Ngân hàng Hợp tác: Vì một hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững
Năm 2014 là một năm đầy khó khăn đối với hệ thống ngân hàng, thế nhưng bằng những quyết sách linh hoạt và hợp lý, Ngành Ngân hàng đã hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra, đối với Ngân hàng Hợp tác xã đã làm tròn vai trò “Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân”. Nhân dịp đầu xuân Ất Mùi, Ban Biên tập đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác xung quanh vấn đề này. Thưa ông, năm 2014 đã khép lại. Với vai trò là “Ngân hàng của tất cả các QTDND”, năm qua Ngân hàng Hợp tác đã trợ lực cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) như thế nào?
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác Ông Đỗ Mạnh Hùng: Năm 2014 điểm nhấn quan trọng nhất là triển khai các nhiệm vụ quyền hạn của Ngân hàng Hợp tác theo Thông tư 31/2012/TT-NHNN (Thông tư 31) của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Hợp tác đã nghiên cứu xây dựng để thông qua Đại hội thành viên một loạt các văn bản quan trọng để ban hành và triển khai thống nhất trong toàn hệ thống như: Văn bản số 177/QC/HĐQT-NHHT ngày 28/03/2014 về Quy chế điều hòa vốn của Ngân hàng Hợp tác đối với QTDND; Văn bản số 178/CV-NHHT ngày 28/03/2014 về việc hướng dẫn gửi báo cáo của QTDND cho Ngân hàng Hợp tác; Văn bản số 179/QC-NHHT ngày 28/03/2014 về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND… Sau khi ban hành các văn bản trên, Ngân hàng Hợp tác đã tổ chức 21 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ đến tất cả các QTDND trên toàn quốc để hướng dẫn triển khai thực hiện; đó là cơ sở để Ngân hàng Hợp tác triển khai nhiệm vụ là ngân hàng của các QTDND. Đến 31/12/2014, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác là 20.737 tỷ đồng, tăng so với 31/12/2013 là 3.117 tỷ đồng (tỷ lệ tăng là 17,69%). Riêng số dư tiền gửi điều hoà QTDND là 8.968 tỷ đồng, tăng 3.613 tỷ đồng so với 31/12/2013 (tỷ lệ tăng là 67,47%). Trong năm đã hỗ trợ kịp thời cho nhiều QTDND gặp khó khăn trong thanh khoản, có dấu hiệu mất an toàn… đồng thời tham mưu các giải pháp giúp các QTDND này vượt qua khó khăn. Đặc biệt đã hỗ trợ đào tạo cán bộ, công nghệ thông tin và nghiên cứu, cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cho QTDND như dịch vụ chuyển tiền điện tử qua hệ thống ngân hàng điện tử CF-ebank của Ngân hàng Hợp tác và đang khẩn trương hoàn thiện để triển khai rộng rãi dịch vụ thẻ ATM, thẻ ghi nợ nội địa… đã tạo giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh, uy tín, thương hiệu cho các QTDND thành viên.
Được biết thành công lớn của Ngân hàng Hợp tác trong năm 2014 là đã đưa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại đến hệ thống QTDND, hiện Ngân hàng Hợp tác đã triển khai đến đâu? thưa ông!
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Để nâng cao sức cạnh tranh cho hệ thống QTDND, với vai trò đầu mối hỗ trợ hệ thống thời gian qua Ngân hàng Hợp tác đã tập trung các nguồn lực nghiên cứu và xây dựng hệ thống phần mềm giao dịch ngân hàng điện tử (gọi tắt là CF-eBank) để chuyển giao cho các QTDND trong hệ thống. Thông qua chương trình này của Ngân hàng Hợp tác, các QTDND sẽ giúp các thành viên được sử dụng dịch vụ thanh toán chuyển tiền một cách nhanh chóng, an toàn. Đồng thời, Ngân hàng Hợp tác là thành viên của hệ thống thanh toán liên ngân hàng điện tử của NHNN (Ci-TAD) nên với chức năng đầu mối thanh toán, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng và mở rộng hệ thống thanh toán nội bộ của mình tới các QTDND. Sau quá trình đào tạo và kết nối thử nghiệm nếu các QTDND đáp ứng đủ điều kiện sẽ được Ngân hàng Hợp tác kết nạp làm thành viên thanh toán nội bộ của Ngân hàng Hợp tác. Thông qua hệ thống này, các QTDND từ trụ sở của mình có thể giao dịch thanh toán chuyển tiền với các khách hàng của mình trên khắp cả nước thông qua Ngân hàng Hợp tác thay vì phải đi giao dịch trực tiếp.
Để triển khai thực hiện tốt dự án CF-ebank, Ngân hàng Hợp tác đã triển khai đồng bộ các công việc để thực hiện nhiệm vụ này: xây dựng và ban hành hệ thống văn bản, quy trình nghiệp vụ, kỹ thuật đối với QTDND; Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho quản lý và vận hành sản phẩm mới; Chuẩn bị nguồn nhân lực và cán bộ từ Trụ sở chính đến các Chi nhánh đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành nghiệp vụ mới cho QTDND an toàn, hiệu quả; đặc biệt luôn phải chuẩn bị sẵn sàng hàng nghìn tỷ đồng để phục vụ và đáp ứng nhu cầu thanh toán chuyển tiền ngay của các QTDND – Đây là một lượng vốn khá lớn không sinh lời tuy nhiên Ngân hàng Hợp tác đã phải cố gắng bố trí và chấp nhận chi phí vì lợi ích lâu dài của hệ thống QTDND và đảm bảo các giao dịch luôn nhanh chóng, thông suốt và an toàn.
Trong năm, Ngân hàng Hợp tác đã tổ chức 17 khóa đào tạo cho hơn 1.194 lãnh đạo và cán bộ của 398 QTDND, đã kết nạp 273 QTDND vào hệ thống CF – eBank với số liệu giao dịch qua hệ thống thanh toán nội bộ: doanh số chuyển tiền đi đạt 91.280 tỷ đồng (237.108 món), doanh số chuyển tiền đến đạt 87.079 tỷ đồng (71.944 món); Số liệu giao dịch thanh toán chuyển tiền ra ngoài hệ thống qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán đa phương: doanh số chuyển tiền đi đạt 41.903 tỷ đồng (117.256 món), doanh số chuyển tiền đến đạt 39.634 tỷ đồng (29.244 món).
Với dịch vụ mới hiện đại, an toàn, tiết kiệm chi phí đã nâng cao uy tín và vị thế của QTDND trên địa bàn góp phần thực hiện chủ trương của Thống đốc NHNN về chương trình ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn; Nhờ đó, các thành viên của hệ thống QTDND tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng hiện đại; Góp phần tăng cường tính liên kết hệ thống và khai thác thế mạnh mạng lưới của hệ thống QTDND. Vì những lợi ích to lớn của dự án mang lại cho hệ thống, thời gian tới NHHT sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng hệ thống ngân hàng điện tử tới các QTDND trong hệ thống.
Trong năm 2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-NHNN (Thông tư 03) quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn). Ông có thể cho biết ý nghĩa và sự đón nhận Thông tư này như thế nào?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Phải khẳng định là Thông tư 03 ra đời đã đáp ứng sự mong chờ của đại đa số QTDND vì đã chính thức tạo lập một thiết chế tài chính nhằm hỗ trợ các QTDND khi hoạt động gặp khó khăn về tài chính, chi trả. Thông tư 03 là văn bản quy phạm pháp luật, do vậy NHNN Chi nhánh tỉnh/thành phố, các QTDND, Ngân hàng Hợp tác, Quỹ bảo toàn đều phải triển khai thực hiện theo đúng quy định và trong quá trình triển khai, Ngân hàng hợp tác, các QTDND và Quỹ bảo toàn chịu sự kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp hành quy định theo các văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư 03 có ưu việt đó là phát huy tính dân chủ của loại hình kinh tế Hợp tác xã đó là: Thứ nhất Thông tư chỉ ban hành một số nguyên tắc cơ bản và giao cho Ngân hàng hợp tác xây dựng, dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn để Đại hội QTDND biểu quyết thông qua; Thứ hai: Ngân hàng Hợp tác phải tham gia nộp phí như các QTDND nhưng không phải là đối tượng thụ hưởng từ sự hỗ trợ của Quỹ bảo toàn. Để thực hiện đúng quy định của Thông tư 03, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác đã khẩn trương xây dựng dự thảo Quy chế để trình Đại hội thành viên Ngân hàng hợp tác vào tháng 3/2014 (99% đại biểu là các QTDND) và đã được 100% đại biểu dự Đại hội nhất trí thông qua.
Việc thành lập Quỹ bảo toàn đã khẳng định tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính liên kết và tương trợ trong hệ thống QTDND nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự phát triển an toàn, bền vững của từng QTDND và của cả hệ thống qua việc cho vay hỗ trợ có hoàn trả cho QTDND khi gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả để có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Qua đó, uy tín và vị thế của hệ thống QTDND sẽ được nâng cao trước thành viên cũng như các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Thưa ông, năm 2015 là một năm bản lề của kế hoạch kinh tế cả nước, của ngành. Vậy Ngân hàng Hợp tác có kế hoạch gì để chung tay cùng các QTDND xây dựng hệ thống phát triển ổn định, an toàn và bền vững?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Trong năm 2015, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư 31/2012/TT-NHNN và Thông tư 03/2014/TT-NHNN của Thống đốc NHNN mà cụ thể là thực hiện tốt vai trò là Ngân hàng đầu mối để thực hiện chức năng điều hòa vốn cũng như tiếp túc đẩy mạnh triển khai các trách nhiệm, quyền hạn đối với hệ thống QTDND. Đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015 và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 30/1/2015 của Thống đốc NHNN và tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu Ngân hàng Hợp tác giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định 55/QĐ-NHNN.m của Thống đốc NHNN về “phê duyệt phương án tái cơ cấu Ngân hàng Hợp tác”.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cung ứng cho QTDND và khách hàng nhằm nâng cao uy tín, xây dựng thương hiệu của hệ thống. Công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thương hiệu, vai trò và hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND cũng sẽ được đẩy mạnh.