Một số Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) hỏi: Để trở thành thành viên QTDND phải có những điều kiện gì? Khi tham gia thành viên QTDND thì thành viên được hưởng quyền lợi gì? Nghĩa vụ của thành viên phải làm gì khi tham gia thành viên QTDND? Thành viên QTDND được chấm dứt trong các trường hợp nào?
I. Để trở thành thành viên QTDND phải có những điều kiện gì?
Trả lời
1. Thành viên Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở bao gồm:
a) Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cư trú, làm việc hoặc sản xuất kinh doanh hợp pháp trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Các cá nhân không đủ các điều kiện nói trên hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cá nhân đang phải chấp hành hình phạt tù, cá nhân bị toà án tước quyền hành nghề do vi phạm các tội theo quy định của pháp luật và cá nhân đang trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh không được tham gia thành viên Quỹ tín dụng nhân dân;
b) Cán bộ, công chức (trừ sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được là thành viên Quỹ tín dụng nhân dân) có đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Cán bộ, công chức không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành, kiểm soát và các chức danh nghiệp vụ chuyên môn của Quỹ tín dụng nhân dân;
c) Hộ gia đình mà các thành viên trong hộ có cùng tài sản chung để hoạt động kinh tế như: diện tích đất đang sử dụng vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; những tài sản cố định khác phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình. Khi tham gia thành viên Quỹ tín dụng nhân dân, hộ gia đình phải cử người đại diện (có giấy uỷ quyền) có đủ các điều kiện như đối với cá nhân quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và theo quy định của Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân. Khi muốn thay đổi người đại diện, hộ gia đình phải có đơn đề nghị Hội đồng quản trị xem xét quyết định;
d) Pháp nhân là tổ chức, cơ quan (trừ quỹ xã hội, quỹ từ thiện) theo quy định của pháp luật; các pháp nhân nói trên phải có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Người đứng tên trong đơn xin gia nhập Quỹ tín dụng nhân dân phải là đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân khác là người trong bộ máy lãnh đạo của pháp nhân làm đại diện tham gia Quỹ tín dụng nhân dân;
đ) Các đối tượng khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
2. Thành viên Ngân hàng hợp tác xã (NHHTX) bao gồm:
a) Các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở;
b) Các tổ chức tín dụng;
c) Các đối tượng khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.
Các đối tượng nói trên nếu là pháp nhân, khi tham gia phải cử đại diện hợp pháp tham gia thành viên.
3. Các đối tượng quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này có đơn xin gia nhập, tán thành Điều lệ, góp đủ vốn theo quy định đều có thể trở thành thành viên Quỹ tín dụng nhân dân.
II. Khi tham gia thành viên QTDND thì thành viên được hưởng quyền lợi gì ?
Trả lời:
1. Được dự Đại hội thành viên hoặc bầu đại biểu dự Đại hội thành viên, dự các cuộc họp thành viên để bàn bạc và biểu quyết những công việc của Quỹ tín dụng nhân dân.
2. Được ứng cử, bầu cử vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các chức danh được bầu khác của Quỹ tín dụng nhân dân, trừ thành viên là cán bộ, công chức.
3. Được gửi tiền, vay vốn, chia lãi theo vốn góp và theo mức độ sử dụng dịch vụ của Quỹ tín dụng nhân dân.
4. Được hưởng thụ các phúc lợi xã hội chung của Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật.
5. Được khen thưởng khi có nhiều đóng góp trong việc xây dựng và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân.
6. Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.
7. Được đề đạt, phản ánh, kiến nghị những vấn đề liên quan đến hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và yêu cầu được trả lời; yêu cầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát triệu tập Đại hội thành viên bất thường để giải quyết những vấn đề cấp thiết.
8. Được chuyển nhượng vốn góp và các quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân.
9. Được quyền xin ra Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân.
10. Trong điều kiện Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có lãi và việc rút vốn của thành viên không ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân thì thành viên được trả lại vốn góp và các quyền lợi khác theo quy định của Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân và pháp luật có liên quan.
11. Thành viên không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể được tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Quỹ tín dụng nhân dân nếu Quỹ tín dụng nhân dân có điều kiện và Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân có quy định việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thành viên.
III. Nghĩa vụ của thành viên phải làm gì khi tham gia thành viên ?
Trả lời:
1. Chấp hành Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân và các nghị quyết của Đại hội thành viên.
2. Góp vốn theo quy định của Điều lệ; mức vốn góp tối đa của mỗi thành viên kể cả vốn nhận chuyển nhượng trong từng thời kỳ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định nhưng không vượt quá 30% (ba mươi phần trăm) so với tổng số vốn Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân tại thời điểm góp vốn và nhận chuyển nhượng.
3. Hợp tác, tương trợ giữa các thành viên, góp phần xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của Quỹ tín dụng nhân dân.
4. Cùng chịu trách nhiệm về các khoản rủi ro, thua lỗ của Quỹ tín dụng nhân dân trong phạm vi vốn góp của mình.
5. Hoàn trả vốn và lãi tiền vay của Quỹ tín dụng nhân dân theo cam kết.
6. Bồi thường các thiệt hại do mình gây ra cho Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Điều lệ và quyết định của Đại hội thành viên.
IV.Thành viên QTDND được chấm dứt trong các trường hợp nào?
Trả lời:
1. Tư cách thành viên Quỹ tín dụng nhân dân sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; thành viên là hộ gia đình không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ; thành viên là pháp nhân khi tổ chức đó bị giải thể, phá sản hoặc không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ;
b) Thành viên đã được chấp nhận cho ra Quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật và Điều lệ;
c) Thành viên đã chuyển hết vốn góp và các quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ;
d) Thành viên bị Đại hội thành viên khai trừ;
đ) Các trường hợp khác do Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân quy định.
2. Khi chấm dứt tư cách thành viên, thành viên được chuyển nhượng vốn góp và quyền lợi, nghĩa vụ của mình cho người khác. Các trường hợp quy định tại điểm a, d khoản 1 Điều này và các thành viên đã được chấp nhận cho ra Quỹ tín dụng nhân dân do di chuyển nơi cư trú, nơi làm việc hoặc địa điểm sản xuất kinh doanh ra khỏi địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân nếu không chuyển nhượng được vốn góp cho người khác thì được trả lại vốn góp; các trường hợp khác khi chấm dứt tư cách thành viên được trả lại vốn góp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc chuyển nhượng hoặc trả lại vốn góp đối với các trường hợp thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và các thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc trả lại vốn góp phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
a) Thực trạng tài chính của Quỹ tín dụng nhân dân;
b) Đã xử lý xong các nghĩa vụ kinh tế của thành viên đối với Quỹ tín dụng nhân dân.(Thông tư số 06/2007/TT-NHNN ngày 06/11/2007 Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 08/2005/TT-NHNN ngày 30/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân).
Bùi Quang Sơn
NHNN - Chi nhánh Phú Thọ