Trước xu thế vốn ngoại vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đã vượt xa so với dự tính 30 tỷ USD, đạt 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016, có thể nói thời gian tới, khối FDI vẫn sẽ là động lực quan trọng đối với tăng trưởng.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực mạnh mẽ của tăng trưởng
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/11 cho thấy, nền kinh tế đang tiếp tục bứt tốc trong quý cuối năm. Các động lực chính của tăng trưởng chạy hết tốc lực khiến hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đều tăng trưởng mạnh mẽ, tập hợp thành bức tranh kinh tế vĩ mô hiện lên xán lạn.
Khi các động cơ đều bứt tốc
Động lực đầu tiên đối với tăng trưởng của 11 tháng năm nay chính là sản xuất công nghiệp. Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng năm nay và cao hơn nhiều mức 7,4% của cùng kỳ năm 2016.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng ở mức cao nhất là 14,4%, vượt mức tăng 12,8% mà chính ngành này thiết lập khi kết thúc 9 tháng, là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua. Đây đồng thời cũng là ngành đóng góp lớn nhất với 10,1 điểm % vào mức tăng chung. Các ngành sản xuất và phân phối điện; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải đều tăng, chỉ có ngành khai khoáng giảm 7,1%, làm giảm 1,5 điểm % mức tăng chung. Tuy nhiên, cơ quan thống kê lưu ý, sự giảm tốc của ngành khai khoáng nằm trong tính toán chung nhằm cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng không dựa nhiều vào khai thác tài nguyên.
Đối với động lực khác của tăng trưởng là xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, xuất khẩu đã liên tiếp thiết lập và duy trì các mốc kỷ lục từ quý III đến nay. Cụ thể, theo ông Lâm, tháng 8 và tháng 9 đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 1 tháng đạt trên 19 tỷ USD, lại diễn ra liên tiếp trong 2 tháng, khiến nền kinh tế có sự tăng trưởng ngoạn mục. Song chưa dừng lại ở đó, tháng 10 kim ngạch xuất khẩu đã lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Tới tháng 11, tuy con số này giảm xuống 19,2 tỷ USD, song vẫn là rất ấn tượng trong bối cảnh chung. Cùng với kết quả này, tính chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu duy trì đà tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 11 ước tính xuất siêu 200 triệu USD, nâng mức xuất siêu của 11 tháng lên 2,8 tỷ USD đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung.
Với “bệ đỡ” tiêu thụ nội địa, kết quả cũng tích cực không kém khi tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%, cao hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2016. Tháng 11 là tháng thứ 8 tính từ đầu năm, Việt Nam có lượng khách quốc tế đạt trên 1 triệu lượt người. Tính chung 11 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016. Nhờ đó, đã kích thích mạnh tiêu thụ nội địa, tạo thêm sức đẩy hiệu quả cho cỗ máy tăng trưởng.
Một điểm sáng khác không thể không nhắc đến là tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN trong những tháng cuối năm đã chuyển biến tích cực, mặc dù cho tới hết quý II đây vẫn được coi là điểm nghẽn đối với tăng trưởng. Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 11 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đã đạt 82,9% kế hoạch năm và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Tình hình đăng ký DN cũng đã góp thêm điểm sáng cho bức tranh kinh tế khi hết tháng 11, số DN thành lập mới đã vượt cả năm 2016. Theo đó, cả nước có hơn 116.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng mạnh cả về số lượng, số vốn và vốn đăng ký bình quân một DN. Cùng với hơn 24.000 DN quay trở lại hoạt động, tổng số DN gia nhập nền kinh tế trong 11 tháng qua đã lên tới 140.000 DN.
Trở lại bài toán tăng trưởng bền vững
Với những kết quả này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành đánh giá xu hướng chuyển động của nền kinh tế vẫn đang theo chiều hướng cải thiện mạnh mẽ. “Các chỉ số quan trọng, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đầu tư, thành lập DN… đều đang trong xu thế tích cực thấy rõ”, ông Thành khẳng định. Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, nếu nền kinh tế vẫn tiếp nối được đà chuyển động này, TS. Võ Trí Thành cho rằng có thể khẳng định mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% gần như đã chạm đích.
Cũng lạc quan với nhận định về tăng trưởng kinh tế cả năm 2017, GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài chỉ bổ sung thêm nhận định khu vực FDI đang ngày càng trở thành nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng.
Cụ thể là đối với sản xuất công nghiệp, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 31,5%; sản xuất kim loại tăng15,4%... Đây là những ngành có tốc độ tăng cao trong những tháng gần đây, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm. Cần lưu ý thêm rằng những cái tên đứng đằng sau góp phần chủ yếu cho xu hướng cải thiện của những ngành này chính là Samsung, Formosa.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đều có phần đóng góp chủ yếu của khối DN FDI. Cụ thể là mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 30,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 38,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27%; dệt may tăng 9,5%...
Trước xu thế vốn ngoại vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đã vượt xa so với dự tính 30 tỷ USD, đạt 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016, có thể nói thời gian tới, khối FDI vẫn sẽ là động lực quan trọng đối với tăng trưởng. Vì vậy, khi nền kinh tế đã cơ bản đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra trước mắt, các chuyên gia cảnh báo cần sớm quay lại giải bài toán cân bằng nội lực để khối DN trong nước lớn mạnh hơn và trở thành trụ cột cho tăng trưởng bên cạnh khu vực FDI.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024