07.04.2014 00:00

Ngân hàng Hợp tác: Khởi động tái cơ cấu Quỹ tín dụng nhân dân



Ngày 4/4/2014, tại Vĩnh Phúc, Ngân hàng Hợp tác đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ về Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) năm 2014. Đây là hội nghị đầu tiên trong chuỗi các hội nghị toàn hệ thống, nhằm triển khai thực hiện Thông tư 03/2014/TT-NHNN của NHNN quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDNN và 4 văn bản mới của Ngân hàng Hợp tác có liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của các QTDND.


Theo ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác: “Đây là ước triển khai đầu tiên, tiến tới việc thực hiện đề án tái cấu trúc hệ thống QTDND, sẽ được NHNN ban hành trong thời gian tới”.
 
Ông Nguyễn Mệnh Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch nguồn vốn Ngân hàng Hợp tác cho biết, theo Quy chế điều hòa vốn hệ thống, mức vốn tham gia của Ngân hàng Hợp tác tại QTDND có thể chiếm tới 50% tổng dư nợ cho vay thành viên của QTDND. Như vậy, Ngân hàng Hợp tác có thể cho QTDND thành viên vay một phần vốn đối ứng tối đa bằng dư nợ tại thời điểm có nhu cầu vay.

Đặc biệt, với các QTDND thành viên thành lập mới trong giai đoạn 2 năm đầu hoặc hoạt động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vốn tham gia của Ngân hàng Hợp tác có thể lên đến 70% tổng dư nợ của QTDND. Mức cho vay này cũng có thể được áp dụng với các quỹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, có nhu cầu về vốn để cho các thành viên vay đáp ứng tính thời vụ theo quyết định của Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác. Mức cho vay tối đa một QTDND là 30 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng, đây là một quy định rất mở và linh hoạt. Bởi với mức cho vay bình quân của các QTDND hiện tại khoảng 3-3,1 tỷ đồng, hạn mức cho vay này cao gấp 10 lần…

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết, việc thực hiện Quy chế điều hòa vốn này là một biện pháp rất thiết thực để đảm bảo an toàn hệ thống.

Mặc dù là mô hình có tính xâu chuỗi và hỗ trợ nhau, nhưng trong quan hệ vốn, thời gian qua vẫn có hiện tượng các QTDND cơ sở gửi ở tổ chức khác mà không gửi Ngân hàng Hợp tác.

Vì vậy, điều kiện xem xét là các QTDND phải gửi vốn nhàn rỗi vào tài khoản tiền gửi điều hoà vốn tại Ngân hàng Hợp tác và duy trì mức tối thiểu theo quy định là rất cần thiết.

“Ngân hàng Hợp tác muốn điều hòa vốn tốt thì phải nắm vững tình hình hoạt động kinh doanh của từng quỹ. Và các quỹ muốn được Ngân hàng Hợp tác điều hòa vốn tốt thì cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho Ngân hàng Hợp tác”, ông Tâm nhấn mạnh.

Với Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND, Quy chế quản lý và hoạt động đã được Ngân hàng Hợp tác ban hành ngày 28/3/2014 và có hiệu lực triển khai ngay trong năm nay. Trước những băn khoăn của một số QTDND cơ sở về mức phí nộp khá cao: 0,08% dư nợ nhóm 1 và 2, ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác cho biết: “Đúng là mức phí hơi cao, nhưng đây là sự hỗ trợ rất lớn của NHNN tạo điều kiện cho chúng ta thành lập Quỹ bảo toàn này để hỗ trợ nhau cùng phát triển”.

Ông Hùng chia sẻ, mục tiêu hoạt động của Quỹ bảo toàn là hỗ trợ trực tiếp cho các QTDND, nên khi dự thảo, có nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Hợp tác không phải đóng khoản phí này vào Quỹ bảo toàn, vì đây là một khoản không nhỏ với Ngân hàng Hợp tác.

Ví dụ như, với dư nợ năm 2013, mức trích nộp vào Quỹ của Ngân hàng Hợp tác vào khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mục tiêu tương trợ nâng cao hiệu quả hoạt động và duy trì sự phát triển an toàn, bền vững của từng QTDND, cũng như của cả hệ thống, các đơn vị tham gia soạn thảo và cơ quan quản lý đã đồng thuận để Ngân hàng Hợp tác tham gia vào Quỹ bảo toàn như các QTDND.

Đây cũng là một nguồn vốn quan trọng để tới đây, trong quá trình tái cấu trúc, nâng cao chất lượng hoạt động, hệ thống QTDND sẽ có nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ thông tin thích ứng với các dịch vụ hiện đại mà Ngân hàng Hợp tác cung cấp.

Tại hội nghị, Ngân hàng Hợp tác cũng đã công bố 2 văn bản mới hướng dẫn các QTDND báo cáo thông tin lên Ngân hàng Hợp tác và trách nhiệm của Ngân hàng Hợp tác trong việc tham gia ý kiến nhân sự đối với các QTDND để gửi lên NHNN, khi các quỹ có nhu cầu thay đổi về nhân sự... Trước băn khoăn về việc sẽ phát sinh công việc cho QTDND khi phải làm thêm báo cáo thông tin cho Ngân hàng Hợp tác, ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng hàng Hợp tác cho biết, các QTDND sẽ không phải làm thêm bất cứ một văn bản nào mà chỉ thêm một công đoạn là cùng với việc gửi báo cáo về cho NHNN thì gửi đồng thời cho Ngân hàng Hợp tác. Đây là cơ sở để Ngân hàng Hợp tác lập cơ sở dữ liệu và thực hiện quản lý hoạt động của hệ thống theo tiêu chuẩn Basel.

Trong quá trình thực hiện triển khai các quy chế mới này, nếu cần trợ giúp về công bố thông tin hay những vấn đề về kỹ thuật, Ngân hàng Hợp tác sẵn sàng cung cấp hỗ trợ. Đặc biệt, ông Đỗ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đề nghị, khi các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động cũng như việc triển khai các quy định mới, họ có thể gọi điện trực tiếp đến Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, hoặc các phòng, ban chức năng và chi nhánh Ngân hàng Hợp tác để được giải đáp và trợ giúp kịp thời.

Thời gian tới, những vướng mắc của các thành viên sẽ được Ngân hàng Hợp tác, Hiệp hội QTDND xem xét gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị được giải quyết, thậm chí sẽ có những buổi làm việc trực tiếp với các cấp lãnh đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các QTDND thành viên, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn.


 

Minh Ngọc/TBNH

Các tin liên quan