08.08.2013 14:49

Ngân hàng HTX Việt Nam là bước phát triển mới của QTDND Trung ương

Triển khai thực hiện Chỉ thị 57, từ năm 2002 QTDND Trung ương đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hệ thống QTDND từ 3 cấp thành 2 cấp, thực hiện bàn giao, sáp nhập chuyển đổi 21 QTDND khu vực thành Chi nhánh của QTDND Trung ương, thành lập thêm 2 chi nhánh tại Nghệ An, Hải Phòng và hoàn thành việc tiếp nhận công tác điều hòa vốn cho các QTDND cơ sở từ 32 Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố nơi chưa có QTD ND khu vực, không những không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND mà còn góp phần tích cực cho việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động của các QTDND cơ sở, ổn định hoạt động của toàn hệ thống QTDND. Hoạt động của QTDND Trung ương tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng, mạng lưới được mở rộng đáp ứng yêu cầu hỗ trợ việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động và phát triển của các QTDND cơ sở

Đến 31/12/2012, QTDND Trung ương gồm Hội sở chính tại Hà Nội và 26 Chi nhánh, gần 70 Phòng giao dịch, trong đó có nhiều Chi nhánh hoạt động mở rộng ra đến 3-4 tỉnh, thành phố để phục vụ các QTDND cơ sở ở địa bàn các địa phương trước đây chưa có QTDND Khu vực

Năm 2001 chỉ có 110 tỷ đồng vốn điều lệ, đến nay Vốn điều lệ của QTDND Trung ương đã có 2.034 tỷ đồng (và cũng đã được Chính phủ phê duyệt cấp bổ sung 948 tỷ đồng cho đủ mức vốn pháp định là 3.000 tỷ đồng); các chỉ tiêu hoạt động và tài chính hàng năm của QTDND Trung ương đều có sự tăng trưởng tốt; đến 31/12/2012 tổng nguồn vốn hoạt động là 14.871,23 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 2001; Tổng dư nợ cho vay là 11.132,9 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 2001; trong đó dư nợ cho vay các QTD ND thành viên là 4.392,39 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với năm 2001; Nợ xấu là 419,8 tỷ đồng, chiếm 3,77% tổng dư nợ; Lợi nhuận trước thuế là 190,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2012 có 1.132 QTDND cơ sở, chỉ tăng 18% so với năm 2000 (là thời điểm bắt đầu triển khai Chỉ thị 57) nhưng tổng nguồn vốn hoạt động vẫn tăng trưởng mạnh mẽ liên tục qua các năm và hiện đạt 44.776 tỷ đồng, tăng gần 17 lần so với năm 2000; Trong đó vốn điều lệ là 1.728 tỷ đồng (bình quân 1 QTD ND là 1.539 triệu đồng), tăng 10 lần so với năm 2000; Vốn huy động là 35.499 tỷ đồng (bình quân 1 QTDND là 31.359 triệu đồng), tăng 20,7 lần so với năm 2000; Vốn đi vay là 4.522 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2000. Tổng dư nợ cho vay của các QTDND là 35.955 tỷ đồng (bình quân 1 QTDND là 31.762 triệu đồng), tăng hơn 15 lần so với năm 2000; Trong đó nợ xấu chỉ chiếm 0,72% tổng dư nợ, thuộc loại thấp nhất trong toàn bộ hệ thống TCTD hiện nay. Lợi nhuận trước thuế là 561 tỷ đồng, tăng hơn 13 lần so với năm 2000.

Cùng với đó, hoạt động của các QTDND ngày càng đáp ứng yêu cầu an toàn và hiệu quả. Trước khi triển khai Chỉ thị 57, có gần 40% số lượng QTDND cơ sở hoạt động yếu kém; đến cuối năm 2011, theo kết quả xếp loại các QTDND của NHNN, số lượng QTDND hoạt động bình thường là 1.049 (chiếm 97,58% tổng số QTDND); trong đó có 652 QTDND xếp loại 1 (loại tốt), chiếm 60,65%; 290 QTDND xếp loại 2 (loại khá), chiếm 26,98%; 107 QTDND xếp loại 3 (loại trung bình), chiếm 9,95%; số lượng QTDND bị xếp loại yếu kém chỉ còn 26 (chiếm 2,42% tổng số QTDND), trong đó 15 QTDND xếp loại 4, chiếm 1,4% và 11 QTDND xếp loại 5, chiếm 1,02%.

Thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Ngân hàng HTX) đã được thành lập dựa trên nền tảng của QTDND Trung ương. Ngân hàng HTX theo mô hình mới này đã trở thành ngân hàng của tất cả các QTD ND, có chức năng, nhiệm vụ phát triển các sản phẩm ngân hàng trong toàn bộ hệ thống QTDND, hỗ trợ đào tạo cán bộ, hỗ trợ công nghệ thông tin, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống QTD ND…

Có thể nói, Ngân hàng HTX là đầu mối liên kết hệ thống QTDND. Ngân hàng HTX có mục tiêu tổng quát hoàn thiện và phát triển tổ chức tín dụng là Hợp tác xã đến năm 2020 là phát triển hệ thống Ngân hàng HTX và các QTDND trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các TCTD nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vốn trong khu vực nông thôn và từng bước tại khu vực đô thị trên cơ sở các nguyên tắc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm khuyến khích tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tiết kiệm của các thành viên để hỗ trợ các nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống của các thành viên, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; Đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo Hiệp hội Ngân hàng

Các tin liên quan