Mặc dù NHNN hút ròng tới 18.500 tỷ đồng thông qua kênh phát hành tín phiếu, song lãi suất liên ngân hàng tuần qua vẫn giảm khá mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Điều đó cho thấy thanh khoản hệ thống đang dần dư thừa trở lại.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng (Nguồn: BVSC/Bloomberg)
Trong Bản tin Trái phiếu tuần số 46 (từ 27/11/2017 đến 1/12/2017), Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, mặc dù tuần qua thị trường OMO trầm lắng khi không có hoạt động bơm mới. Tuy nhiên, qua kênh tín phiếu, NHNN đã phát hành 28.800 tỷ đồng tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn trong tuần là 10.300 tỷ đồng. Như vậy, tuần vừa qua NHNN đã hút ròng 18.500 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã hút ròng 18.500 tỷ đồng từ thị trường.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch bình quân tuần qua có xu hướng giảm khá mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, biên độ giảm ở mức 0,26% - 0,71%.
Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,71% về mức 0,77%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,42% về mức 1,06%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,26% về mức 1,35%/năm.
“Xu hướng giảm của lãi suất liên ngân hàng tuần qua sau ba tuần tăng liên tiếp, kết hợp với động thái hút ròng vốn qua kênh tín phiếu của NHNN cho thấy thanh khoản hệ thống đang dần dư thừa trở lại”, BVSC cho biết.
Trên thị trường 1, theo quan sát của thoibaonganhang.vn, sau khi tăng nhẹ lãi suất huy động trong một thời gian khá ngắn, nhiều ngân hàng, đặc biệt là các NHTM có vốn Nhà nước đã giảm lãi suất huy động trở lại.
Theo một chuyên gia ngân hàng, đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Thời điểm này những năm trước đây các TCTD thường gặp khó khăn về thanh khoản do nhu cầu tín dụng tăng cao, trong khi lượng tiền gửi lại giảm khi người dân và doanh nghiệp có xu hướng rút tiền để chi dùng trong dịp Tết. Bởi vậy giai đoạn này NHNN thường phải bơm tiền để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD.
Tuy nhiên, tình hình mấy năm nay cho thấy, thanh khoản của các TCTD chẳng những không thiếu hụt mà còn dư thừa. Nguyên nhân một phần do tín dụng tăng đều qua các tháng trong năm chứ không dồn cục vào thời điểm cuối năm như trước. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sự điều hành hết sức chủ động, linh hoạt của NHNN trong việc điều tiết thanh khoản trong nền kinh tế.
Ngoài ra, một lý do không kém phần quan trọng là nguồn cung ngoại tệ hiện đang rất dồi dào khi cán cân thương mại thặng dư khá lớn, giải ngân FDI tăng mạnh, rồi còn nguồn giải ngân vốn ODA, kiều hối, từ du lịch… Trong khi cơ chế điều hành tỷ giá mới chẳng chững giúp tỷ giá không biến động đột biến mà còn giảm thiểu tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế. “Đó là lý do khiến NHNN tiếp tục mua thêm vào một lượng ngoại tệ khá lớn để nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục 46 tỷ USD, thậm chí hiện còn có thể cao hơn. Chính lượng tiền tung ra mua ngoại tệ cũng góp phần duy trì thanh khoản của hệ thống ngân hàng”, vị chuyên gia trên nói.