duy trì tiền gửi tối thiểu 3% trong Quy chế điều hòa vốn; còn 12 QTDND không thực hiện gửi báo cáo quy định về chế độ thông tin báo cáo của QTDND theo văn bản số 178/CV-NHHT ngày 28/3/2014; còn 8 QTDND chưa góp vốn thường niên năm 2014.

Đối với Quỹ Bảo toàn, đến ngày 28/2/2015 cả nước mới có 836/1.144 QTDND (chiếm 73%) và NHHT đã tham gia nộp phí Quỹ bảo toàn, hiện còn 308 QTDND chưa nộp phí, trong đó có 10 QTDND đang bị kiểm soát đặc biệt chưa phải nộp phí bảo toàn.

Nguyên nhân là do một bộ phận QTDND đã kiến nghị về mức phí 0,08% trích nộp Quỹ Bảo toàn hàng năm là quá cao; một bộ phận QTDND còn băn khoăn về thời điểm tính nộp phí. Cụ thể: có QTDND cho rằng thời điểm tính để nộp phí nên tính từ 1/4/2014, có QTDND cho rằng thời điểm bắt đầu nộp phí là năm 2015; cá biệt một số QTDND đề nghị không phải nộp phí năm 2014 do tình hình hoạt động kinh doanh thua lỗ trong năm 2013 và 2014.

Những vấn đề này đã được Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh và Tổng giám đốc NHHT lý giải tại Đại hội thành viên NHHT thường niên lần thứ 3. Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh yêu cầu NHHT và các QTDND cần nghiêm túc chấp hành tốt các văn bản mà NHNN đã ban hành. “Chúng ta phải vì mục đích chung… Và cuộc chơi thì phải bình đẳng”, Phó thống đốc nói.

Bởi theo ông, những khoản đóng góp ấy có thể thêm gánh nặng chi phí đối với các QTDND, nhưng “Chúng ta phản đối thì đến những khi khó khăn ai gánh cho?”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ đạo NHHT và Ban quản lý Quỹ Bảo toàn phải công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Trong quá trình triển khai, NHNN và NHHT sẽ nghiên cứu tiếp để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Cần phải nhận thức đầy đủ hơn mục tiêu hệ thống

Trong thành tích chung của Ngành có sự đóng góp rất lớn của NHHT và hệ thống các QTDND. Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, NHHT với tư cách là đầu mối của hệ thống QTDND đã đạt được nhiều thành tích đáng phấn khởi, như khai thác nguồn vốn tại chỗ góp phần đáp ứng nhu cầu vốn của hệ thống đưa vào khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần ổn định kinh tế xã hội.

Quan điểm của cá nhân tôi và NHNN thống nhất cao về Báo cáo hoạt động của NHHT tại đại hội. Báo cáo của NHHT và các QTDND thể hiện ý chí quyết tâm, phương châm, tôn chỉ của các đồng chí. Nếu tất cả các QTDND đều thực hiện tốt như vậy thì đỡ lo, nhưng thực tế không phải tất cả đều như vậy, còn một số vấn đề cần tiếp tục chấn chỉnh…

Tới đây, NHNN sẽ ban hành các Thông tư để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các QTDND và để thực hiện tốt vai trò của NHHT là NH của các thành viên thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, vì nông nghiệp, nông thôn. Các quỹ bị phá sản thời gian qua là do đi sai mục tiêu tôn chỉ. QTDND vốn ít, vốn nhỏ thì cho vay nhỏ, vốn nhỏ mà cho vay lớn khó tránh khỏi rủi ro. Chúng ta sinh ra để phục vụ cho đối tượng, cho lợi ích đó. Thời gian qua là do chúng ta làm không tốt, thậm chí vi phạm đạo đức nữa nên mới dẫn đến đổ vỡ.

Vì vậy, các QTDND cần xem xét, điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của mình theo đúng mục tiêu, tôn chỉ, địa bàn hoạt động. Với NHHT, cần quan tâm tới vấn đề đạo đức, thời gian qua 100% các quỹ gặp khó khăn đều rơi vào tình trạng vi phạm đạo đức của cán bộ, lãnh đạo. Một hành động không đúng của ban lãnh đạo có khả năng làm tê liệt hoạt động của quỹ, phá đi chủ trương, tôn chỉ của QTDND.

Tôi đề nghị các QTDND cần phải quan tâm tới vấn đề này. Biết rằng để có một bộ máy lãnh đạo tốt cho các QTDND là khó, nhưng không phải không có. NHHT cũng cần thực hiện tính liên kết hệ thống tốt hơn nữa. Vốn ký gửi NHHT nhiều, tổng số gửi điều hòa khá lớn, nó thể hiện được tính tập trung vốn của hệ thống. Tôi nghĩ còn đâu đó vẫn có các QTDND còn gửi NH khác. Nhưng có thể họ cũng đang khó khăn thậm chí đang kêu cứu NHNN hỗ trợ, nếu không khéo thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của QTDND. Trong khi đó, khi tập trung nguồn lực về NHHT thì không chỉ đảm bảo an toàn cho hệ thống mà còn hỗ trợ các QTDND thiếu vốn.

Ngược lại NHHT phải làm sao để có thể đảm bảo lợi ích cho các quỹ. NHHT cũng cần lưu ý thông qua công tác điều hoà vốn, để định hướng được lãi suất phù hợp cho các QTDND. Bởi ở nông thôn, nếu không nhận được tín hiệu thị trường cứ “hùng hục” huy động nguồn vốn lãi suất cao, thì kinh doanh sẽ khó khăn.

Thông qua việc điều hành lãi suất, NHHT phải đưa ra được tín hiệu đó, để từ đó các QTDND có được một chi phí vốn khá tốt. NHHT như thế cũng huy động được nguồn vốn tốt hơn. Và làm tốt hơn vai trò trung gian nguồn vốn. Cuối cùng là vấn đề phát triển, các QTDND phải hướng về mục tiêu của hệ thống, không cho vay DN nữa. NHHT cần đầy mạnh các hoạt động hỗ trợ thành viên để thực sự trở thành NH của các QTDND. NHHT phải xem mình đúng là đàn anh chưa, là NH của các QTDND chưa để tự hoàn thiện mình, tạo dựng niềm tin với các QTDND.

Có như vậy thì NHHT mới tăng cường được quy mô, năng lực của mình với hệ thống. Với Cơ quan Thanh tra giám sát, đề nghị sớm xây dựng và hoàn thiện các thông tư, quy định về QTDND, cơ chế cho vay hỗ trợ các QTDND khó khăn, phân tách rõ nhiệm vụ kinh doanh và hỗ trợ các QTDND. Bởi NHHT cũng là đơn vị kinh doanh, gánh thêm việc hỗ trợ các QTDND như hiện nay là rất khó khăn.

(Lược trích ý kiến của Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh tại hội nghị).

Nhất Thanh/TBNH

Các tin liên quan