Trải qua 25 hình thành và phát triển (1995 – 2020), tiền thân là QTDTW, QTDND khu vực và nay là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHT) đã trở thành trụ đỡ cho sự ổn định và phát triển của hệ thống QTDND trong cả nước. Sự hỗ trợ của NHHT không chỉ giúp các QTDND từng bước khẳng định được vị thế của loại hình kinh tế hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, mà hơn thế thực tế phát triển sinh động của hệ thống QTDND trong gần 30 năm qua cho thấy tính đúng đắn khi xác định mô hình gắn trách nhiệm liên kết hệ thống với NHHT. Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ cùng phóng viên Thời báo Ngân hàng. | |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú |
Phó Thống đốc có thể đánh giá rõ hơn về vai trò NHHT trong sự phát triển của hệ thống QTDND?
Có thể nói sự phát triển của NHHT là quá trình chuyển đổi và trưởng thành từng bước đáp ứng với yêu cầu phát triển của hệ thống QTDND và yêu cầu phát triển của loại hình các TCTD hợp tác. Từ mô hình QTDND 3 cấp những năm đầu thành lập, đến việc chuyển đổi sang hệ thống 2 cấp năm 2000 và một lần nữa cải cách vào năm 2013 từ QTDNDTW trở thành NHHT. Cùng với đó là quá trình chuyển đổi rõ nét hơn sang mô hình HTX hoạt động kinh doanh dịch vụ tiền tệ tín dụng, thực hiện đồng thời theo Luật Các TCTD và Luật HTX; Phát huy được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong tổ chức và hoạt động của NHHT để vừa làm nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ, tín dụng; vừa làm nhiệm vụ đầu mối liên kết, bảo đảm an toàn của hệ thống QTDND.
Nhìn lại 25 năm qua, NHHT đã thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là hỗ trợ chăm sóc thành viên QTDND thông qua công tác điều hòa, cung ứng vốn cho các quỹ khi cần thiết. NHHT mạnh dạn nghiên cứu ứng dụng các dự án tài trợ quốc tế để cung ứng các sản phẩm thiết thực cho QTDND thành viên, trong đó phải kể đến việc ứng dụng, đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ core banking áp dụng cho các quỹ, đưa thêm những công cụ chuyển tiền điện tử, thanh toán nội bộ làm đa dạng hóa hoạt động, nâng cao uy tín thương hiệu cho hệ thống QTDND.
Không chỉ làm tốt vai trò điều hòa vốn, quản lý Quỹ bảo toàn, NHHT còn là đầu mối hỗ trợ kịp thời các QTDND đặc biệt khó khăn, hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt; cử người sang tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát để xử lý các khó khăn bất ổn của các QTDND lâm vào tình trạng khó khăn đặc biệt, đảm bảo an toàn hoạt động cho từng quỹ nói riêng và hệ thống QTDND nói chung.
NHHT cũng làm tốt vai trò hỗ trợ chức năng giám sát, quản lý nhà nước của NHNN đối với hệ thống QTDND thông qua việc tham gia kiểm tra, giám sát các quỹ có vay vốn tại NHHT và thực hiện ủy quyền kiểm tra hoạt động các QTDND theo chỉ đạo của NHNN. Gần đây NHHT làm nhiệm vụ đầu mối tổ chức in ấn phát hành sổ tiết kiệm trắng cũng là những việc làm rất thiết thực, cần thiết, góp phần nâng cao an toàn cho hoạt động hệ thống QTDND.
Bên cạnh đó, NHHT vẫn phải đảm đương chức năng huy động để cho vay đối với một số đối tượng theo quy định, xây dựng cơ chế lãi suất hợp lý để vừa hỗ trợ QTDND, vừa tạo ra lợi nhuận để đảm bảo kinh phí cho hoạt động của hệ thống NHHT, đồng thời có nguồn hỗ trợ tài chính cho hoạt động Hiệp hội QTDND.
Những trợ lực từ NHHT đã giúp hệ thống QTDND phát triển với gần 1.200 QTDND, hơn 1,6 triệu thành viên (đại diện cho hơn 1,6 triệu hộ gia đình) hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hơn 120 ngàn tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD) giải quyết bài toán vốn tại chỗ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của hộ nông dân góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Hội sở chính - Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và yêu cầu phát triển của hệ thống QTDND, NHNN có định hướng gì về sự phát triển của NHHT trong tương lai để đáp ứng vai trò sứ mệnh mà Đảng, Chính phủ và NHNN giao phó là ngân hàng của các QTDND, thưa Phó Thống đốc?
Đây là vấn đề mà Chính phủ và NHNN rất quan tâm và đã vạch rõ trong định hướng chiến lược, đề án phát triển ngành Ngân hàng, đặc biệt là trong Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra là xây dựng các TCTD hợp tác mà trong đó sự liên kết giữa NHHT với QTDND trở thành một thể thống nhất, hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả.
Để làm được điều này, trước hết phải tạo điều kiện cho NHHT đóng vai trò liên kết hệ thống, trụ đỡ hệ thống và vai trò đầu mối hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách quy định một cách rõ ràng. Việc xây dựng các quy chế cho vay và huy động, cung ứng sản phẩm dịch vụ vừa đảm bảo tính hợp lý, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa NHHT và các QTDND trong mối quan hệ hỗ trợ, đồng thời giúp giải quyết những khó khăn của các QTDND. Đặc biệt trong giai đoạn tới, NHHT cần được bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ, nguồn tài chính, lực lượng cán bộ để cùng với NHNN thực hiện Đề án củng cố hệ thống QTDND.
Thứ hai là tập trung tạo điều kiện cho NHHT có được nguồn lực tài chính đủ mạnh, tăng thêm vốn điều lệ từ nguồn vốn góp của nhà nước; vốn hỗ trợ của Liên minh HTX. Cùng với đó là các chính sách và chiến lược thu hút các nguồn tài trợ từ các DN, các đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước và sự đóng góp của chính QTDND tham gia với tư cách thành viên; tạo điều kiện cho NHHT có được một cơ chế lãi suất hợp lý để có thể huy động nguồn lực trong xã hội nhằm giải quyết nhu cầu hỗ trợ trong hệ thống QTDND.
Thứ ba, phải tạo điều kiện cho NHHT làm tốt hơn vai trò đầu mối quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn hệ thống một cách tốt nhất. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế rõ ràng minh bạch để NHHT vừa đóng vai trò là đơn vị quản lý, vừa là đơn vị điều tiết nguồn vốn Quỹ bảo toàn hệ thống thông qua cơ chế nộp phí của các thành viên, sử dụng Quỹ bảo toàn đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả, công bằng với sự đồng tình cao của các QTDND, phát huy vai trò tức thì giải quyết khó khăn cho các QTDND khi mất kiểm soát thanh khoản.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy. Trong đó, xem xét cân đối lại, bổ sung cho những địa bàn thiếu chi nhánh để có thể đảm đương vai trò hỗ trợ hệ thống nhanh chóng, không bị cát cứ, hạn chế do yếu tố về mặt địa lý. Đồng thời, tăng cường thêm điều kiện để NHHT tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND để NHHT phải trở thành một công cụ hỗ trợ cho chức năng quản lý của NHNN đối với hệ thống QTDND.
Bên cạnh đó, cũng hướng tới yêu cầu NHHT phải là nơi có thêm nhiều chính sách và sản phẩm để tăng khả năng chăm sóc, tạo thêm quyền lợi, gắn bó QTDND vào NHHT với tư cách là thành viên.
Xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên sâu có năng lực trình độ, đủ sức để làm tốt các nhiệm vụ vừa kinh doanh tiền tệ tín dụng vừa làm nhiệm vụ đầu mối của hệ thống QTDND cũng là nội dung cần được quan tâm.
"Kỳ vọng trong tương lai NHHT trở thành NHTW của các QTDND"
Trước thực trạng phát triển của hệ thống QTDND hiện tại và sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng và cách mạng công nghệ 4.0, NHNN có quan điểm và định hướng như thế nào đối với sự phát triển của hệ thống QTDND trong đó có NHHT trong thời gian tới?
Hiện nay, NHNN đang tập trung củng cố, chấn chỉnh để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, lành mạnh, tránh đổ vỡ, lâm vào tình trạng khó khăn như một số quỹ yếu kém vừa qua. Điều đó đòi hỏi phải rà soát lại các quy định, hành lang pháp lý vừa tạo thông thoáng, vừa phải đảm bảo những nguyên tắc, bản chất của mô hình TCTD hợp tác, đảm bảo các nguyên tắc của thành viên tham gia trong mỗi quỹ không xa rời tôn chỉ mục đích, không biến QTDND thành các tổ chức kinh doanh tiền tệ tín dụng đơn thuần vì lợi nhuận hoặc trở thành các ngân hàng đại chúng.
Để thực hiện mục tiêu này, NHNN đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai các Đề án củng cố phát triển hệ thống QTDND; ban hành nhiều văn bản quy chế, tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để chấn chỉnh lại hệ thống; tăng cường công tác thanh tra giám sát, phát hiện sai phạm yếu kém và xử lý những vi phạm một cách quyết liệt, tạo sự ổn định hệ thống, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Trong đó, NHHT cũng được nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động của hệ thống QTDND, giúp NHNN làm tốt chức năng quản lý nhà nước. Hiện NHNN đang xây dựng các chế tài đủ mạnh để xử lý các quỹ vi phạm và từng bước đổi mới cơ chế quản lý các quỹ theo quy mô, chất lượng tài sản có để phù hợp đáp ứng yêu cầu hiện tại; tăng cường quản lý nhà nước của NHNN và chính quyền địa phương các cấp, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
NHNN cũng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi, đưa bảo hiểm tiền gửi trở thành một công cụ thiết thực giúp ổn định hệ thống QTDND, đảm bảo an toàn số dư tiền gửi, niềm tin cho người gửi tiền. Trước mắt, chúng tôi đang trình Thủ tướng Chính phủ cho nâng mức bảo hiểm tiền gửi từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng.
Tiếp sau giai đoạn củng cố chấn chỉnh, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh và hoàn thiện mô hình phù hợp với yêu cầu thực tế và tương lai trong bối cảnh các TCTD, các NHTM đều phát triển rất nhanh và toàn diện các hoạt động, trong xu thế phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ và hội nhập kinh tế. Từ đó, đưa ra một cơ chế quản lý vận hành hệ thống QTDND phù hợp với thực tế. Chắc rằng mô hình cải tiến QTDND này phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đổi mới những vấn đề đã trở nên lạc hậu của mô hình và cơ chế quản lý cách đây gần 30 năm.
Tuy nhiên, cho dù cải tiến thế nào đi nữa và theo kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn, chúng tôi vẫn đánh giá rất cao vai trò của QTDND và NHHT, khẳng định sự tồn tại tất yếu và vai trò của nó trước yêu cầu giải quyết bài toán vốn tại chỗ cho sản xuất kinh doanh, phục vụ kinh tế tập thể, hộ gia đình, ngăn chặn hạn chế tín dụng đen, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, chúng tôi đặt kỳ vọng trong tương lai NHHT trở thành NHTW của các QTDND, thực sự là chỗ dựa, từ việc đảm bảo quyền lợi, cung cấp những sản phẩm hữu ích, thiết thực để thành viên là các QTDND tìm thấy lợi ích nhiều hơn, tự nguyện cao hơn trong việc thực hiện tham gia liên kết hệ thống này.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Phó Thống đốc!
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024