NHNN Chi nhánh TP. Hải Phòng tăng cường triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND trên địa bàn
Nếu nói về quy mô, hệ thống QTDND trên địa bàn Hải Phòng dường như nhỏ bé so với trung bình của cả hệ thống, lại càng như nhỏ bé nếu nhìn về tiềm năng của một thành phố Cảng. Song nhìn về mức độ ảnh hưởng và sự lan tỏa, cũng như chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND lại là một bức tranh với nhiều gam màu ấm dưới sự chỉ đạo giám sát của NHNN Chi nhánh Hải Phòng và sự ủng hộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng, ông Lê Văn Cường cho biết, cái thuận của hệ thống QTDND trên địa bàn là được sự quan tâm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các quỹ tín dụng hoạt động và phát triển. Cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh thành phố ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thanh khoản, điều hòa nguồn vốn nhàn rỗi cho hệ thống QTDND trên địa bàn, mở rộng tín dụng, đảm bảo khả năng chi trả và tăng cường tính liên kết hệ thống.
Tập thể cán bộ, nhân viên QTDND xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng
Đặc biệt, năm 2019, hành lang pháp lý của hệ thống QTDND được hoàn thiện với việc NHNN Việt Nam ban hành các quy định về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của QTDND, đảm bảo cho QTDND hoạt động an toàn. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hoạt động, ngay từ đầu năm thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh TP.Hải Phòng đã chỉ đạo các QTDND tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của NHNN; chủ động xây dựng các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro; chủ động, linh hoạt trong điều hành lãi suất, cân đối nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp với trình độ quản lý, điều hành; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo thanh khoản và duy trì các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động đúng quy định.
Công tác giám sát, chỉ đạo các QTDND trên địa bàn được NHNN chi nhánh thành phố tăng cường thực hiện đúng lộ trình “Phương án cơ cấu lại hệ thống QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã được phê duyệt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn và đôn đốc các QTDND triển khai thực hiện cơ chế, quy chế mới, chấp hành các quy định về tổ chức và hoạt động nghiệp vụ; cảnh báo, phòng ngừa rủi ro, tội phạm ngân hàng. Thanh tra, giám sát chi nhánh đã tham mưu cho Ban giám đốc xây dựng kế hoạch và triển khai 13 cuộc thanh tra các QTDND trong năm 2019. Các cuộc thanh tra được tiến hành tập trung, thống nhất với mục tiêu, định hướng, nội dung thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt.
Với việc phê duyệt và kiểm soát hỗ trợ các QTDND thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đối với hệ thống QTDND trên địa bàn đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét cả về lượng và chất trong hoạt động. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu đạt 84.526 triệu đồng, so với thời điểm phê duyệt Phương án tăng 51%, so với 31/12/2018 tăng 21%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.503.312 triệu đồng, so với thời điểm phê duyệt Phương án tăng 47%, so với 31/12/2018 tăng 15%; huy động từ thành viên là 920.717 triệu đồng, so với cuối năm 2018 tăng 26%.
Tuy các QTDND đã tích cực huy động vốn tiền gửi tại chỗ, nhưng do một số quỹ gặp khó khăn trong huy động vốn, một số quỹ có nhu cầu vay vốn của các thành viên khá cao, sản xuất kinh doanh mang tính thời vụ nên có thời điểm huy động vốn tiền gửi không đáp ứng được nhu cầu vốn cho thành viên. Những khoảng trống này đã được Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh thành phố hỗ trợ kịp thời. Riêng năm 2019, nguồn vốn điều hòa từ Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác cho vay các QTDND tăng 29%, đạt 23.123 triệu đồng.
Hoạt động của 26 QTDND trên địa bàn thành phố đã và đang hỗ trợ các dịch vụ tín dụng ngân hàng cho 21.775 thành viên tham gia là những hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và những hộ kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ, bình quân mỗi QTDND có 838 thành viên, so với năm 2018 tăng 1.934 thành viên. Cuối năm 2019, tổng dư nợ là 1.320.264 triệu đồng, so với thời điểm phê duyệt Phương án tăng 61%, so với 31/12/2018 tăng 18%. Cùng với việc chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của thành viên, khai thác thêm đối tượng mới để cho vay, tư vấn cho các thành viên mở rộng ngành nghề, nguồn vốn từ các QTDND đã từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và phục vụ nhu cầu đời sống thành viên. Trong đó riêng năm 2019, các QTDND trên địa bàn đã cho 12.934 lượt thành viên vay vốn với doanh số phát sinh trong năm là 1.637 tỷ đồng, bình quân 127 triệu đồng/món.
Giao dịch tại QTDND xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng
NHNN chi nhánh thành phố đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chỉ đạo các QTDND tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, định kỳ hạn nợ phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, tích cực thu nợ, kiểm tra, giám sát chặt chẽ vốn vay, đánh giá chất lượng các khoản nợ, chủ động có biện pháp xử lý các khoản nợ khó thu, nợ có vấn đề nhằm lành mạnh hóa dư nợ, nên chất lượng tín dụng từng bước được đảm bảo. Đến cuối năm 2019 nợ xấu của hệ thống chỉ chiếm 0,47%/tổng dư nợ. 26/26 QTDND đều hoạt động có lãi với chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) là 18%, so với thời điểm phê duyệt Phương án tăng 5%, so với 31/12/2018 tăng 3,1%; Chỉ tiêu lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) là 0,9%, so với thời điểm phê duyệt Phương án tăng 0,3%, so với cuối 2018 tăng 0,2%; 25/26 QTDND đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn trên 8%.
Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hải Phòng Lê Văn Cường cho biết, sự tín nhiệm của nhân dân và lãnh đạo địa phương ngày càng được củng cố, tạo điều kiện cho hệ thống QTDND hoạt động phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống quỹ trên địa bàn vẫn chưa như kỳ vọng do những tác động bất lợi từ nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của QTDND; một số quỹ còn khó khăn về huy động nguồn vốn tại chỗ và tăng trưởng tín dụng; sự cạnh tranh của hệ thống các TCTD và các quỹ hỗ trợ của các tổ chức hội đoàn thể; một số quỹ cơ sở vật chất và khả năng vốn tự có còn thấp, hoạt động gặp khó khăn. Vì vậy, để triển khai và thực hiện mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Chỉ thị số 01 của Thống đốc NHNN cũng như định hướng phát triển hệ thống QTDND trong Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, NHNN chi nhánh đã định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra, giám sát để tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện trong năm 2020.
Theo đó, Chi nhánh NHNN thành phố sẽ tổ chức thực hiện và hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2020, đảm bảo nội dung, thời gian và chất lượng các cuộc thanh tra; Tiếp tục tham mưu, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10 của UBND thành phố về triển khai Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về "Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND trên địa bàn thành phố". Chi nhánh cũng tăng cường công tác giám sát các QTDND trong việc thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Đề án "Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của NHNN Việt Nam; đặc biệt tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các quy định chuyển tiếp tại Thông tư 21 đối với các QTDND chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
“Để tiếp tục duy trì hệ thống QTDND phát triển an toàn hiệu quả, NHNN Chi nhánh Hải Phòng sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát để cảnh báo, chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; phân công cán bộ chuyên quản thực hiện tăng cường giám sát tình hình hoạt động đối với những quỹ có tỷ lệ nợ xấu, lãi dự thu cao để cảnh báo, giám sát thực hiện. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các quỹ rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện các quy trình, quy định nội bộ về quản trị, kiểm soát, điều hành; có kế hoạch xây dựng và kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, kiểm soát đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định”, Giám đốc Lê Văn Cường cho biết.
Theo Thời Báo Ngân hàng