18.04.2019 07:00

Ngân hàng Hợp tác: “Bà đỡ” của Quỹ tín dụng nhân dân Thành Đức

Nói đến vai trò “bà đỡ” của QTDND, có lẽ nhiều người  thấy cụm từ này đã khá nhàm chán với suy nghĩ vẫn là câu chuyện điều hòa vốn mà Ngân hàng Hợp tác (NHHT) đã làm hơn 20 năm… Song những điều mà Chủ tịch HĐQT QTDND Thành Đức, xã Đăk Sin, huyện Đăk RLấp, tỉnh Đăk Nông, Trần Thanh Kiên chia sẻ lại cho thấy vị thế “bà đỡ” của NHHT đã vượt xa khung khổ đó.

Là một xã nghèo nhất trong huyện với 16/16 thôn nằm trong danh sách khó khăn trong thời gian dài; dân cư đa số từ các tỉnh phía Bắc mới di cư vào, phân bổ thưa thớt và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, làm sao để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của xã Đăk Sin.

Ở nơi này tích lũy dân cư thấp, dòng vốn tín dụng nơi đây còn nhiều hạn chế, trong khi đó, nhu cầu dân cư lớn. Chính bởi vậy, việc ra đời của QTDND Thành Đức không chỉ là tâm huyết của những người sáng lập mà còn có cả kỳ vọng của lãnh đạo địa phương để hội tụ vốn, tương trợ cộng đồng giữa các thành viên nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và của từng thành viên, thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giảm nạn tín dụng đen tại địa phương.

 

Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu khi các thành viên sáng lập QTDND Thành Đức chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ thành lập, NHHT chi nhánh Đăk Lăk đã cử cán bộ nghiệp vụ hỗ trợ tư vấn về thủ tục, các quy chế nội bộ phù hợp với quy định. Từ đó, hồ sơ đề nghị thành lập quỹ được NHNN xem xét phê duyệt rất thuận lợi, nhanh chóng.

Ngày khai trương hoạt động của quỹ, lãnh đạo NHHT chi nhánh Đăk Lăk phát biểu trước đông đảo bà con nông dân về mô hình hoạt động của quỹ tín dụng, về những công việc NHHT sẽ hỗ trợ đối với quỹ để gieo niềm tin vào người dân địa phương, tạo điều kiện để quỹ phát triển.

Chủ tịch HĐQT quỹ Trần Thanh Kiên chia sẻ, là một quỹ “sinh sau đẻ muộn”, nhưng QTDND Thành Đức luôn đặt lợi ích của thành viên lên hàng đầu. Mọi hoạt động chuyên môn luôn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và của ngành Ngân hàng. Quỹ từng bước điều chỉnh quy mô tổ chức, nội dung hoạt động cho phù hợp quy định hướng tới phát triển bền vững.  

Tuy nhiên, không ít khó khăn đã bủa vây Quỹ khi tích lũy dân cư thấp; Giá cả nông sản chủ lực tại địa phương bao gồm cà phê, hồ tiêu, cao su giảm sâu trong thời gian dài làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tái đầu tư của thành viên; các hộ chăn nuôi, nhất là nuôi lợn cũng bị ảnh hưởng “bão giá” từ những năm trước và năm nay là dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, việc huy động vốn lại càng trở nên nan giải. Trước những khó khăn ấy, những trợ lực của NHHT từ hoạt động cung ứng dịch vụ và điều hòa vốn đã góp thêm sức mạnh nền tảng cho quỹ hoạt động.

Ngay sau khi quỹ hoạt động được 1 tháng, vào tháng 10/2016, NHHT đã bắt đầu thực hiện cho vay vốn điều hòa với số tiền tính đến 31/12/2016 là 9 tỷ đồng; đến 31/12/2017 là 25,7 tỷ đồng và 31/12/2018 là 19,85 tỷ đồng. Đồng thời, NHHT chi nhánh Đăk Lăk cũng đã triển khai cho vay hợp vốn với quỹ ngay từ  năm 2016 với số tiền hợp vốn đến ngày 31/12/2016 là 900 triệu đồng, 31/12/2017 là 9,9 tỷ đồng và 31/12/2018 là 13,9 tỷ đồng.

“Mặc dù khoảng cách từ quỹ đến trụ sở của NHHT chi nhánh Đăk Lăk là gần 170 km, nhưng công tác thẩm định, lập và phê duyệt hồ sơ cho vay vẫn luôn được các phòng nghiệp vụ của NHHT chi nhánh Đăk Lăk thực hiện đúng quy trình, thuận lợi, nhanh chóng với thời gian ngắn nhất. Từ đó tạo điều kiện cho thành viên vay vốn kịp thời, đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần rất lớn vào việc giảm nạn tín dụng đen tại địa phương”, ông Trần Thanh Kiên chia sẻ.

Việc quỹ tham gia hệ thống chuyển tiền CF-Ebank cũng được NHHT chi nhánh Đăk Lăk hỗ trợ về thủ tục đề nghị NHHT Việt Nam phê duyệt. Ngoài ra, Quỹ còn được cấp hạn mức thấu chi để việc chuyển tiền thuận lợi hơn. Thu từ dịch vụ chuyển tiền năm 2017 là 132 triệu đồng, năm 2018 là 174 triệu đồng đã góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động, giúp quỹ có lãi từ năm 2017. 

***

Chỉ sau hơn 2 năm hoạt động, Quỹ đã có những thành tựu đáng kể. Từ tổng nguồn vốn 18,070 tỷ đồng năm 2017 trong đó 9 tỷ đồng vay từ NHHTX, đến cuối năm 2018, nguồn vốn của quỹ đã đạt 47,330 tỷ đồng, trong đó, vay điều hòa vốn 19,85 tỷ đồng, vay hợp vốn 13,9 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy sự trợ lực từ NHHT là khá lớn, chiếm 70% nguồn vốn của quỹ.

Nguồn vốn dù không thực sự lớn, song cũng đã góp phần giúp thành viên có cơ hội tiếp cận sản xuất hàng hóa, phát triển cà phê, cao su, cây ăn quả để gia tăng thu nhập. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ của quỹ đạt 44,739 tỷ đồng, và đến năm 2018 mới phát sinh nợ xấu với tỷ lệ thấp 1,66%. Hiệu ứng từ dòng vốn này đang trở thành một trong những lực đẩy cho người dân trong xã phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từ đó thực hiện mục tiêu hoàn thành xã nông thôn mới vào năm 2020. Một lần nữa, Chủ tịch HĐQT khẳng định “NHHT Việt Nam, trong đó NHHT chi nhánh Đăk Lăk nói riêng đã thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng là ngân hàng của các QTDND trong việc điều hòa vốn, liên kết hệ thống và các hoạt động hỗ trợ đối với các QTDND nói chung và QTD Thành Đức nói riêng”

Để hệ thống QTDND hoạt động ngày càng ổn định, phát triển vững chắc và hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Kiên đề xuất với NHHT Việt Nam xem xét ưu tiên cho vay từ nguồn vốn ủy thác đầu tư trung, dài hạn đối với những QTDND mới thành lập và các QTDND ở vùng nông thôn có điều kiện khó khăn nhằm giảm bớt áp lực về việc cân đối nguồn vốn để cho vay đối với thành viên.

Trong bối cảnh quy mô hoạt động của một số quỹ có tổng nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng, ông cũng đề nghị NHHTX Việt Nam xem xét sửa đổi quy chế chế điều hòa vốn, theo đó bỏ mức cho vay tối đa từ 30 tỷ lên 50 tỷ đồng mà căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế về nguồn vốn và khả năng quản lý của các QTDND, NHHT chi nhánh chủ động xem xét mức cho vay phù hợp với từng quỹ tín dụng và báo cáo với NHHT Việt Nam theo quy định.

Và cũng như tâm huyết của nhiều thành viên, Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Kiên  kỳ vọng: “NHHT Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò ngân hàng đầu mối kết nối hệ thống đối với các QTDND thành viên trong việc cho vay, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, hướng dẫn nghiệp vụ cũng như các biện pháp thực hiện các quy định về an toàn của QTDND; hỗ trợ đào tạo, kiểm toán nội bộ của NHHT đối với QTDND thành viên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hòa vốn về lãi suất, mức cho vay, thời hạn cho vay, điều kiện vay vốn… phù hợp với thực tế hoạt động và yêu cầu phát triển hệ thống QTDND hiện nay”. 

Thời báo Ngân Hàng

Các tin liên quan