12.04.2007 16:26

Ngân hàng Nhà nước quy định chặt chẽ, cụ thể hơn việc xem xét, chấp thuận tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương...

Để việc xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đảm bảo thận trọng, chặt chẽ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6/4/2007, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản (số 3103/NHNN-CNH) quy định chi tiết việc xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần. Cụ thể:

1- Phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:

- Nhu cầu quyết định mức vốn tăng thêm (ví dụ như: nhu cầu nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh, mở rộng quy mô cho vay, phạm vi kinh doanh, địa bàn hoạt động…), trong đó nêu rõ việc sử dụng vốn đối với mỗi nhu cầu tương ứng.
 
Các Ngân hàng thương mại cổ phần đang chạy đua tăng vốn điều lệ

- Hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ mới: Căn cứ tốc độ tăng trưởng và kết quả hoạt động của ngân hàng trong 3 năm trước, đặc biệt là năm liền kề để xây dựng kế hoạch tăng vốn phù hợp với quy mô tăng trưởng của ngân hàng, đảm bảo tính khả thi của hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ mới. Dự kiến mức lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu sau khi tăng vốn, tác động dự kiến đến kết quả xếp loại và dự kiến cổ tức của năm gần nhất sau khi tăng vốn; dự kiến về các tỷ lệ an toàn vốn, lợi nhuận trên vốn (ROE), lợi nhuận trên tổng tài sản có (ROA), mức tăng trưởng tín dụng, mức tăng trưởng tài sản có, mức tăng tiền gửi…

- Khả năng quản trị, năng lực quản lý, giám sát của ngân hàng đối với quy mô vốn và quy mô hoạt động tăng lên tương ứng: Phương án phải chứng minh ngân hàng có đủ trình độ, năng lực, số lượng nhân sự cần thiết để quản trị, điều hành và kiểm soát được quy mô hoạt động tăng lên (thể hiện qua mức tăng tổng tài sản có dự kiến, đặc biệt là mức tăng tổng dư nợ), đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động.

- Kế hoạch tăng vốn trong năm tài chính: bao gồm tổng mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm, các đợt dự kiến phát hành trong năm, phương án phát hành cho từng đợt (đối tượng được mua, giá bán cho từng đối tượng, thời điểm bán và các điều kiện khác liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của từng đối tượng nếu có).

2- Trước khi tiến hành việc tăng vốn, các ngân hàng phải công khai thông tin về kế hoạch tăng vốn, cụ thể:

- Nội dung công khai: Kế hoạch tăng vốn (nêu tại phương án tăng vốn) và các nội dung theo quy định tại Quyết định số 1407/2004/QĐ-NHNN ngày 1/11/2004 của Ngân hàng Nhà nước.

- Thời điểm công khai: sau khi có văn bản của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho ngân hàng tăng vốn và trước khi ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư góp vốn.

- Hình thức công khai: 3 số liên tiếp trên báo Trung ương và địa phương.

3- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần:

- Đối với ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2007 đạt mức vốn điều lệ sau khi tăng nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 tỷ đồng và ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, đánh giá yêu cầu khách quan và tính khả thi của phương án tăng vốn để có quyết định chấp thuận, chưa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ theo quy định.

- Đối với những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2007 đạt mức vốn điều lệ sau khi tăng trên 1.000 tỷ đồng và chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán:

Những ngân hàng năm 2005 được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A và năm 2006 được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính dự kiến xếp loại A: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, đánh giá yêu cầu khách quan và tính khả thi của phương án tăng vốn để có quyết định chấp thuận, chưa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ theo quy định.

Những trường hợp khác, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, đánh giá yêu cầu khách quan và tính khả thi của phương án tăng vốn, có đề xuất cụ thể trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Vụ Các ngân hàng) xem xét có ý kiến trước khi quyết định chấp thuận, chưa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ theo quy định.

4- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm:

- Hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn lập hồ sơ xin chấp thuận tăng vốn điều lệ, tiếp nhận hồ sơ, chấp thuận việc tăng vốn của ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định.

- Có văn bản đề xuất rõ quan điểm xử lý việc tăng vốn điều lệ theo đề nghị của ngân hàng thương mại cổ phần (chấp thuận hay không chấp thuận, các đề xuất đối với phương án tăng vốn và nêu rõ lý do) đối với các trường hợp phải xin ý kiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Giám sát việc công khai thông tin trước khi tăng vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần.

5- Vụ Các ngân hàng là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với trường hợp tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần phải xin ý kiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Vụ Các ngân hàng lấy ý kiến tham gia của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (trong vòng 5 ngày) và tổng hợp, đề xuất trình Thống đốc có ý kiến chỉ đạo về việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo Ngân hàng Nhà nước

Các tin liên quan