05.06.2018 16:06

Nâng cao hiệu quả cho vay của các QTDND đối với hộ gia đình nông thôn tại Việt Nam

Bài viết bàn về hộ gia đình với tư cách là một đối tượng vay vốn. Vấn đề pháp lý về việc cho vay đối với hộ gia đình tại Việt Nam hiện nay thực hiện theo những quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

1. Thực trạng phát triển tín dụng đối với hộ gia đình nông thôn thông qua hệ thống các QTDND tại Việt Nam trong thời gian qua

Qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống QTDND bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã (QTDND Trung ương) với 27 chi nhánh và 1.149 QTDND hoạt động tại 56 trong số 63 tỉnh, thành phố, với 2.831 xã, phường, thị trấn (chiếm 25,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước) và gần 2,1 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp- nông thôn. Đáng chú ý, đối với những địa phương nghèo, việc phát triển mô hình QTDND đã trở thành một động lực xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Hệ thống QTDND đến nay đã có sự lớn mạnh không chỉ về số lượng, mà cả về chất lượng. Hoạt động của QTDND đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất- kinh doanh của người nông dân, hạn chế được tệ nạn cho vay nặng lãi và các hình thức biến tướng của nó ở nông thôn. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn, vùng sâu nơi các NHTM chưa có điểm giao dịch, một số QTDND đã vươn lên và tạo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh với các loại hình TCTD khác trên địa bàn. Thông qua việc cho vay, các QTDND đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, đời sống được cải thiện. Nhiều hộ gia đình nhờ vay được vốn từ QTDND đã vươn lên giàu có, nhiều thành viên QTDND đã trở thành những điển hình sản xuất- kinh doanh giỏi.

Tuy hệ thống QTDND đã thể hiện vai trò tích cực trong việc phát triển tín dụng cho các hộ gia đình nông thôn tại Việt Nam trong thời gian qua, nhưng qua thực tiễn hoạt động vẫn cho thấy những hạn chế, tồn tại như sau:

Một là, sản phẩm của QTDND còn đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu của thành viên

Sản phẩm cho vay hộ gia đình của phần lớn các QTDND hiện nay chỉ mới dừng lại ở các sản phẩm mang tính truyền thống như cho vay sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, cho vay tiêu dùng. Do tính chất nguồn vốn đặc thù của QTDND nên đa phần chỉ tập trung vào cho vay ngắn hạn. Vì vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của thành viên, đặc biệt là các nhu cầu đầu tư cho đất đai và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn các QTDND đều có vốn điều lệ thấp nên mức cho vay tối đa đối với một khách hàng không cao. Điều này làm cho một số hộ gia đình có nhu cầu vay vốn tương đối lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ không được đáp ứng.

Các QTDND hiện nay gần như chỉ quan tâm cung cấp các khoản vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, chứ chưa thật sự chú trọng đến các khoản vay phục vụ tiêu dùng, nhu cầu khẩn cấp của hộ gia đình. Vẫn còn một số nhu cầu của hộ gia đình chưa được QTDND xem là đối tượng vay vốn, do đó vẫn còn tình trạng hộ gia đình phải đi vay “tín dụng đen”, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gia đình. Mặc dù một số QTDND cho rằng vấn đề trả nợ kém là do các khách hàng sử dụng vốn vay cho các mục đích phi sản xuất. Tuy nhiên có một cách giải thích khác cho rằng những vấn đề này xuất phát từ sự không phù hợp trong việc thiết kế sản phẩm cho vay của các QTDND, và từ thực tế rằng các quyết định tín dụng thường dựa trên lịch sử trả nợ chứ không phải là khả năng trả nợ của khách hàng.

Về cách thức vay trả, hiện nay phần lớn các QTDND áp dụng hình thức thu nợ một lần khi đáo hạn đối với các khoản cho vay nông nghiệp, chưa mạnh dạn áp dụng hình thức trả góp theo ngày, tuần, tháng với quan niệm rằng nguồn thu nhập của hộ nông dân mang tính thời vụ nên chỉ phù hợp với hình thức trả nợ gốc một lần vào cuối mùa vụ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân có thu nhập rất đa dạng, từ nhiều nguồn khác nhau và có thể trả nợ góp theo nhiều kỳ. Việc cho vay trả góp sẽ góp phần làm giảm áp lực trả nợ cho hộ gia đình, giúp các QTDND kiểm soát tín dụng tốt hơn, và đặc biệt là tăng vòng quay vốn tín dụng để góp phần gia tăng lợi nhuận của QTDND.

Do tâm lý e ngại rủi ro nên các QTDND hiện nay cũng chỉ chú trọng đến hình thức cho vay có bảo đảm, mà chưa thật sự quan tâm đến hình thức cho vay tín chấp dựa trên bảo lãnh và áp lực trả nợ theo nhóm. Do đó, một bộ phận không nhỏ khách hàng là những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn nhỏ, thiếu tài sản đảm bảo đã không tiếp cận được nguồn vốn vay của QTDND. Ngoài ra, một số QTDND còn chưa mặn mà trong việc cung cấp các sản phẩm tài chính vi mô (TCVM), cụ thể là tín dụng nhỏ và tiết kiệm nhỏ. Do đó, vẫn còn một khoảng trống về thị trường TCVM tại nông thôn chưa được đáp ứng trong điều kiện hệ thống các tổ chức TCVM tại Việt Nam chưa thật sự phát triển sâu rộng.

Với đặc thù bề mặt phân bố dân số, thường thì ở khu vực nông thôn có tỷ lệ người dân tộc thiểu số khá cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các QTDND có phần e ngại cho vay đối với các đối tượng này vì nhiều lý do như: thiếu khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, không ổn định về nơi cư trú, thường được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nên có tâm lý ỷ lại khi vay vốn của QTDND làm cho ý thức trả nợ không cao… Trong trường hợp các hộ gia đình dân tộc thiểu số mất khả năng thanh toán thì các QTDND cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ do phải chịu nhiều áp lực về mặt chính trị, xã hội tại địa phương.

Việc sản phẩm của QTDND chưa thật sự gắn kết với nhu cầu khách hàng thể hiện rất rõ ở tình trạng thừa vốn đang xảy ra phổ biến tại các QTDND, trong khi nhiều hộ gia đình nông thôn vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, hoặc phải tiếp cận tín dụng ở các kênh vay vốn khác.

Hai là, việc huy động vốn của QTDND còn hạn chế

Vẫn còn nhiều QTDND ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn huy động, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng trưởng dư nợ đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên, đặc biệt là các hộ gia đình ở thông thôn. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của thành viên, QTDND phải vay vốn từ Ngân hàng hợp tác, vì vậy đã làm cho các QTDND thiếu sự chủ động về nguồn vốn, cũng như làm giảm tỷ lệ lợi nhuận trên đồng vốn cho vay.

Do tâm lý người dân vẫn còn e dè đối với hoạt động của hệ thống QTDND, nên việc huy động tiết kiệm vẫn gặp khó khăn. Đa số QTDND huy động vốn nhờ người thân hoặc mối quan hệ cá nhân, uy tín của từng thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành đối với người dân địa phương. Nhiều người dân chưa nhận thức rõ bản chất hoạt động của QTDND, mà đơn giản nghĩ rằng, việc trở thành thành viên quỹ TDND là để được vay tiền, nên vẫn còn hạn chế trong việc đóng góp để xây dựng quỹ phát triển, góp phần quản lý và giám sát hoạt động của quỹ TDND.

Ba là, sự thiếu hiệu quả trong hoạt động marketing của các QTDND

Hiện nay các QTDND vẫn hoạt động dựa trên thế mạnh về việc am hiểu địa bàn, am hiểu thành viên. Tuy nhiên lợi thế này trong nhiều trường hợp chỉ là sự tự nhìn nhận của bản thân QTDND, vẫn còn thiếu sự chủ động trong việc tiếp cận để tìm hiểu nhu cầu của thành viên vay vốn, đặc biệt là ở vùng nông thôn khi mà kiến thức về các sản phẩm vay vốn và dịch vụ tài chính của người dân còn rất nhiều hạn chế. Thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng QTDND thụ động, chờ đợi thành viên đến đề xuất nhu cầu vay vốn, đặc biệt là đối với thành viên cũ. Nhiều trường hợp do không am hiểu hết về sản phẩm, cũng như chính sách của QTDND nên thành viên vay thường đề xuất khoản vay mới giống như khoản vay của chu kỳ trước đó, về mục đích vay vốn và số tiền vay vốn. Trong khi đó, rất nhiều trường hợp thành viên có phát sinh mục đích vay vốn mới, hoặc có nhu cầu vay số tiền lớn hơn.

Nhiều QTDND hiện nay còn chưa làm tốt công tác xây dựng thương hiệu, hình ảnh với người dân trên địa bàn. Rất nhiều trường hợp hộ dân trên địa bàn không biết sự tồn tại, cũng như chức năng của QTDND. Hoặc ngay cả những thành viên của QTDND cũng chưa hiểu hết vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi của thành viên. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự gắn kết trong hoạt động giữa QTDND và các hộ gia đình trên địa bàn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Bốn là, sự gia tăng độ tuổi trung bình của thành viên và khách hàng của QTDND

Hiện nay độ tuổi trung bình của thành viên và khách hàng của QTDND đã có sự tăng lên đáng kể, hay nói một cách khác, khách hàng của các QTDND đang có sự già hóa. Với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là hội nhập của các luồng văn hóa thì tâm lý và sở thích của lực lượng khách hàng thanh niên đã thay đổi đáng kể. Những đối tượng khách hàng này thường thích những sản phẩm tài chính mới, được áp dụng trên nền tảng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên đây lại là điểm đang thiếu và yếu của các QTDND, đặc biệt là trong tương quan so sánh với các NHTM. Hơn thế nữa, đối với khu vực nông thôn hiện nay đang xảy ra tình trạng dịch chuyển cơ học về dân số, mà phần lớn là sự di chuyển của lực lượng lao động trẻ từ nông thôn đến các đô thị lớn để tìm kiếm sinh kế. Như vậy, xu hướng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển và tăng trưởng dư nợ trong cho vay của các QTDND. Bởi lẽ ngoài việc bị suy giảm số lượng khách hàng, thì việc thiếu lao động trong nông nghiệp cũng tác động đến hiệu quả của các phương án sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình.

Năm là, sự hạn chế về nguồn nhân lực của QTDND trong việc cung ứng tín dụng cho các hộ gia đình nông thôn

Thực tế cho thấy, phần lớn nhân viên của QTDND hiện nay được tuyển dụng theo hướng có quan hệ gia đình, quen biết với lãnh đạo hoặc cán bộ đang làm việc tại QTDND mà chưa chú trọng thật sự đến việc đánh giá năng lực chuyên môn. Nhiều trường hợp chưa được đào tạo về chuyên ngành ngân hàng hoặc nghiệp vụ của QTDND, hoặc cho vay nông nghiệp, nông thôn nhưng không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất nông nghiệp, cũng như đặc thù về dòng tiền của các hộ gia đình nông thôn. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho hiệu quả hoạt động của các QTDND. Những cán bộ này thường có tư duy làm việc theo lối mòn, thiếu tư duy sáng tạo nên khó nắm bắt được những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, số lượng cán bộ tín dụng tại các QTDND không nhiều, một số QTDND có quy mô nhỏ thường chỉ có một hoặc một vài cán bộ tín dụng. Trong khi đó, số lượng thành viên vay vốn ở nông thông thường là nhiều và phân tán về mặt địa lý. Có trường hợp tại QTDND, một cán bộ tín dụng phụ trách hơn 900 thành viên vay vốn. Đây thật sự là áp lực không nhỏ, gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của cán bộ tín dụng, đặc biệt là khi vào các thời điểm mùa vụ tập trung nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình nông thôn. Khi đó cán bộ tín dụng thường có tâm lý xử lý hồ sơ vay vốn theo hướng nhanh nhất, ít có thời gian để tư vấn, giải thích về sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mới cho khách hàng. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay cũng bị sao nhãng, hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức.

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển tín dụng đối với hộ gia đình nông thôn tại Việt Nam trong thời gian tới

Với những nỗ lực của toàn ngành ngân hàng nói chung của của hệ thống QTDND nói riêng, việc triển khai các chính sách tín dụng cho các hộ gia đình ở nông thôn đã thu được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các QTDND vẫn chưa thật sự đáp ứng nhu cầu tín dụng của các hộ gia đình thông thôn, góp phần đáng kể vào việc xây dựng nông thôn mới. Do đó đòi hỏi các QTDND cần phải có những giải pháp thật sự cụ thể.

Thứ nhất, các QTDND cần thiết kế sản phẩm và chính sách cho vay phù hợp với nhu cầu và đặc thù của các hộ gia đình ở nông thôn

- Đa dạng hóa sản phẩm cho vay để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài chính đa dạng của hộ gia đình ở nông thôn. Bởi lẽ hộ gia đình ở nông thôn thường có nhu cầu tài chính vượt ra ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những nhu cầu này sẽ tác động đến thanh khoản của hộ gia đình vì nguồn tiền mặt được phân bổ trên một tập hợp các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng liên kết với nhau. Vì vậy, nhu cầu tài chính của một hộ gia đình nông thôn nên được xem một cách tổng thể. Cách tiếp cận này sẽ cung cấp tài chính cho phép các hộ nông dân có thể đáp ứng chi phí hộ gia đình và hoạt động sản xuất nông nghiệp và cả các hoạt động phi nông nghiệp.

 

  Nhu cầu tài chính tổng hợp của hộ gia đình nông thôn.

Ngoài cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, các QTDND cần thiết kế các sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng khẩn cấp cho các hộ gia đình như: ốm đau, tai nạn, cưới hỏi,… Bởi lẽ thực tế cho thấy do không được vay vốn để đáp ứng các nhu cầu này nên một số hộ gia đình ở nông thôn thường phải đi vay từ các nguồn khác với lãi suất cao. Điều này sẽ tác động trước hết đến đời sống hộ gia đình và sau đó là khả năng trả nợ của hộ đối với các khoản nợ của QTDND. Các khoản cho vay khẩn cấp là đặc biệt cần thiết trong việc giúp trang trải các chi phí bất ngờ trong điều kiện các hộ gia đình nông thôn thường không có nguồn dự phòng tiết kiệm dồi dào.

Với bản chất là một đơn vị cung cấp dịch vụ TCVM, các QTDND cần nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm cho vay nhỏ và tiết kiệm nhỏ đặc thù phục vụ các khách hàng có thu nhập thấp. Áp dụng các phương pháp cho vay phù hợp với lĩnh vực TCVM như cho vay tín chấp, bảo lãnh nhóm, nhằm tăng hiệu quả vốn tín dụng đối với đối tượng này. Thực tế cho thấy, đối với khách hàng có thu nhập thấp, hoặc ngay cả người nghèo, QTDND không nhất thiết phải cho vay với lãi suất ưu đãi mà hoàn toàn có thể cho vay bằng lãi suất thị trường. Điều đó vừa mang lại cơ hội tiếp cận vốn cho người có thu nhập thấp ở nông thôn nhưng cũng đảm bảo hiệu quả hoạt động của các QTDND.

Tùy tình hình thực tế tại địa phương, QTDND có thể triển khai hình thức cho vay trả góp (theo ngày, tuần, tháng) bởi lẽ trong nhiều hợp thu nhập của hộ gia đình ở nông thôn không chỉ mang tính thời vụ, bao gồm hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình có thể di chuyển đến địa phương khác, thành phố để làm việc; hoặc thậm chí xuất khẩu lao động để đóng góp thêm thu nhập cho gia đình. Sự đa dạng các nguồn thu nhập có thể giúp hộ gia đình nông thôn có thể thanh toán các khoản vay một cách thường xuyên, ngay cả khi họ vay tiền để đầu tư vào nông nghiệp, chăn nuôi… là hoạt động có thu nhập thời vụ.

Đối với đối tượng khách hàng là người dân tộc thiểu số, QTDND cần nghiên cứu các mô hình và sản phẩm cho vay phù hợp. Kinh nghiệm ở một số tổ chức TCVM trên thế giới cho thấy, đối tượng khách hàng này tuy có nhiều hạn chế như đã phân tích nhưng tính cộng đồng là khá cao, có thể áp dụng các hình thức cho vay của TCVM như: cho vay theo nhóm tự giúp đỡ (Self Help Group), hoặc cho vay theo nhóm bảo lãnh (Joint Liability Group).

Thứ hai là, cần đa dạng hóa danh mục cho vay để giảm thiểu rủi ro tín dụng

Với đặc thù của khu vực nông thôn là giữa các hộ gia đình có sản xuất nông nghiệp rất dễ bị rủi ro tương tự cùng một lúc. Thời tiết là rủi ro khó kiểm soát nhất và bên cạnh đó còn có dịch bệnh, sâu hại... Thất bại trong hoạt động nông nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến các hộ gia đình nông dân và các mắt xích liên kết trong sản xuất và tiếp thị của họ, mà còn là nền kinh tế phi nông nghiệp ở địa phương khi nó xoay quanh và phụ thuộc vào các dòng thu nhập trong nông nghiệp. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro tín dụng, QTDND cần đa dạng hóa danh mục cho vay, cụ thể:

- Có cơ chế khuyến khích cho vay đối với các hộ gia đình có nguồn thu nhập đa dạng. Thể hiện ở sự đa dạng hóa trong các loại cây trồng, vật nuôi và các nguồn thu nhập phi nông nghiệp khác.

- Cho vay các khu vực địa lý, loại cây trồng, vật nuôi, hoạt động kinh tế khác nhau nhằm bảo vệ QTDND trước các rủi ro bất khả kháng như: thời tiết, biến động thị trường, giúp dung hòa các hoạt động và dòng tiền của QTDND do hoạt động mang tính mùa vụ của khách hàng. Nếu không có sự đa dạng hóa, sẽ xuất hiện tình trạng nhân viên của QTDND sẽ rất bận rộn trong một số thời điểm nhất định, và ngược lại.

Thứ ba là, các QTDND cần làm tốt công tác huy động vốn, tạo nền tảng cho việc mở rộng tín dụng

Như đã phân tích, các QTDND ở nông thôn đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn do tích lũy của các hộ gia đình còn hạn chế. Do đó, QTDND cần thiết kế và đa dạng hóa các sản phẩm tiết kiệm, không chỉ dựa vào thế mạnh về lãi suất mà phải đa dạng các hình thức tiết kiệm, đối tượng tiết kiệm, số tiền tiết kiệm. Với đặc thù ở khu vực nông thôn, thông thường phần lớn khách hàng thuộc đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập mang tính thất thường, vì vậy dịch vụ tiết kiệm của QTDND cần được điều chỉnh cho phù hợp với chu chuyển tiền mặt của khách hàng, tạo ra sự linh hoạt cả về số tiền gửi, lẫn tần suất gửi.

Đối với những thành viên vay tín chấp theo mô hình bảo lãnh nhóm, cho vay trả góp, bên cạnh các sản phâm tiết kiệm tự nguyện, QTDND nên khuyến khích thành viên tham gia đầy đủ tiết kiệm bắt buộc. Bởi vì các khoản tiết kiệm này vừa là tài sản đảm bảo “mềm” đối với khả năng trả nợ, vừa giúp cho thành viên có ý thức tích lũy, tiết kiệm và từng bước nâng cao năng lực tài chính của hộ gia đình.

Thứ tư là, cần làm tốt công tác marketing của QTDND

Như đã phân tích, các hộ gia đình ở nông thôn thường ít am hiều về các dịch vụ tài chính nói chung và sản phẩm, dịch vụ của QTDND nói riêng dẫn đến tình trạng một số nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng, hoặc sử dụng lặp lại sản phẩm cũ nhiều lần trong khi đã có những phát sinh mới trong nhu cầu và quy mô món vay. Do đó bản thân mỗi QTDND cần chủ động làm tốt công tác marketing sản phẩm, dịch vụ của mình đến với thành viên và khách hàng tiềm năng.

Ngoài việc nghiên cứu và thiết kế sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của các hộ gia đình ở nông thôn, các QTDND phải chủ động tiếp cận khách hàng theo tinh thần “mang sản phẩm trên vai để đi đến khách hàng” chứ không phải chờ đợi khách hàng phát sinh nhu cầu và tìm đến QTDND. Làm tốt công tác tư vấn cho khách hàng, bởi lẽ bản thân nhiều hộ gia đình cũng không hiểu hết nhu cầu tài chính của mình.

QTDND cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để cho bản thân mỗi thành viên, khách hàng nói riêng và các hộ gia đình trên địa bàn hiểu về vai trò, chức năng của QTDND trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho cộng đồng, nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi là thành viên của QTDND, qua đó tạo sự gắn kết trong hoạt động giữa QTDND với các thành viên và khách hàng.

Thứ năm là, cần quan tâm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi

Như đã phân tích ở trên, hiện nay các QTDND ít quan tâm cho vay đối tượng khách hàng thanh niên, đặc biệt là ở nông thôn. Điều này sẽ đặt các QTDND vào những rủi ro tiềm năng trong tương lai khi phải đối diện với tình trạng già hóa trong lực lượng khách hàng và sự dịch chuyển cơ học của thanh niên từ nông thôn lên thành thị do không tìm được sinh kế. Vì vậy, việc quan tâm và có chiến lược phục vụ đối tượng khách hàng thanh niên là rất quan trọng đối với các QTDND. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng thanh niên tại nông thôn có các đặc thù mà QTDND cần phải quan tâm, cân nhắc khi thiết kế và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ như: thanh niên thường không có tài sản thế chấp; kinh nghiệm sống và kỹ năng sản xuất kinh doanh còn hạn chế; thiếu thông tin lịch sử tín dụng; dễ thay đổi, thiếu tính ổn định gây khó khăn cho việc quản lý khoản nợ của QTDND… Vì vậy, việc phục vụ đối tượng khách hàng này đòi hỏi phải có những cách làm riêng, cụ thể là:

- Cung cấp đồng bộ các dịch vụ tài chính: Bên cạnh nhu cầu về tín dụng, khách hàng thanh niên còn cần đến các sản phẩm khác như tiết kiệm và chuyển tiền. Sản phẩm tiết kiệm sẽ giúp cho thanh niên có môi trường và ý thức tiết kiệm, qua đó từng bước ổn định cuộc sống, tích lũy tài sản cho tương lai. Ngoài ra, do thanh niên thường đi làm ăn xa, đặc biệt là trong thời gian nông nhàn, vì vậy dịch vụ chuyển tiền sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thu nợ của các QTDND đối với nhóm khách hàng này.

- Cung cấp dịch vụ phi tài chính: Đặc trưng nhất đối với khách hàng thanh niên là danh mục sản phẩm dịch vụ cung cấp của QTDND không chỉ bao gồm sản phẩm tài chính mà còn có cả các dịch vụ phi tài chính. Có 4 dịch vụ phi tài chính quan trọng với khách hàng thanh niên đó là: Giáo dục tài chính; Dịch vụ phát triển kinh doanh; Tư vấn; Hỗ trợ tạo ra các không gian an toàn cho thanh niên.

- Quản lý chi phí trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ: Khách hàng thanh niên thường chỉ có các khoản tiết kiệm hoặc vay vốn nhỏ, vì vậy rất khó để QTDND có thể bù đắp được chi phí trong ngắn hạn. Do đó, khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thanh niên, QTDND phải quan tâm và tính toán để bù đắp chi phí theo các cách như: Hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ phi tài chính; Trợ cấp chéo từ các mảng dịch vụ khác. Có nghĩa là, nếu chi phí cố định của QTDND được đảm bảo hoàn toàn bởi các khách hàng khác (khách hàng trưởng thành), thì QTDND chỉ cần quan tâm đến chi phí biên để phục vụ thêm 1 khách hàng thanh niên phải đủ nhỏ để có thể được bù đắp. QTDND có thể dùng lợi nhuận từ phân khúc khách hàng khác để bù đắp cho chi phí cung cấp dịch vụ cho khách hàng thanh niên, với kỳ vọng rằng họ sẽ trở thành khách hàng tạo ra lợi nhuận tốt trong tương lai. Nếu theo chiến lược này, QTDND phải xác định được tỷ lệ khách hàng thanh niên có khả năng gắn kết lâu dài với mình trong thời gian tới.

Thứ sáu là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của QTDND

Để phát triển tín dụng đối với các hộ gia đình ở nông thôn, QTDND cần sử dụng những nhân viên được đào tạo, có am hiểu về trồng trọt, chăn nuôi. Trong trường hợp cần thiết có thể thuê đội ngũ tư vấn là các nhà nông học, bác sĩ thú y để hỗ trợ trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân… Các nhân viên tín dụng được đào tạo, sẽ hiểu được các đặc thù trong phương án kinh doanh của khách hàng, từ đó điều chỉnh các điều kiện, điều khoản cho vay hợp lý, thiết kế lịch thu nợ phù hợp với dòng tiền của khách hàng đặc thù là hộ gia đình ở nông thôn, giảm thiểu rủi ro cho khoản vay. 

Th.S Trần Thanh Long

Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên

 

Các tin liên quan