19.12.2012 00:00

Ngân hàng Hợp tác xã: Không chỉ là chuyển đổi về tên gọi

Việc chuyển đổi QTDNDTW thành Ngân hàng HTX không chỉ về mặt pháp lý mà với sự chuyển đổi này, chức năng nhiệm vụ của QTDNDTW có thay đổi căn bản. QTDNDTW phải hoàn thiện mô hình, gắn liền với việc tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn.


Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vừa tổ chức Đại hội để chính thức chuyển đổi QTDNDTW thành Ngân hàng Hợp tác xã (HTX). Đây là một trong những bước đi cụ thể trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống của ngành Ngân hàng. Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình đánh giá cao vai trò của hệ thống QTDND. Phó Thống đốc cho biết:

Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình
Sau 19 năm thành lập và phát triển hệ thống QTDND, đến nay chúng ta đã thực hiện được mục tiêu là hình thành mô hình kinh tế HTX trong lĩnh vực tín dụng trên địa bàn nông thôn. Các QTDND đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các thành viên; thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo; hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng QTDND Trung ương đã thể hiện được vai trò đầu mối hệ thống, có nhiều nỗ lực giúp đỡ, hỗ trợ các QTDND cơ sở, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển ổn định và đảm bảo an toàn trong hệ thống QTDND thời gian qua.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống QTDND đã và đang xuất hiện một số bất ổn, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động. Đối với QTDND cơ sở, có một số vấn đề cần lưu ý: Một bộ phận QTDND cơ sở, nhất là các Quỹ có quy mô lớn và địa bàn hoạt động ở những nơi kinh tế phát triển, có biểu hiện chệch hướng mục tiêu, xa rời nguyên tắc HTX.

Đã có hiện tượng một số ít thành viên góp vốn lớn đang chi phối hoạt động của QTDND. Một số QTDND cơ sở phát triển quy mô quá lớn và địa bàn hoạt động quá rộng, tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng; đã xuất hiện rủi ro đạo đức, gây mất ổn định, an toàn trong hoạt động. Thậm chí có Quỹ rơi vào tình trạng không thể khôi phục được, buộc NHNN phải thu hồi giấy phép hoạt động.

Đối với QTDND Trung ương cũng nổi lên hai vấn đề lớn: Do năng lực tài chính còn yếu, dẫn đến hạn chế khả năng điều hòa vốn, khả năng tư vấn, chăm sóc, phát triển công nghệ, sản phẩm ngân hàng hiện đại để hỗ trợ các QTDND cơ sở.

Thứ hai, QTDNDTW còn có những hạn chế về vai trò kiểm tra giám sát, do không được cung cấp thông tin đầy đủ về hoạt động của QTDND cơ sở. QTDND Trung ương không được kiểm tra các mặt hoạt động nghiệp vụ toàn diện nên khó phát hiện sai phạm trong hoạt động của các QTDND cơ sở; nhiệm vụ liên kết giữa QTDNDTW với các QTDND cơ sở còn chung chung.

Vậy việc chuyển đổi thành Ngân hàng HTX đặt ra những yêu cầu gì, thưa Phó thống đốc?

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của QTDNDTW đối với hệ thống là rất quan trọng, nhưng nền tảng liên kết còn lỏng lẻo, sự ràng buộc gắn bó trên cơ sở trách nhiệm giữa QTDNDTW và QTDND cơ sở chưa được thể chế hóa và phát huy đầy đủ. Do đó, việc tăng cường hơn nữa sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nội bộ hệ thống QTDND thông qua hoạt động điều hòa vốn và hoạt động kiểm tra giám sát nội bộ trong hệ thống QTDND là một yêu cầu khách quan và hết sức cấp thiết.

Việc chuyển đổi QTDNDTW thành Ngân hàng HTX không chỉ về mặt pháp lý mà với sự chuyển đổi này, chức năng nhiệm vụ của QTDNDTW có thay đổi căn bản. QTDNDTW phải hoàn thiện mô hình, gắn liền với việc tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra và giám sát hoạt động cũng là một yêu cầu hết sức cấp thiết để giải quyết 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, Ngân hàng HTX cần phải phát triển mạnh về quy mô, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, phát triển công nghệ hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Thứ hai, phải hình thành được tổ chức đầu mối thực hiện hiệu quả hơn chức năng điều hòa vốn; hỗ trợ có hiệu quả cho các QTDND cơ sở về chuyên môn nghiệp vụ; Đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của các QTDND, nhất là hỗ trợ khả năng thanh khoản.

Thứ ba, Ngân hàng HTX cần xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức đầu mối như là một Trung tâm thanh toán của các QTDND.

Thứ tư, Ngân hàng HTX phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động nội bộ và hệ thống qua tổ chức đầu mối.

Và thứ năm, tăng cường trách nhiệm quản lý nội bộ hệ thống và là tổ chức đầu mối thông qua việc tham gia ý kiến để giúp các QTDND lựa chọn những người có đủ năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức, đáp ứng đầy đủ quy định của NHNN về nhân sự thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Giám đốc QTDND.

Nhưng thưa Phó thống đốc, nếu chỉ QTDNDTW thay đổi, dù là thay đổi căn bản, mà các QTDND cơ sở vẫn hoạt động như cũ, thì e rằng hiệu quả sẽ không cao?

NHNN sẽ xây dựng Thông tư về hoạt động của các QTDND cơ sở theo 5 định hướng quan trọng sau: Tiếp tục phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, mà trọng tâm là chất lượng tín dụng, năng lực quản trị điều hành, an toàn thanh khoản và tuân thủ đúng pháp luật. Phát triển dịch vụ ngân hàng cho các QTDND cơ sở phù hợp với năng lực quản trị, đa dạng hóa các phương thức huy động vốn, tập trung vốn cho vay thành viên và người nghèo.

Các QTDND cơ sở cũng phải nâng cao năng lực quản trị điều hành, đặc biệt là hệ thống kiểm tra nội bộ, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, hạn chế chi phối về vốn điều lệ và hoạt động của QTDND cơ sở bởi một số ít thành viên. Từng bước nâng cao năng lực tài chính của QTDND cơ sở theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho vay thành viên.

Đặc biệt, đối với QTDND cơ sở yếu kém, hoạt động thua lỗ kéo dài, mất khả năng chi trả, không thể hoạt động an toàn, hiệu quả sau khi đã áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, củng cố sẽ bị thu hồi giấy phép và giải thể.

Tuy nhiên để hệ thống QTDND phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ thì cũng cần hành lang pháp lý phù hợp?

Hệ thống QTDND của chúng ta hiện nay (mà trong Luật Các TCTD năm 2010 gọi là TCTD hợp tác) có mô hình tổ chức đặc thù, rất khác so với các loại hình TCTD khác. Chúng ta có một QTDNDTW, nay là Ngân hàng HTX ở cấp quốc gia, là tổ chức đầu mối liên kết kinh tế của một hệ thống bao gồm các QTDND cơ sở ở cấp xã, phường, thị trấn là những đơn vị độc lập về tổ chức có bộ máy quản trị điều hành riêng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Từ kinh nghiệm của các nước đã xây dựng thành công mô hình TCTD hợp tác cũng như thực tiễn hoạt động của hệ thống QTDND, Luật Các TCTD năm 2010 đã dành riêng 16 điều (chưa tính các điều khoản áp dụng chung cho tất cả các loại hình TCTD) để điều chỉnh hoạt động của loại hình TCTD hợp tác.

Lần đầu tiên, khái niệm và nội dung hoạt động của Ngân hàng HTX được quy định rõ, trong đó tính liên kết giữa Ngân hàng HTX với các QTDND đã được luật điều chỉnh cụ thể, chặt chẽ hơn. Có thể nói đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng HTX, hệ thống QTDND có một hành lang pháp lý rõ ràng, giúp cho việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống các TCTD chặt chẽ hơn.

Để làm sáng tỏ hơn những nội dung quy định trong Luật Các TCTD năm 2010, vừa qua, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 quy định về hoạt động của Ngân hàng HTX. Đây là bước cụ thể hóa, là cơ sở để thực hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD hợp tác được nêu trong Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011 – 2015.

Cụ thể, định hướng phát triển trong thời gian tới của Ngân hàng HTX là gì, thưa Phó thống đốc?

Trước hết, về ý thức trách nhiệm của các QTDND trong việc xây dựng Ngân hàng HTX đã được Thông tư quy định rõ và cụ thể hóa so với các văn bản trước đây. Đó là việc ngoài số vốn góp xác lập tư cách thành viên, hàng năm các QTDND có trách nhiệm góp vốn thường xuyên theo mức do Đại hội thành viên quyết định.

Quan điểm của chúng ta là phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của các thành viên đối với QTDND cũng như của QTDND đối với Ngân hàng HTX. Về lâu dài, vốn góp của thành viên phải chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nguồn vốn hoạt động của các QTDND và Ngân hàng HTX. Hai là, để khắc phục những bất cập trong công tác tổ chức thực hiện liên kết hệ thống giai đoạn vừa qua, Thông tư của NHNN đã có những quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng HTX đối với QTDND.

Ngân hàng HTX được giao trách nhiệm điều hòa vốn, kiểm tra giám sát nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống các QTDND. Việc hình thành cơ chế giám sát, kiểm soát nội bộ thường xuyên trong hệ thống của Ngân hàng HTX là “van” an toàn đầu tiên, hỗ trợ trực tiếp cho việc thanh tra, giám sát của NHNN, nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của cả hệ thống TCTD hợp tác.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn cho các QTDND, Ngân hàng HTX đã được trao nhiệm vụ hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin, hỗ trợ hoạt động ngân hàng đối với QTDND thành viên; tham gia xử lý đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; quản lý tiền gửi điều hòa vốn của hệ thống QTDND nhằm cho vay điều hòa vốn đối với các QTDND có nhu cầu hoặc gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản.

Như vậy, bên cạnh trách nhiệm được xác định rõ ràng hơn và cao hơn trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hoạt động của các QTDND, Ngân hàng HTX cũng được trao những quyền hạn tương xứng để có thể hoàn thành trách nhiệm được giao.

Cảm ơn Phó thống đốc đã trả lời phỏng vấn!

Thời Báo Ngân hàng

Các tin liên quan