Con số 1.155 tỷ đồng dư nợ của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Hà Nam tại 12 QTDND không phải là lớn, song hơn 10.615 thành viên đang thụ hưởng lại là một con số đáng để nói khi đa phần thành viên vay quỹ trong tình trạng “cao chẳng tới, thấp chẳng thông” khi không thuộc đối tượng vay tín dụng chính sách, mà ngân hàng cũng ngại giải ngân vì món vay nhỏ. Đặc biệt, dòng chảy vốn cùng sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) đã giúp các QTDND trên địa bàn nhấn mạnh hơn vai trò mô hình kinh tế tập thể, đặt mục tiêu hỗ trợ thành viên lên hàng đầu.
63,669 tỷ đồng dư nợ với 616 thành viên - Đây là tổng hỗ trợ vốn của QTDND Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, chỉ sau gần 3 năm hoạt động. Để có được thành quả ấy, điều mà ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Chủ tịch HĐQT QTDND Tân Sơn tâm đắc nhất là sự hỗ trợ nguồn vốn của NHHT chi nhánh Hà Nam cho quỹ ngay từ những ngày đầu gian khó.
NHHT Hà Nam luôn hỗ trợ vốn kịp thời cho QTDND |
Ông Lại Thế Sáng - Giám đốc QTDND Tân Sơn nhớ lại: ngày khai trương vô cùng thuận lợi vì thành viên đến giao dịch đông nườm nượp. Cán bộ quỹ phải làm đến 9h đêm để giải ngân các khoản vay cho thành viên, kịp vốn chớp cơ hội làm ăn. Nhân viên quỹ luôn nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ thành viên từ cả những món vay nhỏ, 10 triệu đồng rồi 15 triệu đồng, thủ tục nhanh chóng, lãi suất hợp lý. Nhiều thành viên tiếp cận được vốn ngay trong ngày, ai cũng mừng vui và quý mến QTDND.
Địa bàn phục vụ 5 xã Tân Sơn, Thuỵ Lôi, Khả Phong, Tượng Lĩnh và Thị trấn Ba Sao đang trên đà đô thị hóa là cơ hội cho quỹ phát triển, hỗ trợ người dân có nguồn vốn để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Song cũng vì thế, người dân dồn vốn vào phát triển sản xuất dịch vụ, tích lũy dân cư thấp; bài toán huy động vốn để hỗ trợ thành viên là vấn đề khó khăn với quỹ dù đã tích cực mở rộng tuyên truyền, đưa ra mức lãi suất cạnh tranh để thu hút vốn.
Thế nên, những hỗ trợ từ phía NHHT chi nhánh Hà Nam với QTDND Tân Sơn lại càng đáng quý. 6 tháng đầu sau khi khai trương hoạt động, quỹ chỉ huy động được 3,5 tỷ đồng từ dân cư, vì vậy, khoản vay điều hòa 5 tỷ đồng từ NHHT đã giúp quỹ dần mở rộng cho vay thành viên, tăng uy tín trong dân, từ đó thu hút các dòng vốn nhàn rỗi về quỹ. “Thời gian đầu, NHHT hỗ trợ quỹ 70% nguồn vốn”, ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Chủ tịch HĐQT QTDND Tân Sơn nhớ lại và chia sẻ thêm: “Năm 2018, nguồn vốn của quỹ có 28 tỷ đồng thì vay NHHT 15 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn hữu hạn, quỹ cũng đã được NHHT phối hợp cùng triển khai sản phẩm cho vay hợp vốn để hỗ trợ thành viên. Bên cạnh đó, NHHT cũng hỗ trợ triển khai dịch vụ chuyên tiền điện tử Cf-ebank. Các thành viên và người dân được hưởng lợi. Việc chuyển tiền cho con ăn học, làm ăn được nhanh chóng, thành viên và người dân biết đến quỹ ngày một nhiều”.
Không chỉ QTDND Tân Sơn, mà những quỹ khác cũng đã được NHHT chi nhánh Hà Nam giúp đỡ nhiệt tình về điều hoà vốn, đáp ứng đủ nhu cầu về vốn cho khách hàng vay và đảm bảo thanh khoản.
Theo ông Lê Tiến Dũng - Phó giám đốc phụ trách NHHT chi nhánh Hà Nam, chi nhánh luôn thực hiện tốt vai trò là đơn vị đầu mối trong hoạt động của các QTDND, luôn ưu tiên và làm tốt công tác điều hòa vốn; chăm sóc, hỗ trợ các QTDND trên địa bàn. Chi nhánh luôn kịp thời hỗ trợ vốn vay cho các QTDND, mở rộng tín dụng và đáp ứng thanh khoản. Chi nhánh cũng luôn tận dụng nguồn vốn lãi suất thấp, hỗ trợ các QTDND có điều kiện đưa mức lãi suất cho vay rẻ hơn với thành viên từ nguồn vốn AFD.
Ngoài cho vay điều hòa để hỗ trợ QTDND tăng năng lực, đáp ứng vốn cho thành viên trong bối cảnh hạn mức tối đa cho vay thấp, quỹ cũng đã và đang triển khai có hiệu quả sản phẩm cho vay hợp vốn với các QTDND với dư nợ 52,534 tỷ đồng. “Nguồn vốn này phù hợp với việc hỗ trợ các quỹ mới. Chi nhánh cũng tích cực tuyên truyền và mở rộng sản phẩm này ra các quỹ, kể cả các món vay nhỏ, từ đó nâng cao trình độ thẩm định hồ sơ cho vay cũng như quản lý tín dụng của chính các cán bộ quỹ”, ông Lê Tiến Dũng chia sẻ.
NHHT chi nhánh Hà Nam cũng đã tích cực triển khai sản phẩm dịch vụ thanh toán chuyển tiền Cf-eBank đến 12/12 QTDND. Trong năm 2019, NHHT đã cấp và duy trì hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán cho 12/12 QTDND với tổng hạn mức thấu chi là 14,1 tỷ đồng. NHHT đang từng bước triển khai lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ (POS) đến các QTDND.
Đặc biệt chi nhánh phối hợp với NHNN, Hiệp hội QTDND Việt Nam để mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ các quỹ trong các nghiệp vụ chuyên môn, giám sát và quản lý.
Những nỗ lực hỗ trợ hệ thống của NHHT Hà Nam đã góp phần đưa tổng nguồn vốn của các QTDND trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến cuối tháng 10/2019 đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 256 tỷ đồng so với 31/12/2018. Tổng dư nợ cho vay của các QTDND là 1.155 tỷ đồng, tăng 142 tỷ đồng so với 31/12/2018, góp phần cho 10.615 thành viên của 12 QTDND có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Kết quả bước đầu đã tạo khí thế làm ăn mới của các thành viên, củng cố mối liên kết hệ thống, cộng đồng dân cư tin tưởng hơn vào hoạt động của QTDND, các QTDND cũng tin tưởng và gắn kết hơn với hoạt động của toàn hệ thống. 12/12 QTDND hoạt động có lãi. Tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,18% cho thấy hiệu quả của nguồn vốn này trong dân cũng như vai trò quan trọng của hệ thống QTDND trong phát triển kinh tế tỉnh đặc biệt địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, NHHT chi nhánh Hà Nam luôn duy trì thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay tại các QTDND có dư nợ tại chi nhánh. Sau mỗi đợt kiểm tra, chi nhánh đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị các QTDND hoàn thiện hơn về mặt hồ sơ pháp lý, đảm bảo tính an toàn trong công tác tín dụng. Chi nhánh cũng đã phối hợp với Thanh tra NHNN nắm bắt thông tin, thành lập các đoàn kiểm tra sử dụng vốn vay. Các sai phạm đều có kiến nghị lên Thanh tra NHNN tỉnh để có hướng xử lý kịp thời, góp phần ổn định an toàn hệ thống QTDND trên địa bàn.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024