04.12.2019 07:00

NHHT Chi nhánh Vĩnh Phúc: Tạo bước đột phá hỗ trợ tối đa các QTDND

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 31 Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động tại 34/137 xã, phường, thị trấn với dư nợ đạt 2.251 tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng nguồn vốn hoạt động. Những con số đã phần nào thể hiện bức tranh hỗ trợ hệ thống của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) Chi nhánh Vĩnh Phúc trong hành trình phát triển của hệ thống QTDND trên địa bàn.

Không chỉ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc nâng cao năng lực hoạt động của các QTDND để đẩy mạnh cho vay thành viên, dòng vốn của Chi nhánh cũng đang mở rộng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người dân trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn.

 

Bà Lê Hoàng Hạnh - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc trao đổi tình hình hoạt động của Chi nhánh 

Theo bà Lê Hoàng Hạnh - Giám đốc Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc thì sau khi chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác (năm 2013) đến nay, hoạt động của Chi nhánh đã có bước đột phá, qua đó hỗ trợ tối đa cho các QTDND thành viên. Với vai trò là Ngân hàng của các QTDND trên địa bàn, Chi nhánh Vĩnh Phúc luôn đặt công tác điều hòa vốn hợp lý cho các QTDND, xem đó là nền tảng trọng yếu, tạo điều kiện cho các QTDND nâng cao năng lực hỗ trợ và gia tăng thu nhập cho thành viên.

Đến cuối tháng 11 năm 2019, Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc đang điều hòa vốn vay cho 14 QTDND với dư nợ đạt trên 120 tỷ đồng. Dòng vốn tín dụng trở thành động lực cho các QTDND tại Vĩnh Phúc mở rộng quy mô hoạt động để hỗ trợ cho thành viên. Đối với các QTDND ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Tường, chẳng hạn ở xã An Tường, nguồn vốn phát triển kinh tế hộ nhiều năm qua của xã dựa chủ yếu vào QTDND An Tường. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây khi nghề mộc và nuôi bò sữa của xã nở rộ, để có thể hỗ trợ thành viên, QTDND xã An Tường vẫn luôn có sự đồng hành của Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc.

Theo bà Lê Thị Huệ - Chủ tịch HĐQT QTDND An Tường: Trong 5 năm qua, QTDND An Tường đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô tín dụng tăng cao. Hiện nguồn vốn tự có và huy động trong dân của Quỹ đạt trên 66,4 tỷ đồng, trong khi dư nợ Quỹ đạt 75,787 tỷ đồng. Qua đó cho thấy nguồn vốn thiếu còn lại là từ Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc hỗ trợ. Không chỉ QTDND An Tường mà hiện nhiều QTDND trên địa bàn đều có sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc. Sự đồng hành hỗ trợ của Chi nhánh đã giúp các QTDND mở rộng quy mô phát triển và cho vay thành viên.

Đối với các QTDND không có dư nợ với NHHT, thì Chi nhánh vẫn là chỗ dựa vững chắc cho các QTDND trong việc tăng uy tín với thành viên, người dân và nâng cao năng lực hoạt động của chính mình từ hoạt động điều hòa vốn của Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc. Ví như QTDND Thanh Lãng, hiện dư nợ cho vay thành viên đạt trên 100 tỷ đồng, việc kinh tế ngày một phát triển và Qũy ngày càng có thương hiệu trong lòng người dân địa phương nên các TCTD khác cũng không thể cạnh tranh với Qũy trong việc huy động vốn tại địa bàn hoạt động. Hiện Qũy đang gửi điều hòa tại Ngân hàng Hợp tác với số tiền gửi lên đến 100 tỷ đồng.

Có thể nói, việc Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc thực hiện tốt công tác điều hòa vốn cho QTDND, đã giúp QTDND vừa giải quyết bài toán tăng uy tín, thương hiệu từ đó thu hút thêm thành viên sử dụng dịch vụ, vừa giảm gánh nặng chi phí cho hoạt động của Quỹ. Hiện có 31 QTDND có tiền gửi tại Ngân hàng Hợp tác với tổng số là 480 tỷ đồng.

 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc 

Vai trò ngân hàng của các QTDND trên địa bàn ngày càng khẳng định. Hoạt động của Chi nhánh đã và đang góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và ổn định an toàn hệ thống QTDND. Việc thực hiện Thông tư 04/TT-NHNN quy định về QTDND, Chi nhánh đã phối hợp cùng NHNH Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên giám sát từ xa, theo dõi sát sao hoạt động sử dụng nguồn vốn của các QTDND để từ đó kịp thời cảnh báo giúp hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động an toàn, lành mạnh.

Cho đến cuối tháng 11 năm 2019, Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phục đã hỗ trợ 9 QTDND thực hiện dịch vụ thanh toán chuyển tiền Ngân hàng điện tử CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác, tới đây sẽ tiến hành kết nạp thêm 6 QTDND tham gia dịch vụ thanh toán chuyển tiền. Hỗ trợ 5 QTDND sử dụng sản phẩm thấu chi. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho cán bộ nhân viên các QTDND, theo dõi sát sao các chương trình đào tạo của Ngân hàng Hợp tác Việt Nam để kịp thời hỗ trợ đào tạo cho các Quỹ. 

Những nỗ lực của Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc cùng sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần đảm bảo hoạt động ổn định an toàn và phát triển bền vững hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Mà như ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã khẳng định: QTDND là giải pháp thích hợp nhất, tốt nhất ở giai đoạn hiện nay, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội của tỉnh. 

Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cho vay hỗ trợ giáo viên, cải thiện chất lượng sống, gắn bó với trường với lớp. Hiện chương trình cho vay này đã mở rộng ra toàn bộ các trường trong tỉnh. Từ năm 2015, Chi nhánh đã mở rộng cho vay giáo viên sang địa bàn tỉnh Tuyên Quang với dư nợ cho vay đạt 70 tỷ đồng. Hoạt động cho vay giáo viên thêm hấp dẫn và tiện lợi khi Chi nhánh ký hợp đồng liên kết với các trường mở rộng cho vay giáo viên thu tiền lãi và gốc định kỳ chuyển khoản lên Ngân hàng Hợp tác. Tính đến cuối tháng 11 năm 2019, cho vay giáo viên của Chi nhánh đạt gần 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng đã tập trung cho vay hỗ trợ sản xuất quy mô nhỏ đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan