19.07.2017 00:00

NHNN điều hành CSTT linh hoạt, chủ động theo đúng chỉ đạo của Chính phủ

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc của NHNN với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN, ngày 18/7, tại Hà Nội.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

NHNN đã điều hành CSTT hết sức linh hoạt, chủ động

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian từ khi Chính phủ mới thành lập đến nay, NHNN thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức nghiêm túc, điều này được thể hiện trong vấn đề điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), phối hợp với chính sách tài khóa hết sức linh hoạt và chủ động.

Có thể khẳng định việc điều hành CSTT 6 tháng đầu năm 2017 có sự linh hoạt, thành công trong các lĩnh vực kiểm soát mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. NHNN cũng thành công cả trong vấn đề kiểm soát lạm phát góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm thể hiện các NHTM rất nỗ lực trong việc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Tỷ giá giữ ổn định, tạo lòng tin cho sản xuất kinh doanh, lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài, giữ ổn định đồng tiền.

Tăng trưởng tín dụng cũng khá tốt và NHNN cũng đang có giải pháp mạnh, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp…

Về công tác tham mưu, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua, NHNN cũng tập trung tham mưu cho Chính phủ đối với việc tái cơ cấu hệ thống, xử lý nợ xấu, tăng cường kỷ luật kỷ cương an toàn hệ thống.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Chính phủ giao cho NHNN hơn 470 nhiệm vụ và đó đều là những nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Đến nay, NHNN hoàn thành 397 nhiệm vụ, còn 80 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 75 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 5 nhiệm vụ quá hạn.

 

 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, trong buổi làm việc hôm nay, Thủ tướng cũng giao Tổ công tác truyền đạt 6 vấn đề yêu cầu NHNN giải trình và phải đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả. Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất. Thứ hai, xử lý nợ xấu; NHNN phải tổ chức thực hiện đảm bảo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu. Thứ ba, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ huy động nguồn lực ngoại tệ ở trong dân. Thứ tư, xử lý sở hữu chéo. Thứ năm, xử lý vướng mắc trong cho vay đối với một số lĩnh vực. Thứ sáu, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an toàn cho người gửi tiền.

Báo cáo về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm tại buổi làm việc, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, toàn ngành Ngân hàng đã tập trung đồng bộ các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng và đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, NHNN đã kiểm soát các chỉ tiêu tiền tệ tín dụng theo mục tiêu kiểm soát lạm phát hỗ trợ ổn định tỷ giá nên vẫn đảm bảo ổn định lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Đến 30/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016, thanh khoản của hệ thống các TCTD được đảm bảo.

NHNN cũng đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành một số nội dung như: Đề nghị Chính phủ thực hiện kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; tiếp tục kiên trì nguyên tắc thị trường trong điều hành kinh tế vĩ mô. Hạn chế sử dụng các công cụ CSTT thay cho các giải pháp về tài khóa ngân sách trong bối cảnh lạm phát có sức ép. Cân nhắc thận trọng và xem xét tổng thể các tác động khi đưa ra các chính sách hỗ trợ từ ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực; Chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với NHNN trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước trong thời gian sớm nhất nhằm giúp các ngân hàng bổ sung vốn cần thiết đáp ứng các yêu cầu quản trị tiên tiến, đặc biệt là tiêu chuẩn về Basel II…

NHNN sẽ có báo cáo cụ thể về 6 vấn đề trên và giải pháp thực hiện

Liên quan tới 6 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ báo cáo chi tiết, đầy đủ về việc tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế và định hướng sắp tới của NHNN cả 6 vấn đề. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, Thống đốc cũng đã phát biểu ngắn gọn về 6 vấn đề này.

Theo đó, về vấn đề an toàn thanh toán cũng như hoạt động của hệ thống ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành các văn bản tăng cường an toàn của hoạt động thanh toán. Trong năm nay NHNN cũng đã có chỉ thị riêng về đảm bảo an toàn thanh toán, hoạt động công nghệ thông tin và các vấn đề liên quan tới hoạt động thanh toán, đồng thời đưa vào trọng tâm công tác thanh tra.

“NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng cường tự kiểm tra chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thanh toán. Trong bất cứ trường hợp nào khi xảy ra sự cố, NHNN yêu cầu các TCTD phải chủ động phối hợp các cơ quan chức năng hoặc khách hàng để xử lý trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật”, Thống đốc nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề tiếp cận vốn của DN, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN đã quán triệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 chỉ đạo các TCTD phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường khả năng tiếp cận vốn minh bạch, công khai thông tin cả về lãi suất, các trình tự thủ tục, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Vấn đề này được NHNN cụ thể hóa khi đã ban hành Thông tư 39 với nhiều điểm rất mới, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn.

Về cho vay theo Nghị định 67, NHNN kiến nghị Tổ công tác đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối khẩn trương triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị định này. NHNN trong phạm vi chức năng của mình đã báo cáo đầy đủ về tình hình triển khai cho vay theo Nghị định 67 từ phía trách nhiệm của NHNN và hệ thống ngân hàng, những vấn đề tồn tại bất cập những quy định hiện hành và NHNN đã kiến nghị những giải pháp để triển khai trong thời gian tới.

Xung quanh quy trình thủ tục cho vay gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, Thống đốc khẳng định: Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và hiện nay các NHTM cam kết cho vay gói tín dụng này khoảng 120 nghìn tỷ đồng nhưng mới giải ngân được khoảng gần 33 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi triển khai cho vay gói tín dụng này đã gặp một số khó khăn, đó là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là hướng mới rất rủi ro nên các NHTM phải thẩm định các dự án hết sức thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các công cụ phòng ngừa, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi. Khó khăn nữa là hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể để sản xuất các mặt hàng nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thiếu thị trường tiêu thụ ổn định; số lượng DN được cấp chứng nhận DN ứng cụng công nghệ cao còn ít.

Liên quan tới vấn đề sở hữu chéo, và cụ thể là câu chuyện của Vietcombank, Thống đốc cho biết, đây không phải là sở hữu chéo mà là nắm giữ cổ phần ở các TCTD khác chưa đáp ứng quy định hiện hành. Thống đốc cũng khẳng định, trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, NHNN đã nêu hiện trạng và NHNN cũng đã chỉ đạo từng TCTD hiện nay còn nắm giữ cổ phần của các TCTD khác mà chưa phù hợp với Thông tư 36 phải khẩn trương thoái vốn.

"Tuy nhiên, việc thoái vốn phụ thuộc vào điều kiện khách quan như tìm được đối tác phù hợp, điều kiện về tài chính, giá trên thị trường hợp lý thì những vấn đề này cũng cản trở thoái vốn. Nhưng theo chủ trương của Chính phủ thì NHNN làm rất quyết liệt việc thoái vốn các TCTD để đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn, nắm giữ cổ phần theo quy định", Thống đốc nhấn mạnh.

Về vấn đề xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, NHNN đã đề xuất Chính phủ lộ trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; trình Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết này, trong đó có phân công nhiệm vụ rất rõ cho các bộ, cơ quan liên quan. 

"Ngành Ngân hàng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm nay mà còn những năm tới về việc thực hiện thắng lợi nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu cũng như cơ cấu lại hệ thống các TCTD của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Muốn hệ thống ngân hàng lành mạnh thì phải có bước đi cụ thể về vấn đề đó", Thống đốc khẳng định.

Về vấn đề lãi suất, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho biết, mới đây NHNN đã có các quyết định giảm lãi suất. Ngay sau khi các quyết định giảm lãi suất có hiệu lực thi hành, các ngân hàng đã triển khai áp dụng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh giảm lãi suất, các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng để hỗ trợ DN với lãi suất thấp, hiện khoảng từ 5-6,5%/năm; đồng thời tiếp tục giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn với lĩnh vực ưu tiên xuống 8%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.

Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ, quan điểm điều hành của NHNN là năm nay tín dụng tăng trưởng khoảng 18%. Tuy nhiên tín dụng có thể tăng cao hơn như chỉ đạo của Chính phủ là 18%-20% nhưng phải kiểm soát ổn định vĩ mô, kiểm soát được làm phát và phải đảm bảo chất lượng tín dụng, đưa tín dụng vào khuyến khích lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. “Điều này, NHNN đã có quan điểm rất rõ ràng và NHNN sẽ cam kết điều hành theo định hướng và chúng tôi sẽ linh hoạt điều chỉnh tùy theo diễn biến của kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nói.

Đối với vấn đề huy động nguồn lực trong dân, Thống đốc chia sẻ, trong nhiều năm vừa qua, các giải pháp điều hành của Chính phủ, của NHNN cả về thị trường tiền đồng, ngoại tệ... là tổng thể các giải pháp vĩ mô để đảm bảo sự ổn định và kiểm soát lạm phát. Chính vì nhờ các giải pháp đúng và trúng như vậy, nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa ra đồng Việt Nam.

"Năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó, thặng dư cán cân thanh toán chỉ là một phần, còn phần lớn trong đó là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam. Đây là sự chuyển hóa nguồn lực NHNN cho rằng tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện kiểm soát ổn định vĩ mô, không để biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN", Thống đốc cho biết.

Tuy nhiên đối với Đề án chống đô la hóa, vàng hóa, theo chỉ đạo của Chính phủ NHNN vẫn đang khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành để tổng hợp, trong đó có các giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành. NHNN cũng có những giải pháp chuyển hóa các nguồn lực đó đưa vào đầu tư. 

Theo Website Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan