“Kết quả Ngân hàng Hợp tác xã đã đạt được trong năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 là tiền đề để Ngân hàng thực hiện kế hoạch kinh doanh 2021 cũng như bước vào giai đoạn tái cơ cấu mới với mức cao hơn, phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế, của ngành Ngân hàng cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nói.
Mặc dù năm 2020 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có đối với đất nước và ngành Ngân hàng, nhưng Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHT) đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tiếp tục có nhiều đổi mới trên tất cả các mặt hoạt động, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động chung của Ngành, đặc biệt là công tác liên kết hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và công tác cơ cấu lại, xử lý các QTDND yếu kém. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 đòi hỏi NHHT cần tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu ở mức độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành cũng như hệ thống QTDND trong bối cảnh mới.
Đó là chỉ đạo của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của NHHT diễn ra sáng nay (26/1/2021).
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thực hiện tốt vai trò đầu mối hệ thống
Nhìn lại hoạt động của NHHT trong năm 2020, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành NHHT Nguyễn Minh Tuấn cho biết, dư nợ cho vay các QTDND giảm mạnh do phần lớn các QTDND đã tự cân đối được nguồn vốn huy động tại chỗ để cho vay, đồng thời còn dư thừa vốn gửi về NHHT.
Tính đến cuối năm 2020, số dư tiền gửi của QTDND tại NHHT tăng 67,6% so với năm 2019, lên tới 29.873 tỷ đồng. Với việc luôn sẵn sàng huy động với lãi suất tiền gửi của các QTDND cao hơn huy động dân cư, NHHT đã giúp các QTDND nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng lợi nhuận từ đó có thêm nguồn lực điều hành lãi suất hợp lý hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế.
Trong năm, NHHT đã hỗ trợ vốn kịp thời cho các quỹ đẩy mạnh cho vay thành viên. Với những QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để hoạt động đã được điều chỉnh mức cho vay mở rộng tín dụng vượt mức quy định tại Quy chế điều hòa vốn nhằm mở rộng quy mô hoạt động của QTDND. Các QTDND khó khăn về thanh khoản đã được NHHT cho vay hỗ trợ nguồn vốn kịp thời giúp khôi phục trở lại hoạt động bình thường. Ngoài ra, một số QTDND có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đảm bảo một số điều kiện vay vốn, điều kiện về tài sản đảm bảo tiền vay cũng được NHHT tháo gỡ khó khăn.
Trong năm 2020, vai trò đầu mối cung ứng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới cũng được NHHT tiếp tục đẩy mạnh. Giao dịch chuyển tiền qua hệ thống thanh toán nội bộ CF-eBank được các QTDND sử dụng hiệu quả. Giao dịch chuyển tiền đạt 1.511.534 món với doanh số 564.713 tỷ đồng, trong đó doanh số chuyển tiền của các QTDND thành viên đạt 22.443 tỷ đồng với 316.800 món.
“NHHT luôn dành một nguồn vốn lớn khoảng 400 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi thanh toán tại NHNN để phục vụ nhu cầu thanh toán chuyển tiền của các QTDND”, ông Tuấn cho biết.
NHHT tiếp tục cấp thấu chi cho 352 QTDND với số tiền 448,7 tỷ đồng. Doanh số sử dụng thấu chi của các QTDND trong năm 2020 đạt 4.254 tỷ đồng đã giúp các QTDND đáp ứng được nhu cầu vốn trong thanh toán chuyển tiền. Sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ của NHHT cũng ngày càng nhận được những phản hồi tích cực và sự quan tâm sử dụng. Hiện có 519 cán bộ nhân viên của các QTDND đang sử dụng sản phẩm với dự nợ đạt 24,23 tỷ đồng. Đến hết năm 2020, NHHT đã phát hành được 5.700 thẻ thanh toán cho các cán bộ, thành viên của 174 QTDND. Giao dịch thực hiện bằng thẻ theo các hình thức rút tiền mặt qua POS/ATM, thanh toán hàng hóa dịch vụ, chuyển tiền của QTDND tăng 87% so với năm 2019 đạt 26.428 giao dịch với tổng số tiền 583,24 tỷ đồng.
Hoạt động hỗ trợ hệ thống của NHHT trong năm cũng phản ánh rõ qua việc NHHT tư vấn cho QTDND nâng cao chất lượng hoạt động qua công tác kiểm tra giám sát hoạt động của QTDND thông qua báo cáo của đơn vị gửi về NHHT và qua kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ QTDND của NHHT. Hiện NHHT đang triển khai 9 dự án quốc tế. Trong đó, dự án STEP triển khai năm thứ 4 và hiện các chuyên gia DID cùng NHHT đang tiếp tục phối hợp nghiên cứu xây dựng sản phẩm dịch vụ nhằm hỗ trợ tốt nhất giúp nâng cao năng lực hệ thống cho các QTDND, tạo nền tảng cho việc tiếp tục triển khai đồng bộ các cấu phần của dự án và chuẩn bị các khóa tập huấn cho các QTDND. Trong năm, NHHT tiếp tục mở rộng đào tạo cho cán bộ QTDND để chuyển giao hệ thống CF-eBank; nâng cao nghiệp vụ QTDND; tập huấn những nội dung nghiệp vụ mới và giới thiệu nền tảng E-learning cho 12 chi nhánh NHHT và 75 QTDND tham gia thí điểm trong dự án STEP. NHHT cũng đã ứng kịp thời và đầy đủ số lượng số tiết kiệm trắng cho các QTDND ...
Đặc biệt, thông qua quản lý và điều hành Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, NHHT đã hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất, tạm thời tập trung thu nợ gốc; cho vay thêm thời hạn mới để hỗ trợ các QTDND khôi phục hoạt động trở lại. Tính đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay từ Quỹ bảo toàn là 110 tỷ đồng, trong đó cho vay đặc biệt 3 QTDND trong diện kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của NHNN với số tiền 54 tỷ đồng.
Ghi nhận những kết quả đạt được của NHHT, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú còn đánh giá cao sự tích cực và có trách nhiệm của NHHT trong việc cùng NHNN và chính quyền địa phương tham gia xử lý QTDND yếu kém không chỉ ở góc độ hỗ trợ thanh khoản mà cả việc cử các cán bộ đang giữ chức phó giám đốc, trưởng phòng, phó phòng hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu trong HĐQT, Ban kiểm soát, Giám đốc, Kế toán trưởng... Đồng thời, phát huy vai trò là công cụ hỗ trợ giám sát, kiểm soát hệ thống QTDND, NHHT đã đề xuất NHNN chi nhánh và cơ quan thanh tra giám sát xử lý những vấn đề phát sinh thông qua hoạt động giám sát của NHHT, qua việc kiểm soát nguồn vốn vay và qua 18 đợt kiểm tra các QTDND do NHNN giao.
Bên cạnh vai trò hỗ trợ hệ thống, hoạt động kinh doanh của NHHT cũng đã góp phần hỗ trợ nền kinh tế thông qua cho vay doanh nghiệp và cá nhân; mở rộng dịch vụ thanh toán. Tính đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn hoạt động của NHHT đạt 43.656 tỷ đồng, tăng 22,4% so với 31/12/2019. Dư nợ cho vay đạt 22.595 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay QTDND đạt 3.640 tỷ đồng, giảm 47,13%. Dư nợ cho vay doanh nghiệp cá nhân đạt 18.965 tỷ đồng. Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, NHHT đã linh hoạt trong công tác đầu tư sử dụng vốn, đặc biệt là kinh doanh trái phiếu, vì vậy đến cuối năm 2020, lợi nhuận vẫn đạt 116% kế hoạch, từ đó tạo thêm nguồn lực để NHHT hỗ trợ hệ thống QTDND.
Toàn cảnh Hội nghị
Xây dựng NHHT đủ mạnh để liên kết hệ thống
“Kết quả NHHT đã đạt được trong năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020 là tiền đề để NHHT thực hiện kế hoạch kinh doanh 2021 cũng như bước vào giai đoạn tái cơ cấu mới với mức cao hơn, phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế, của ngành Ngân hàng cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống QTDND”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định.
Song, Phó Thống đốc cũng chỉ ra 3 nguy cơ ngành Ngân hàng cũng như NHHT phải đối mặt trong kế hoạch và chiến lược phát triển tới đây. “Nhãn tiền của chúng ta là nguy cơ nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19”, Phó Thống đốc nói và cho biết sắp tới NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 01 năm 2020 với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng các TCTD sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu theo năng lực tài chính để đảm bảo an toàn hoạt động của chính mình.
Nguy cơ thứ hai mà Phó Thống đốc cảnh báo đến từ chính thành viên của NHHT. Trong đó, hiện vẫn còn các QTDND yếu kém, sai phạm, cần tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Điều này cảnh báo các chi nhánh NHHT và NHHT cần nâng cao chất lượng hoạt động, lường đoán trước các nguy cơ rủi ro. “Thời gian qua chúng ra đã làm nhưng phần nhiều mới nhận diện được rủi ro. Làm thế để tránh nguy cơ đổ vỡ, phát triển thành hệ thống QTDND hiệu quả thực sự là bài toán lớn phía trước cần phải giải”, Phó Thống đốc đặt vấn đề.
Nguy cơ thứ ba là từ Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ giữa các TCTD mà còn từ các công ty thanh toán, fintech. Điều nay sẽ khiến cho các TCTD dần mất lợi thế trong lĩnh vực trọng yếu là cung ứng tín dụng, và ngay cả lĩnh vực thanh toán vốn trước đây là độc quyền. Nguy cơ này đặt ra bài toán trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với việc phát triển công nghệ cũng như chiến lược phát triển của NHHT tới đây.
Từ những thách thức và nguy cơ này, Phó Thống đốc chỉ ra những vấn đề trước mắt mà NHHT cần làm ngay trong năm 2021. Theo đó, Phó Thống đốc chỉ đạo NHHT cần đánh giá đầy đủ lại khoản dư nợ cho vay các QTDND yếu kém tồn đọng nhiều năm nay và đưa ra phương án xử lý vấn đề này.
“Nhưng câu chuyện quan trọng hơn mà tôi đặt hàng các đồng chí là không để phát sinh thêm các khoản nợ xấu này”, Phó Thống đốc nói.
Để làm được điều đó, Phó Thống đốc yêu cầu NHHT phải kiểm soát và nâng cao chất lượng cho vay, đặc biệt là xem xét lại chất lượng cho vay và chi nhánh cho vay những khoản này. Đồng thời, áp dụng công nghệ nâng cao hiệu quả cơ chế điều hòa vốn, thực hiện đầy đủ quyền lực của người cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, hồ sơ vay vốn, tài sản thế chấp...
Phó Thống đốc cũng yêu cầu NHHT khẩn trương xây dựng kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính năm 2021 để trình NHNN phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra. Trong đó, cần chú trọng tăng dư nợ song hành cùng nâng cao hiệu quả cho vay, sử dụng vốn, dịch vụ tiền tệ, đặc biệt là lưu ý tiết kiệm chi phí.
“Tất nhiên tiền lương cần thỏa đáng với người lao động nhưng các chi phí khác phải hài hòa. Có tăng hiệu quả hoạt động, lợi nhuận mới có tích lũy đầu tư vào công nghệ”, Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc cũng chỉ đạo NHHT cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cho vay các khoản cho vay đặc biệt tại Quỹ bảo toàn; củng cố và tăng cường thêm vai trò của Hiệp hội QTDND thông qua việc cơ cấu lại, bổ sung nhân lực để đáp ứng tốt vai trò liên kết hệ thống; hỗ trợ đào tạo hệ thống. Đồng thời, tiếp tục rà soát tổ chức, bộ máy, mạng lưới hệ thống NHHT hợp lý.
Những vấn đề lớn hơn, dài hơn và có tính cấp bách hơn với NHHT được Phó Thống đốc chỉ rõ, đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách để xây dựng một NHHT đủ mạnh, đáp ứng vai trò liên kết, hỗ trợ hệ thống. Từ đó, Phó Thống đốc chỉ đạo NHHT cần đánh giá lại vai trò của mình đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, đặc biệt sau khi thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng như những vấn đề cần đổi mới của NHHT để hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển trong giai đoạn tới.
Đồng thuận với đề nghị của NHHT rằng NHNN trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung thêm 2.000 tỷ đồng để Ngân hàng nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc cũng yêu cầu NHHT tiếp tục nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng vai trò đầu mối hệ thống, có điều kiện mở rộng tín dụng. Đồng thời, nâng cao vai trò là công cụ của NHNN trong quản lý hệ thống QTDND.
“Những vấn đề này cần được đưa vào và cụ thể hóa trong Đề án tái cơ cấu 5 năm (2021-2025) cũng như kế hoạch hàng năm của NHHT”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT NHHT Nguyễn Quốc Cường khẳng định sẽ tiếp thu những chỉ đạo sâu sát của Phó Thống đốc Đào Minh Tú trong Đề án tái cơ cấu giai đoạn tới cũng như kế hoạch hoạt động 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời, NHHT sẽ quán triệt nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN và Chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN, phấn đấu hoàn thành các nhiệm được giao trong năm 2021, tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của Ngành.
THeo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024