Báo cáo của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) cho biết tính đến 31/5/2020, số dư tiền gửi điều hòa của QTDND là 27.099 tỷ đồng tăng 52,04%, trong khi đó dư nợ cho vay QTDND giảm 42,88% so với cuối năm 2019, chỉ còn 3.931 tỷ đồng.
Con số trên cho thấy NHHT đã làm tốt vai trò điều hòa nguồn vốn dư thừa cho hệ thống QTDND trong bối cảnh hoạt động tín dụng trì trệ do dịch Covid-19. Tuy nhiên, con số đó mới chỉ là phần nổi, hoạt động hỗ trợ hệ thống QTDND của NHHT càng thêm rõ qua các báo cáo hàng tháng hoặc phân tách theo từng nhiệm vụ cụ thể.
Đặt hỗ trợ QTDND lên ưu tiên hàng đầu
Ví như từ đầu năm đến nay, không chỉ giúp các QTDND hoạt động hiệu quả hơn từ việc điều hòa vốn, NHHT đã chỉ đạo các chi nhánh thực hiện các giải pháp hỗ trợ thành viên với việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hòa, đồng thời cân đối lãi suất huy động vốn từ các QTDND hợp lý để hỗ trợ các QTDND, vừa giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi nhuận, vừa giữ chân được thành viên của QTDND trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Những sự hỗ trợ kịp thời của NHHT đã phần nào giúp các quỹ vượt qua khó khăn hiện tại và là tiền đề để phát triển trong thời gian tới.
Sản phẩm thẻ thanh toán nội địa của Ngân hàng Hợp tác đang dần khẳng định giá trị và thương hiệu trên thị trường
Đặc biệt đối với các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, có nhu cầu bổ sung nguồn vốn để hoạt động, NHHT đã kịp thời điều chỉnh mức cho vay mở rộng tín dụng vượt mức quy định tại Quy chế điều hòa vốn nhằm hỗ trợ hoạt động của QTDND. Với các QTDND gặp khó khăn trong việc chi trả tiền gửi cho khách hàng gửi tiền đã được NHHT cho vay hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, giúp các QTDND khôi phục trở lại hoạt động bình thường.
Nhìn lại từ đầu năm 2019 đến nay, NHHT đã sửa đổi, ban hành và triển khai các cơ chế chính sách liên quan đến nghiệp vụ cho vay QTDND để phù hợp với thực tế hoạt động và yêu cầu phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống, như “Quy chế điều hòa vốn của NHHT đối với QTDND”; “Giám sát từ xa và quy trình cho vay, sử dụng vốn vay đối với QTDND”…
Vai trò ngân hàng đầu mối hỗ trợ hệ thống còn thấy rõ qua việc thực hiện giám sát tình hình hoạt động của QTDND thông qua hệ thống báo cáo được QTDND gửi NHHT, tiến hành xếp hạng tín dụng nội bộ đối với tất cả các QTDND, từ đó khuyến nghị cho các QTDND những điểm yếu cần khắc phục. Riêng năm 2019 NHHT đã tiến hành kiểm tra toàn diện đối với 10 QTDND thuộc 10 tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của NHNN. Đồng thời phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong công tác hỗ trợ các QTDND yếu kém trên địa bàn cả nước. Hiện nay, NHHT đã cử 23 cán bộ đang giữ các chức vụ phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng của NHHT hỗ trợ các QTDND đang gặp khó khăn. Các cán bộ này đều do NHHT trả lương cũng như mọi chi phí ăn nghỉ, đi lại…
Phát huy vai trò ngân hàng của hệ thống
Vai trò ngân hàng đầu mối hệ thống ngày càng rõ thông qua việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cung ứng cho hệ thống QTDND. Ngoài việc cho vay trực tiếp đối với khách hàng, NHHT cũng tích cực triển khai cho vay thông qua các QTDND theo hình thức cho vay liên kết, cho vay hợp vốn. Tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đến 31/12/2019 là 17.666 tỷ đồng, tăng 7,42% so với cung kỳ 2018; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ 72,27% dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Việc cung cấp sổ tiết kiệm cho các QTDND bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực
Với vai trò đầu mối cung ứng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới cho hệ thống QTDND có thể cảm nhận rõ trong việc NHHT đã tập trung nguồn lực tài chính, cán bộ, công nghệ tiếp tục triển khai Dự án QTDND - Ngân hàng điện tử CF-eBank. Riêng trong năm 2019, NHHT đã tổ chức 2 khóa đào tạo nghiệp vụ ngân hàng điện tử CF-eBank cho 53 QTDND, kết nạp 29 QTDND vào mạng lưới thanh toán chuyển tiền điện tử, đưa mạng lưới giao dịch phủ rộng trên 615 điểm, bao gồm 32 chi nhánh, 64 phòng giao dịch và 519 QTDND tham gia liên kết thanh toán.
Số liệu giao dịch qua hệ thống thanh toán nội bộ CF-eBank năm 2019 cho thấy giao dịch chuyển tiền đi là 935.030 món, với doanh số 239.557 tỷ đồng. Giao dịch chuyển tiền đến 668.535 món, doanh số 225.869 tỷ đồng, trong đó doanh số chuyển tiền của các QTDND thành viên trong năm đạt 309.295 món chuyển tiền đi, với số tiền 17.460 tỷ đồng và 42.872 món chuyển tiền đến, với số tiền 3.286 tỷ đồng.
Cùng với kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng (CITAD) và thanh toán đa phương, NHHT đã phục vụ nhu cầu thanh toán chuyển tiền đa dạng của QTDND và khách hàng giữa hệ thống CF-eBank với các ngân hàng ngoài hệ thống. Số liệu giao dịch chuyển đi 369.448 món, với số tiền 96.506 tỷ đồng; và nhận đến là 165.613 món, với số tiền 95.512 tỷ đồng.
Lãnh đạo NHHT cho biết, để đáp ứng việc triển khai ngày càng mở rộng và hoàn thiện dự án Ngân hàng điện tử CF-eBank đối với hệ thống QTDND, NHHT luôn phải dành một nguồn vốn lớn khoảng 400 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi thanh toán tại NHNN với lãi suất không đáng kể để phục vụ nhu cầu thanh toán chuyển tiền của các QTDND.
Trong năm 2019, NHHT đã cấp thấu chi cho 334 QTDND với số tiền 373,6 tỷ đồng. Doanh số sử dụng thấu chi của các QTDND là 3.914 tỷ đồng. Hạn mức thấu chi được cấp đã đáp ứng nhu cầu vốn trong thanh toán chuyển tiền của QTDND, phần lớn các QTDND thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi thấu chi theo đúng quy định. Năm 2020, NHHT đã cấp hạn mức thấu chi cho 347 QTDND tham gia liên kết thanh toán, với số tiền cấp 442,8 tỷ đồng.
19 Chi nhánh NHHT đã triển khai sản phẩm hạn mức thấu chi cho 439 cán bộ, nhân viên của 62 QTDND. Thẻ thanh toán của NHHT cũng đã tiếp cận đến 171 QTDND với 4.622 cán bộ, thành viên QTDND tham gia.
Hiện NHHT tiếp tục triển khai 9 dự án tín dụng quốc tế với dư nợ còn lại với nhà tài trợ thời điểm 31/12/2019 là 1.051 tỷ đồng. Trong đó Dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND” (STEP) bước sang năm thứ 3 triển khai và hoàn thành thí điểm được 2 sản phẩm tín dụng và 01 bộ công cụ kiểm toán nội bộ. Cấu phần xây dựng hệ thống thông tin quản lý (PRMS) được triển khai từ tháng 7/2019 với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin báo cáo phục vụ công tác quản lý QTDND đã hoàn tất thiết kế, đang chạy test kiểm thử và đang triển khai đào tạo cho cán bộ nghiệp vụ NHHT.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ hệ thống hiện vẫn có những trở ngại khi một số cơ chế hỗ trợ cho NHHT như cơ chế xử lý các khoản cho vay đối với các QTDND yếu kém không có khả năng phục hồi chưa được ban hành. Hiện NHHT mới có chi nhánh tại 30/57 tỉnh, thành phố có QTDND, vì vậy công tác điều hòa vốn và hỗ trợ hoạt động trực tiếp cho các QTDND gặp rất nhiều khó khăn. Năng lực tài chính của NHHT còn hạn chế gây ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ các QTDND thành viên, thực hiện nhiệm vụ đối với hệ thống.
Để đáp ứng yêu cầu hoạt động, hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho NHHT thực hiện các giải pháp tái cơ cấu, xuất phát từ tình hình chung của hệ thống, NHHT kiến nghị NHNN tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù hoạt động của QTDND đảm bảo cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của QTDND và NHHT. Nghiên cứu, chỉnh sửa quy định về xếp loại đối với NHHT trên cơ sở đặc thù của NHHT hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND (về vốn, nhân lực, kỹ thuật, nghiệp vụ, công nghệ thông tin…). Đồng thời xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ nhằm tăng cường năng lực tài chính cho NHHT để thực hiện tốt hơn vai trò ngân hàng đầu mối của hệ thống QTDND.
Theo Thời Báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024