Sự chân thành và nhiệt tâm của NHHT Thái Bình đã kết nối các QTDND trên địa bàn. Trong vai của một chi nhánh ngân hàng của các QTDND trên địa bàn, ông Cao Văn Ngoạn trăn trở những kế hoạch và bước đi mới để chi nhánh không chỉ là đơn vị điều hoà vốn mà thực sự là một ngân hàng của các ngân hàng.
Tìm đai an toàn cho mô hình
Quỹ bảo toàn của hệ thống QTDND Thái Bình giờ đã chuyển về Quỹ bảo toàn chung của hệ thống. Song với Giám đốc NHNN Đinh Ngọc Thạch và Giám đốc Ngân hàng Hợp tác (NHHT) Cao Văn Ngoạn, mỗi khi nhớ lại là một niềm tự hào. Bởi, sau một chặng đường dài khó nhọc đưa quỹ vào hoạt động, bên cạnh sự vững mạnh của hệ thống QTDND Thái Bình là niềm vui của những người bao năm lăn lộn cùng hệ thống.
Hoạt động giao dịch ở QTDND Thái Thịnh (Thái Thụy)
Hai hội thảo về xây dựng Quỹ Bảo toàn tổ chức tại Lâm Đồng và Hải Phòng thất bại năm 2001 vì ý tưởng đưa ra hỗ trợ khó khăn về tài chính không nhận được sự đồng thuận của các QTDND. Các quỹ lý giải, có lỗ 100% vốn tự có thì cũng chưa vỡ nợ ngay, cái họ cần là hóa giải rủi ro mất thanh khoản. Nhưng về Thái Bình, các QTDND cơ sở lại cho rằng, cần phải xây dựng cho được một quỹ trên địa bàn hỗ trợ các quỹ trong giai đoạn tái cấu trúc, ổn định và phát triển hệ thống theo con đường mà Chỉ thị 57/CT-TW đã mở ra.
“Lúc đấy, chúng tôi chẳng biết làm bằng cơ chế nào nên phải xin cơ chế thí điểm, mà cũng không biết làm theo kiểu nào cả, nên NHHT đã tổ chức hội nghị, ghi cả biên bản đó, rồi lập danh sách 76 QTDND, đề nghị nếu đồng ý tham gia thì ký vào. Kết quả là có đủ 76 chữ ký”, ông Ngoạn kể.
Trên cơ sở bàn bạc, NHHT đã phối hợp với NHNN trình Trung ương Đề án thí điểm thành lập Quỹ Bảo toàn hệ thống trong đó đưa thêm việc hỗ trợ chi trả có điều kiện cho các QTDND, nhưng mục đích chính vẫn là hỗ trợ khó khăn về mặt tài chính, giúp quỹ có lỗ, bị xếp loại D có cơ hội trở lại hoạt động bình thường.
Mục đích chính thỏa mãn tâm nguyện của QTDND đã khiến các thành viên trên địa bàn tích cực tham gia kể cả các quỹ thành lập mới sau này. Từ năm đầu chỉ thu được 15 triệu đồng đến bây giờ, bình quân quỹ thu từ 500 - 700 triệu đồng/năm, có năm lên đến hơn một tỷ đồng.
Từ quy định ban đầu của quỹ cho vay có thời hạn ngắn, sau này khi nguồn lực quỹ lớn hơn và theo nhu cầu thiết yếu của các quỹ, NHHT và các thành viên trong ban điều hành quỹ đã kéo dài hơn thời hạn cho vay, có quỹ cho vay đến 3 năm.
“Theo quy chế dự thảo, lãi suất cho vay các quỹ bằng mức cho vay tái cấp vốn. Nhưng khi tính toán tôi báo cáo với NHNN đặt mức lãi suất 5% để các quỹ có thêm phần chênh lệch bù đắp tổn thất”, ông Ngoạn cho biết. Nguồn vốn của Quỹ ngày một lớn là trợ lực giúp 4 lượt QTDND vay vốn, khắc phục khó khăn do cán bộ quỹ có sai phạm.
Như QTDND Vũ Thắng dù chỉ mất hơn 200 triệu đồng do phần vốn bị thiếu hụt do cán bộ làm sai, song sự lo lắng của thành viên và người gửi tiền đã khiến quỹ có lúc tiền gửi chỉ còn 2 tỷ đồng.Với sự hỗ trợ tài chính nêu trên, sau 3 năm quỹ đã bù lại được khoản tài chính bị mất. Nhưng sau đó, lại có tin đồn về con cái thành viên làm ăn thua lỗ dẫn đến người dân lo lắng ồ ạt đến rút tiền, lại phải cho QTDND Vũ Thắng vay lần 2. Và chỉ trong 6 tháng, Vũ Thắng đã trả nợ đủ cho Quỹ bảo toàn.
Đến nay, quỹ đã hồi sinh, nguồn vốn đạt 40 tỷ đồng. Hay như QTDND Song Lãng, từ việc thiếu hụt 160 triệu đồng do cán bộ làm sai đến nay đã hoạt động trên địa bàn 2 xã với nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng. Với QTDND Duyên Hải dù những bước tiến chậm hơn nhưng đến nay cũng đã đi vào hoạt động ổn định.
Khách hàng giao dịch tại NHHT Thái Bình
“Dù Quỹ bảo toàn do NHHT đứng ra làm đầu mối quản lý, nhưng khi anh em làm gì phải thông qua giám đốc, NHNN phê duyệt mới họp Ban quản lý ra nghị quyết hỗ trợ…”, ông Ngoạn nói thêm. Những lợi ích của Quỹ bảo toàn không chỉ được áp dụng với 67 QTDND ban đầu, mà sau này các quỹ thành lập thêm cũng tự nguyện tham gia…
Gia tăng vị thế của một ngân hàng hệ thống
267/267 xã hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới là trợ lực của QTDND trên địa bàn Thái Bình, được coi là một động lực quan trọng để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ, tổ hợp tác cũng như HTX kiểu mới.
Trong lần đến thăm Thái Bình mới đây, Thống đốc NHNN cũng đã nhìn nhận Thái Bình là vựa lúa của miền Bắc, có dân số đông, có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, có điều kiện tự nhiên, sinh thái thuận lợi cho phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh và công nghệ cao... Đây là cơ sở để Thái Bình duy trì và phát triển nông nghiệp ở mức hợp lý, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh.
Nhận thức rõ nhiệm vụ đó, trong những năm qua NHHT đặt mục tiêu trợ lực các QTDND trên địa bàn, nhất là với một tỉnh tiết kiệm dân cư còn thấp. Tính đến cuối năm 2014, dư nợ cho vay các quỹ thành viên chiếm trên 70% cho vay. Giám đốc Ngoạn cho biết, đây là mức tương đối thấp so với các năm vì năm 2014, nguồn tiền gửi của dân cư tại các Quỹ tăng rất mạnh. Còn thời gian trước, có những lúc dư nợ cho vay các QTDND thành viên chiếm tới 80 đến 90%, còn bình quân là 72%.
“Hai năm trở lại đây thăng bằng cân đối huy động và cho vay. Từ cuối 2013 đến nay thì có hiện tượng huy động nhiều hơn cho vay”, ông Ngoạn cho biết. Trong bối cảnh ấy, một mặt QTDND vẫn vay NHHT, một mặt họ vẫn gửi NHHT. Hiện giờ các QTDND có số dư tiền gửi hơn 400 tỷ đồng tại NHHT và dư nợ cho vay thành viên của NHHT khoảng 280 tỷ đồng, như vậy họ thừa hơn 200 tỷ.
“Trừ một vài năm cực kỳ khó khăn, khan hiếm vốn thì chúng tôi mới đầu hàng không đáp ứng được nhu cầu của thành viên, còn 5 năm trở lại đây lúc nào cũng thừa tiền, QTDND có nhu cầu hợp lý hợp lệ là NHHT đáp ứng. Có những năm với thời điểm cuối năm NHHT thừa hơn 300 tỷ đồng ở Trung ương, không giải ngân được mặc dù dư nợ luôn tăng bình quân từ 25 đến 30%/năm”, ông Ngoạn nói.
Trong vai ngân hàng của các QTDND, cùng với yêu cầu chỉ đạo giám sát của NHNN yêu cầu các QTDND phải đảm bảo thanh khoản, NHHT cũng chủ động tư vấn với các QTDND, để họ hiểu thêm vấn đề. Ví như NHNN ra văn bản cảnh báo thì NHHT tổ chức riêng hội nghị, tư vấn cho các quỹ các dự phòng thanh khoản cũng như đưa ra cho họ một thực tế về khả năng hỗ trợ của NHHT để họ phải cẩn trọng hơn trong hoạt động.
“Những lúc khó khăn như thế này, cùng một lúc mà yêu cầu NHHT chi nhánh đưa ra 100 tỷ đồng thì chịu. Giống như con nhà nghèo ấy mà. Mình có 10 triệu đồng ở trong túi chi tiêu rất rủng rỉnh, nhưng nếu có 500.000 đồng thì tiêu dè xẻn…”, ông Ngoạn chia sẻ thêm.
Cũng là một chi nhánh đi tiên phong trong nhiều hoạt động của hệ thống, 5 năm trước NHHT Thái Bình đã thí điểm về sản phẩm dịch vụ chuyển tiền điện tử ở 2 QTDND. Và khi NHHT mở rộng trong toàn hệ thống, Chi nhánh đã hỗ trợ 20 quỹ triển khai dịch vụ này và được NHHT đánh giá Thái Bình có tỷ lệ trung bình tốt nhất.Tuy doanh số không lớn, mỗi tháng chỉ dăm ba tỷ đồng, thậm chí chỉ hơn tỷ đồng, nhưng bình quân chung tất cả các quỹ đều có hoạt động. Chi nhánh đã báo cáo NHHT là thêm khoảng 30 quỹ nữa đăng ký trong năm 2015.
Ông Ngoạn kể, việc thuyết phục các thành viên tham gia cũng là cả một câu chuyện. Bởi trước đây, khi hệ thống này chưa có thì NHTMCP cùng QTDND làm đại lý cho nhau. Đã làm đại lý thì QTDND không phải làm gì cả. Tất cả công cụ thiết bị cũng như kỹ thuật thì chủ đại lý tự làm.
QTDND chỉ có mỗi bản fax lên, tôi đồng ý chuyển tiền là xong. Nhưng tham gia là thành viên thì QTDND phải kết nối, nào là chữ ký điện tử, phân quyền, máy tính, kỹ thuật, đối chiếu phê duyệt kiểm tra… Rõ ràng các quỹ cho rằng phiền hà phức tạp, chỉ thích làm đại lý thôi.
“Tôi mới nói với các quỹ, cái của ta mới là của ta, ông làm đại lý ông không thể làm suốt đời cho người ta được, còn đây là sản phẩm của mình. Có làm thì ông mới nâng cao được ý thức công việc với cán bộ, chứ còn chỉ đại lý với bản fax lên thì không thể nâng cao tính chủ động được”, ông Ngoạn nói thêm.
Sự chân thành và nhiệt tâm của NHHT Thái Bình đã kết nối các QTDND trên địa bàn. Trong vai của một chi nhánh ngân hàng của các QTDND trên địa bàn, ông Ngoạn trăn trở những kế hoạch và bước đi mới để chi nhánh không chỉ là đơn vị điều hoà vốn mà thực sự là một ngân hàng của các ngân hàng, từ việc hỗ trợ các dịch vụ hiện đại đến tư vấn hỗ trợ các thành viên, quản trị, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Bởi hơn ai hết ông Ngoạn cũng như từng thành viên chi nhánh hiểu rằng, sự tồn tại và lớn mạnh của mỗi QTDND chính là một hạt nhân trong sự phát triển của chi nhánh, cũng như mô hình QTDND đã được vun đắp xây dựng hơn 20 năm qua…