20.10.2020 16:36

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tham gia ủng hộ Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”

Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 17/10/2020 tại Hà Nội.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" 

Tham dự chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo", được tổ chức đúng Ngày Thế giới phòng chống đói nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10/2020). Và đây cũng là thời gian Việt Nam đang phải hứng chịu đợt lũ lớn nhất trong nhiều năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tại chương trình, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh bị bão lũ, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn, khó khăn.

Có thể nói, xóa đói, giảm nghèo luôn được Ðảng, Nhà nước ta xác định là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của phát triển bền vững, và cũng là một chương trình mang tầm quốc gia, phát huy truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc ta đã có từ ngàn đời nay. Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta". Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia sâu rộng, sôi nổi và trách nhiệm cao của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ người nghèo bằng cả tấm lòng với các hình thức khác nhau, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả.

Qua gần 4 năm (2017 đến tháng 9/2020) triển khai chương trình đã có đông đảo các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và an sinh xã hội với số tiền trên 16.410 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 4.273 tỷ đồng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ an sinh xã hội trên 12.136 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã hỗ trợ người nghèo xây dựng và sửa chữa được 127.427 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ hàng trăm nghìn người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất; 1.376.245 lượt học sinh được giúp đỡ về học tập; giúp đỡ 4.280.921 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được khám chữa bệnh; xây dựng hàng ngàn công trình dân sinh cầu đường, lớp học, trạm xá, khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt cộng đồng... và các hỗ trợ khác giúp đỡ cho người nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước còn hơn 984 nghìn hộ nghèo (tỷ lệ 3,75%), hơn 1,166 triệu hộ cận nghèo (tỷ lệ 4,45%), hàng vạn hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bên cạnh đó những người nghèo, công nhân lao động nghèo cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống và rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.

 

Đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhận ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” từ ngành Ngân hàng Việt Nam      

Trong thời gian diễn ra chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo 2020”, đã có 220 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và chương trình an sinh xã hội với số tiền gần 2.400 tỷ đồng. Ngành Ngân hàng Việt Nam ủng hộ 33,5 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo 2020, trong đó Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là ngân hàng luôn đồng hành cùng Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Hàng năm, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã dành nhiều tỷ đồng cho công tác từ thiện, an sinh xã hội, vì người nghèo, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết… Truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, vì cộng đồng được các cán bộ hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam gìn giữ, phát huy như một nét đẹp văn hóa trong suốt quá trình hình thành và phát triển.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã ủng hộ 1 tỷ đồng. Trước sự khó khăn của các doanh nghiệp và khách hàng bởi dịch bệnh, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp kịp thời hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 cùng với các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí dịch vụ…

 

Thay mặt Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, đồng chí Đặng Mai Phương - Thanh viên HĐQT chuyên trách, Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” 

Cùng với các hoạt động an sinh xã hội, với vai trò là “Ngân hàng” của các Qũy tín dụng nhân dân (QTDND), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là hỗ trợ chăm sóc thành viên QTDND thông qua công tác điều hòa, cung ứng vốn cho các quỹ khi cần thiết. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã nghiên cứu để cung ứng các sản phẩm thiết thực cho QTDND thành viên. Trong đó phải kể đến việc ứng dụng, đầu tư xây dựng hệ thống phần mềm core banking, đưa thêm những công cụ chuyển tiền điện tử, thanh toán làm đa dạng hóa hoạt động, nâng cao uy tín thương hiệu cho hệ thống QTDND.

Những trợ lực từ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã giúp hệ thống QTDND phát triển với gần 1.200 QTDND, hơn 1,6 triệu thành viên (đại diện cho hơn 1,6 triệu hộ gia đình) hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hơn 120 ngàn tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD) giải quyết bài toán vốn tại chỗ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của hộ nông dân góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn./.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan