Ngày 31/12/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký ban hành Thông tư số 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm. Thông tư này thay thế cho Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 về việc ban hành Quy chế về tiền gửi tiết kiệm và Quyết định 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25/9/2006 về việc sử đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc NHNN.
Theo đó, Thông tư 48/2018 cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô hoặc quỹ tín dụng nhân dân.
Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Trong đó, đồng tiền nhận tiền gửi tiết kiệm là đồng Việt Nam, ngoại tệ; đồng tiền chi trả tiền gửi tiết kiệm là loại đồng tiền mà người gửi tiền đã gửi. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm, mức phí (nếu có), loại ngoại tệ nhận tiền gửi tiết kiệm, xử lý với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm… sẽ được tổ chức tín dụng niêm yết công khai tại điểm giao dịch và trên website (nếu có).
Cũng theo Thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm. Ngoài ra, tổ chức tín dụng và người gửi tiền có thể thỏa thuận về các biện pháp khác để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm và biện pháp tổ chức tín dụng thông báo cho người gửi tiền khi có thay đổi đối với khoản tiền gửi tiết kiệm.
Cũng trong ngày cuối cùng năm 2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 49/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi có kỳ hạn để hướng dẫn hoạt động nhận tiền gửi có kỳ hạn quy định tại Luật TCTD và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động ngân hàng của các TCTD.
Theo đó, đối tượng được gửi tiền gửi có kỳ hạn bao gồm Cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thời hạn từ 6 tháng trở lên; Tổ chức, cá nhân cư trú tại Việt Nam; Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Người gửi tiền gửi có kỳ hạn chỉ được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của chính mình. Việc gửi, nhận tiền gửi có kỳ hạn có thể được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp hoặc tự mình thực hiện.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định cụ thể về thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn, lãi suất gửi, chi trả trước hạn tiền gửi có thời hạn…
Thông tư số 48/2018/TT-NHNN và Thông tư số 49/2018/TT-NHNN đều có hiệu lực từ ngày 5/7/2019.
Chi tiết Thông tư số 48/2018/TT-NHNN và Thông tư số 49/2018/TT-NHNN
12.11.2024