27.11.2017 09:58

Nâng cao vai trò kiểm soát trong hoạt động ngân hàng

Trong triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ có những cơ chế để thực hiện một cách bài bản, triệt để, đúng pháp luật nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

 

Giới tài chính - ngân hàng đặc biệt quan tâm tới sự kiện tuần qua: Quốc hội đã ấn nút chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng thì luật được thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 có ý nghĩa quan trọng để ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu (XLNX) giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trong triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém sẽ có những cơ chế để thực hiện một cách bài bản, triệt để, đúng pháp luật nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Trong quá trình xây dựng và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD cũng đã thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm qua những ý kiến đóng góp xác đáng từ phía các đại biểu Quốc hội.

Đơn cử, bản dự thảo luật khi đưa ra thảo luận tại hội trường, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nếu TCTD phá sản được áp dụng chi trả tối đa 75 triệu đồng/1 người/1 TCTD. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, mức này là thấp trong khi đó thực tiễn cho thấy nhiều người gửi tiền gửi số tiền rất lớn, hàng tỷ đồng.

Chính vì vậy, nội dung luật thông qua đã được điều chỉnh theo hướng: Giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt. Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản TCTD sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, do vậy xin không quy định trong luật.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã nâng cao vai trò chỉ đạo điều hành, giám sát trong thực hiện cơ cấu hệ thống nhất là với trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt. Như theo Điều 145a về Quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt, NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 145 của luật này vào kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để kiểm soát hoạt động của TCTD đó.

Theo đó, NHNN quy định: Hình thức kiểm soát đặc biệt, thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt TCTD; Thành phần, số lượng, cơ cấu, cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Và kể từ ngày NHNN đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn của NHNN đối với TCTD đó được chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt quy định: Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 146b của luật này; Quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ quy định tại Điều 148b của luật này trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt; Quyết định không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với TCTD thực hiện phương án phá sản đã được phê duyệt.

NHNN cũng có nhiệm vụ chỉ định Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Đánh giá Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vừa được Quốc hội thông qua có bước tiến rõ rệt rất lớn, đặc biệt là vai trò quản lý trong việc kiểm soát hoạt động của các TCTD, theo ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì, luật sẽ đóng góp quan trọng vào đảm bảo quyền lợi các cổ đông, các chủ sở hữu ngân hàng và trên hết là đảm bảo an ninh an toàn của hệ thống tài chính quốc gia. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan