Sau hội nghị “Tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen” do NHNN phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, tuần qua vấn đề này tiếp tục được các phương tiện truyền thông quan tâm khai thác trên nhiều khía cạnh...
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, an ninh… đã hiến kế nhằm đẩy lùi tín dụng đen. Giải pháp có nhiều, song tựu chung lại vẫn là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân. Với mạng lưới hiện tại, các NHTM khó có thể đáp ứng ngay nhu cầu vay những món tiền chỉ vài trăm ngàn cho nhu cầu bức thiết, cấp bách của dân. Chính vì thế, lúc này vai trò của các TCTD khác như công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô – những tổ chức tài chính “làng xã“ được chú ý hơn.
Ngày 12/3 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Trong chỉ thị này, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan: NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, NH Hợp tác xã và các QTDND. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung xử lý theo thẩm quyền các QTDND yếu kém; Thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”... Vậy bức tranh tổng thể của hệ thống QTDND hiện nay ra sao?
Theo báo cáo của Hiệp hội QTDND Việt Nam tính đến 31/12/2018, toàn hệ thống QTDND có 1.183 quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố. Số thành viên tham gia QTDND là gần 1.550.936 thành viên, bình quân 1.311 thành viên/quỹ. Tổng nguồn vốn của các QTDND thời điểm cuối tháng 11/2018, đạt gần 112.546,4 tỷ đồng; Tổng dư nợ cấp tín dụng gần 89.055,8 tỷ đồng (chiếm 79,1% tổng nguồn vốn); Nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,07% - thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống TCTD. Hoạt động của các QTDND chủ yếu là hỗ trợ lẫn nhau về vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống… tại địa bàn xã, phường.
Theo đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, một trong những giải pháp NHNN đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với QTDND là nâng mức vốn pháp định đối với các QTDND hoạt động trên khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường, quận, thị xã, thành phố đến năm 2020 là 500 triệu đồng; đến năm 2030 là 3 tỷ đồng.
NHNN sẽ nghiên cứu ban hành quy định về phân cấp quản lý đối với QTDND có tổng tài sản từ 200 tỷ đồng trở lên. Chỉ những trường hợp đặc biệt mới được Thống đốc NHNN cho phép QTDND nâng tổng tài sản lên trên 500 tỷ đồng…
Nội dung này cho thấy NHNN đã lường trước sự phát triển cũng như vai trò của QTDND trong tương lai. Thực tế cho thấy việc “gần dân, sát dân” đã khiến các QTDND có lợi thế nhất định trong cung cấp các khoản vay tức thời. Do thành viên các QTDND “biết, hiểu” nhau hơn ai hết nên quỹ sẽ giảm thiểu được rủi ro khi cho vay nhanh đến mức “A lô là có tiền” mà các NHTM chưa thể triển khai được. Chính vì thế, nếu hoạt động tốt, đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc các quy định trong quản trị, điều hành… QTDND là mô hình hiệu quả trong đẩy lùi tín dụng đen.
Bài học về vỡ QTDND đã có nhiều trong lịch sử tín dụng ngành Ngân hàng. Bởi vậy hơn lúc nào hết cần có chế tài quản lý chặt chẽ QTDND để đảm bảo quỹ phát huy được tốt vai trò, chức năng của mình.
Theo Thời báo Ngân hàng.
13.11.2024
30.10.2024