Hệ thống QTDND cơ sở là mô hình kinh tế Hợp tác xã (HTX) kiểu mới được thành lập theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống này được thành lập với mục tiêu thay thế và xóa bỏ nhận thức của một bộ phận nhân dân về hoạt động của các HTX tín dụng kiểu cũ đã bị đổ vỡ hàng loạt từ những thập niên 90 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó sự ra đời hệ thống QTDND cơ sở đã cơ bản tận dụng triệt để việc huy động tối đa các nguồn vốn nội tại của địa phương, phát huy được những tiềm năng sản xuất kinh doanh và phát triển ngành nghề truyền thống của chính những người dân trên địa bàn. Thông qua việc đầu tư cho vay hỗ trợ giúp đỡ các thành viên giải quyết các khó khăn, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, thương mại dịch vụ, tổ hợp tác đã thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông nghiệp nông thôn phát triển an toàn hiệu quả và đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 1999 Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập bảo vệ quyền lợi người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Ngày 10/10/2000 Bộ chính trị có chỉ thị số 57-CT/TW về củng cố và hoàn thiện phát triển hệ thống QTDND .
Năm 2006 Hiệp hội QTDND Việt Nam được thành lập với chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi cho các QTDND hội viên và thực hiện các hoạt động liên kết phát triển hệ thống. Mô hình tổ chức QTDND rất phù hợp đối với những địa bàn ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt có ưu thế ở những vùng nông thôn, khi mà ở đó các NHTM chưa có điều kiện vươn tới để phục vụ.
Để khắc phục các bất cập và khiếm khuyết trong thời gian qua và tiếp tục củng cố nâng cao vị thế hệ thống, nhân rộng mô hình QTDND trong nền kinh tế hội nhập đóng góp nhiều hơn nữa cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực nông nghiệp - nông thôn. Chúng tôi xin có một số kiến nghị đề xuất để hệ thống QTDND cơ sở phát triển an toàn bền vững cũng như tạo được chỗ đứng đối với người dân hơn nữa.
Đối với cấp ủy chính quyền các cấp:
Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần kiên trì chỉ đạo, tiếp tục quán triệt việc mở rộng mạng lưới, thành lập mới trên nguyên tắc tự nguyện, coi trọng thành viên và chỉ thành lập mới khi hội đủ các quy định và điều kiện cần thiết. Riêng đối với 7 tỉnh chưa có QTDND cơ sở cấp uỷ, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm đặc biệt những nơi có nhu cầu, có đủ điều kiện thì tận tình giúp đỡ, tạo điều kiện thành lập còn ở đâu không có nhu cầu thì kiên quyết không gò ép, miễn cưỡng.
Đối với NHNN :
NHNN Trung ương thông qua vai trò của mình mà đại diện là chi nhánh NHNN các tỉnh chưa có QTDND cơ sở cần tăng cường tìm hiểu, tư vấn và tạo điều kiện giúp đỡ thành lập mới các QTDND cơ sở; thiết lập cấu trúc mạng lưới, chiến lược phát triển, đảm bảo cân đối hài hòa thị trường và kiên trì bám sát chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện công tác củng cố, sắp xếp và chấn chỉnh hoạt động QTDND theo tinh thần Chỉ thị số 57-CT/TW của Bộ chính trị và Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND cơ sở để kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại, khiếm khuyết nhằm giúp các đơn vị hoạt động an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các QTDND trên địa bàn tăng cường, phát huy vai trò công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chỉnh sửa sai sót trong hoạt động kinh doanh.
Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo và chuẩn hóa trình độ cán bộ làm việc trong hệ thống QTDND cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, thực thi hoạt động nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam:
Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp tuyên truyền về cơ chế chính sách Bảo hiểm tiền gửi đến tận các tầng lớp dân cư nhằm nâng cao niềm tin công chúng, làm cho người gửi tiền ổn định tâm lý, nâng cao nhận thức, yên tâm gửi tiền tại các QTDND có tham gia BHTG; chủ động phối hợp với Hiệp hội ngân hàng làm đầu mối kiến tạo các cấp độ lãi suất tiền gửi linh hoạt phù hợp với cơ chế thị trường tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng trong việc huy động và cho vay phát triển kinh tế;
Tích cực nghiên cứu, học tập nghiên cứu Hiệp hội BHTG quốc tế, các tổ chức BHTG các nước tiên tiến để vận dụng vào chính sách bảo vệ người gửi tiền của nước ta cho phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như thông lệ quốc tế. Trước tiên BHTGVN cần đề nghị lên Chính phủ nâng hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm phù hợp sự phát triển của nền kinh tế (với mức chi trả 50 triệu đồng từ năm 2005 đến nay là thấp), cần tăng cường tranh thủ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và phối kết hợp với các ngành có liên quan xây dựng dự thảo luật BHTG để nâng tầm hiệu lực pháp lý đồng bộ với Luật NHNN sửa đổi và Luật các TCTD sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Có như vậy BHTGVN sẻ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các tổ chức tín dụng trong việc huy động vốn, đặc biệt là hệ thống QTDND cơ sở.
Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát, tư vấn và đưa ra những cảnh báo sớm đối với các đơn vị có sai sót và vi phạm các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng và quy định về Bảo hiểm tiền gửi khắc phục kịp thời đảm bảo phát triển an toàn hiệu quả góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng.
Tiếp tục cho vay hỗ trợ tài chính đối với các QTDND gặp khó khăn trong chi trả và từng bước nâng cao hoàn thiện cơ chế cho vay hỗ trợ tài chính có hiệu quả góp phần duy trì hoạt động hệ thống TCTD an toàn bền vững, ổn định an sinh xã hội.
Những kết quả đạt được của hệ thống QTDND trong hơn 17 năm qua đã khẳng định vai trò và vị trí không thể thay thế của hệ thống QTDND trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn. Việc phát triển, củng cố hoàn thiện và nhân rộng mô hình hệ thống QTDND trong giai đoạn mới là bước đi tất yếu. Với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và sự chỉ đạo, quản lý sát sao của cấp uỷ chính quyền địa phương, NHNN, các ban ngành có liên quan cùng sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của toàn hệ thống chắc chắn QTDND cơ sở sẽ được nhân rộng và ngày càng tạo niềm tin vững chắc đối với người gửi tiền trên cả nước .