Không chỉ làm tốt vai trò ngân hàng của các QTDND trên địa bàn mà hoạt động “tự doanh” của Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang cũng mang lại kết quả rất tích cực
Với những nỗ lực vượt bậc của Ban điều hành và tập thể cán bộ công nhân viên Chi nhánh, từ những năm 1997 đến 2012, và liên tục cho đến nay, hàng năm chi nhánh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu về chất lượng hoạt động,… và năm nay, chi nhánh lại vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, ghi nhận những thành tích đóng góp xuất sắc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Có thể nói một tập thể nhỏ nhưng niềm tin – sức bật lớn, thật sự là bông hoa tươi thắm trong vườn hoa rực rỡ của ngành Ngân hàng nói chung và hệ thống các TCTD hợp tác nói riêng.
Trên nền tảng ý thức chấp hành nghiêm những chế độ chính sách, kết hợp với đổi mới – sáng tạo đã giúp Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang luôn đạt hiệu quả cao trong hoạt động cũng như thực hiện vai trò đầu mối hỗ trợ đảm bảo cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn phát triển bền vững.
Là một tỉnh biên giới – biển đảo với thế mạnh nông nghiệp, nhưng hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khá sôi động, đến nay đã có sự góp mặt của 31 TCTD, bao gồm NHTM và chi nhánh NHTM, Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Chính sách xã hội và 22 QTDND. Tính đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của các TCTD trên địa bàn là 82.828 tỷ đồng; vốn huy động tại chỗ đạt 45.928 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay lên đến 68.617 tỷ đồng, nợ xấu toàn tỉnh chỉ chiếm 0,8%/tổng dư nợ.
Không chỉ làm tốt vai trò ngân hàng của các QTDND trên địa bàn mà hoạt động “tự doanh” của Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang cũng mang lại kết quả rất tích cực
Với vai trò ngân hàng đầu mối của các QTDND trên địa bàn tỉnh, những năm qua Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang không chỉ thực hiện tốt vai trò điều hòa vốn cho 22 QTDND trên địa bàn, mà còn tư vấn, chăm sóc và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là hỗ trợ vốn để mở rộng tín dụng, hỗ trợ thanh khoản cho các QTDND gặp khó khăn tạm thời. Nhờ sự hỗ trợ tích cực đó, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn cho các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững góp phần phát triển nông thôn theo tiêu chí mới.
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh khá gay gắt giữa các TCTD trên địa bàn, để giúp cho toàn hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro, đặc biệt là tình trạng nợ xấu phát sinh, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang rất quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các QTDND thành viên, thông qua kết quả báo cáo thống kê hàng tháng; kết quả kiểm tra sử dụng vốn sau giải ngân 45 ngày và kết quả kiểm tra sử dụng vốn thường niên, đã phần nào nắm rõ tình hình hoạt động của từng QTDND, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót.
Bên cạnh đó, hàng năm chi nhánh thường xuyên cập nhật, triển khai quy chế điều hòa vốn, quy trình giao nhận tiền mặt, giấy tờ có giá; đặc biệt là chấn chỉnh và ban hành các quy định cụ thể về điều kiện phương tiện và nhân sự bố trí trực tiếp điều chuyển tiền mặt, giấy tờ có giá… được chi nhánh NHNN tỉnh chấp thuận và các QTDND đồng tình hưởng ứng thực hiện, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn ngân quỹ trong hệ thống.
Nhờ vậy, đến thời điểm 31/12/2018, tình hình hoạt động của toàn hệ thống có bước phát triển khá vững chắc; tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND và Ngân hàng Hợp tác trên địa bàn là 2.379 tỷ đồng, vốn huy động tại chỗ 1.003 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp - nông thôn đạt 2.110 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017, nợ xấu toàn hệ thống chiếm 0,5%/tổng dư nợ; nguồn vốn dự trữ thanh khoản được hầu hết các QTDND đảm bảo duy trì với tỷ lệ an toàn, các tiêu chí giám sát thực hiện đúng quy định.
Từ đó, chi nhánh Ngân hàng Hợp tác sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng về vốn của QTDND. Đặc biệt, các QTDND đã phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, huy động được nguồn vốn tại chỗ; cân đối được nguồn vốn và sử dụng vốn nên rất chủ động trong hoạt động, khắc phục được nhược điểm tính chu kỳ trong sản xuất mùa vụ, không còn vướng mắc trong việc thực hiện quy chế điều hoà vốn giữa Ngân hàng Hợp tác với QTDND như thời gian lúc đầu mới triển khai thực hiện.
Để thu hút khách hàng có món vay lớn, QTDND đã mở rộng sản phẩm cho vay hợp vốn với Ngân hàng Hợp tác. Đến nay, sản phẩm này đã thu hút 5 QTDND tham gia, tổng dư nợ đạt hơn 30 tỷ đồng; doanh số cho vay hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, chi nhánh Ngân hàng Hợp tác cũng chuyển giao đến 6 QTDND tiếp cận hệ thống phần mềm giao dịch ngân hàng điện tử CF-ebank, mở ra bước ngoặt cho sự phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Không chỉ làm tốt vai trò ngân hàng của các QTDND trên địa bàn mà hoạt động “tự doanh” của Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang cũng mang lại kết quả thật sự nổi bật ở cả ba phương diện Năng suất – Chất lượng – Hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao nội lực để Chi nhánh đảm đương tốt hơn nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống QTDND trên địa bàn.
Với thế mạnh của một đơn vị bán lẻ hỗ trợ vốn cho nông nghiệp – nông thôn, chi nhánh đã tập trung mở rộng phát triển lĩnh vực cho vay tín dụng phục vụ đời sống cán bộ nhân viên. Đây cũng là lĩnh vực tín dụng được nhiều TCTD quan tâm khai thác. Tuy nhiên, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang đã có nhiều giải pháp, cách thức áp dụng linh hoạt phù hợp với nhu cầu người vay, nhất là cán bộ - giáo viên các trường học. Đến nay, đơn vị đã thu hút 400 trường học các cấp trong tỉnh, với hơn 6.000 cán bộ công nhân viên, giáo viên được hỗ trợ vốn và chiếm gần 70% trong tổng dư nợ phục vụ doanh nghiệp và cá nhân; nợ xấu chỉ chiếm 0,25% trên tổng dư nợ của chi nhánh.
Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang còn tiếp cận và liên kết hỗ trợ vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thành viên các Hợp tác xã nông nghiệp, điển hình như: Hợp tác xã Mỹ Tân (Hòn Đất), Hợp tác xã Thạnh Hòa (Châu Thành), Hợp tác xã Vinh Thuận (Giồng Riềng). Sự đầu tư, trợ giúp kịp thời của Chi nhánh đã giải quyết được tình trạng thiếu vốn triền miên của loại hình tổ chức kinh tế này và đây cũng có thể xem là một loại nghiệp vụ đặc thù rất phù hợp với chức năng của Ngân hàng Hợp tác hỗ trợ vốn cho thành viên tổ chức kinh tế hợp tác và hợp tác xã.
Từ những hoạt động nổi bật và hiệu quả đó đã tạo được nguồn lực để chi nhánh từng bước phát triển ổn định, vững chắc. Vì thế mà Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Kiên Giang có điều kiện hỗ trợ nhiều mặt đối với hệ thống QTDND, qua đó tạo được lòng tin, uy tín trong hệ thống và mọi khách hàng.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Kiệt đánh giá: “Hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã cơ bản hoàn thành phương án cơ cấu lại và xử lý nợ xấu giai đoạn đầu 3 năm 2016-2018. Các QTDND hội đủ các điều kiện theo tiêu chí quy định tại Thông tư 04/TT-NHNN của NHNN Việt Nam, đặc biệt là nâng cao năng lực tài chính, khả năng hoạt động: thu hút vốn huy động tại chỗ, triển khai thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thành viên; tăng cường mối liên kết hệ thống. Ngân hàng Hợp tác thật sự là niềm tin là chỗ dựa vững chắc cho từng QTDND hoạt động an toàn và hiệu quả. QTDND từng bước trở thành công cụ tài chính – tín dụng của chính quyền địa phương xã, phường, thị trấn, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương”.
Thời báo Ngân Hàng13.11.2024
30.10.2024