28.05.2013 07:51

Mô hình hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân: Cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển

Ngày 23/5, Liên minh HTX Việt Nam, Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) và Thời báo Kinh Doanh đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện và phát triển Quỹ tín dụng nhân dân". Tại hội thảo, đại diện các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã nêu lên nhiều kiến nghị về chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các QTDND phát triển.

Ông Lê Xuân Thú, Giám đốc QTDNN Bình Chánh (Bình Chánh, Tp.HCM)
Nên giảm thuế thu nhập cho các quỹ
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp quy định đối với QTD như các loại hình doanh nghiệp khác còn cao (hiện hành 20%), không phù hợp, không khuyến khích tích lũy để xây dựng và phát triển đối với mô hình tín dụng hợp tác với mục tiêu chính là tương trợ thành viên.
Với mục tiêu hoạt động là tương trợ thành viên, hỗ trợ nhau, không chạy theo mục tiêu lợi nhuận đơn thuần nhưng QTDND cần phải có được chênh lệch thu nhập lớn hơn chi phí, nhằm bảo đảm chi phí hoạt động, có tích lũy để tồn tại và phát triển. Do đó, trong giai đoạn hoàn thiện mô hình hoạt động, QTDND cần được Chính phủ quan tâm ưu đãi về nhiều mặt, trong đó vấn đề nổi bật hiện nay là thuế thu nhập doanh nghiệp. QTDND được hưởng ưu đãi về thuế suất, hạn mức về thời gian được miễn giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp như các loại hình tổ chức kinh tế khác để tạo điều kiện cho QTDND có tích lũy, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, ban hành các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp riêng cho loại hình HTX, trong đó có hệ thống QTDND khoảng 15% hoặc có thể thấp hơn (hiện nay 20% như các loại hình tổ chức kinh tế khác).

Bà Huỳnh Thị Ri, Giám đốc QTD Mỹ Bình (Long Xuyên, An Giang)
Nên có cơ chế ưu đãi về lãi suất
Với mục tiêu hoạt động là tương trợ thành viên, hỗ trợ nhau, không chạy theo mục tiêu lợi nhuận đơn thuần nhưng QTDND cần phải có được chêch lệch thu nhập lớn hơn chi phí, nhằm đảm bảo chi phí hoạt động, có tích lũy để tồn tại và phát triển. Do đó, trong giai đoạn hoàn thiện mô hình hoạt động, QTDND cần được Chính phủ quan tâm ưu đãi về nhiều mặt, trong đó vấn đề nổi bật hiện nay là thuế thu nhập doanh nghiệp. QTDND được hưởng ưu đãi về thuế suất, hạn mức về thời gian được miễn giảm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp như các loại hình tổ chức kinh tế khác để tạo điều kiện cho QTDND có tích lũy, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, ban hành các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp riêng cho loại hình HTX trong đó có hệ thống QTDND khoảng 15% hoặc có thể thấp hơn (hiện nay 20% như các loại hình tổ chức kinh tế khác).
Theo quy định cơ chế lãi suất hiện nay, hệ thống QTDND chêch lệch với các NHTM giữa lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất huy động được phép của hệ thống QTDND dưới 12 tháng tối đa là 8%/năm; NHTM là 7,5%/ năm, lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên trong đó có nông nghiệp nông thôn của hệ thống QTDND là 11%/năm; NHTM là 10%/năm.
NHNN cần xem xét cho hệ thống QTDND được cơ chế lãi suất ưu đãi giữa huy động và cho vay so với NHTM khoản chêch lệch biên độ rộng hơn, cụ thể là 3%, hiện nay là 0,5% thì QTDND mới có điều kiện trang trải chi phí huy động và cho vay thành viên ở địa bàn nông thôn là những món vay nhỏ lẻ nhiều rủi ro.
Giới hạn địa bàn hoạt động của hệ thống QTDND là một thách thức đối với QTDND có khả năng phát triển mở rộng quy mô. Cần xóa bỏ cơ chế giới hạn địa bàn hoạt động của QTDND miễn sao hoạt động của QTDND đáp ứng được những quy định về chỉ số an toàn vốn, khả năng chi trả, giới hạn tín dụng và phù hợp với trình độ quản lý của Quỹ tín dụng cơ sở và khả năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Đinh Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT QTDND Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định)
Không nên đưa chỉ tiêu kết quả kinh doanh để xếp loại QTDND
Thực hiện theo Quyết định số 14/2007/QĐ-NHNN ngày 9/4/2007 của Thống đốc NHNN ban hành Quy chế xếp loại QTDND, trong đó có chỉ tiêu kết quả như lợi nhuận/tổng doanh thu, lợi nhuân/tổng tài sản "Có", lợi nhuận ròng/vốn điều lệ. Tuy nhiên, không nên đưa chỉ tiêu này vào quy chế xếp loại QTDND, bởi vì QTDND cơ sở hoạt động mục tiêu là tương trợ giữa các thành viên và không vì lợi nhuận.
Ngoài ra, với quy định góp vốn tham gia QTDND hiện nay là mức góp vốn xác lập tư cách thành viên tham gia QTDND tối thiểu là 100.000 đồng. Mức vốn góp thường niên đối với thành viên QTDND tối thiểu là 100.000 đồng.
Mức góp vốn thường niên thì theo Quyết định số 1328/2005/QĐ-NHNN ngày 6/9/2005 của Thống đốc NHNN tại khoản 1 Điều 5 quy định QTDND phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% giữa vốn tự có so với tổng tài sản "Có" rủi ro.
Tuy nhiên, theo tôi thấy vốn góp cổ phần phải dựa trên tinh thần tự nguyện không mang tính ép buộc và phù hợp với điều kiện phát triển của quỹ. Ngoài ra, chỉ quy định mức góp vốn tối thiểu là 100.000 đồng đối với thành viên xác lập. Còn mức vốn góp thường niên đối với thành viên, nếu có thành viên nào muốn đóng trên mức tối thiểu thì trên tinh thần tự nguyện.
Còn đối với việc chuyển nhượng, hoàn trả vốn góp thì phải được Đại hội thành viên thông qua. Chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của thành viên thì việc này là tự nguyện giữa hai bên và QTDND chỉ xem xét đối chiếu thành viên mới - cũ đủ các điều kiện không, bởi không có ảnh hưởng đến quỹ vốn của QTDND.

Ông Nguyễn Tiến Huấn, Chủ tịch HĐQT QTDND Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội)
Không nên đặt tiêu chí như NHTM
Vừa qua ở một số QTDND, thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thanh tra và kết luận yêu cầu một số các tiêu chí cho vay ở QTDND quá cao đối với thành viên, các tiêu chí thanh tra yêu cầu như đối với các khách hàng của các NHTM.
QTDND chỉ hoạt động trên 1 địa bàn hoặc 1 số địa bàn liền kề với địa bàn chính có trụ sở của Qũy, nên tính ưu việt của QTDND là gần dân, sát dân, biết và hiểu dân hơn trong hoạt động tín dụng so với các NHTM.
Cả thời gian dài chúng ta đều công nhận có QTDND là rất thuận lợi cho người dân tiếp cận vay vốn, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường ca ngợi QTDND cho thành viên vay vốn rất thuận tiện, thủ tục nhanh chóng, thuận lợi. Thế vì sao mà làm được thủ tục vay nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện chính vì gần dân, biết và hiểu dân, đó là điều quan trọng nhất chứ không phải có tài sản lớn, quy mô làm ăn lớn để Qũy cho vay.
Hơn nữa, giá trị các món vay của QTDND nhỏ, đối tượng vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, kỳ hạn vay hầu hết là ngắn hạn nên các tiêu chí quy định về cho vay, sử dụng vốn vay nên thấp hơn các NHTM thì các QTDND mới hoạt động phục vụ được thành viên và thành viên mới tham gia vay tại Qũy.
Ngoài ra, kiến nghị NHNN không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài địa bàn, ngoài thành viên với QTD hoặc nếu có quy định thì chỉ nên quy định một tỷ lệ từ 20 - 30% vốn huy động ngoài địa bàn hoạt động, chứ không nên quy định tỷ lệ huy động vốn ngoài thành viên.

Ông Nguyễn Kim Trường, Giám đốc QTDND Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội)
Chính sách thiếu đồng bộ
Hiện nay có một số chính sách thiếu đồng bộ, như chính sách giao dịch bảo đảm, cho vay phát triển tín dụng nông thôn chưa đồng bộ. Ví dụ như theo Luật Đất đai, người dân được cấp đất thì được vay vốn. Tuy nhiên, hiện quy hoạch đô thị treo hàng chục năm nên Sở Tài nguyên và Môi trường không ký nên không thể có sổ đỏ làm thế chấp bảo đảm được.
QTDND muốn hỗ trợ cho thành viên để kinh doanh mà không được, trong khi tiền huy động thừa đến 10 tỷ đồng.
Không chỉ thế, trong giao dịch bảo đảm đối với người đã mất phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay là rất khó vì có những người đi làm ăn xa thì làm sao lấy được chữ ký. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đối với khu vực nông thôn, các giao dịch này có thể thêm một hình thức nữa là lấy xác nhận của UBND xã để có thể giải quyết những khó khăn đối với trường hợp phát sinh giao dịch này khi có nhiều thành viên ở xa.
Ngoài ra, đối với những người phục vụ trong quân đội, đến khi hết nghĩa vụ đến làm việc tại QTDND thì nên cộng nối bảo hiểm xã hội cho họ, để cho họ không bị mất quãng thời gian đã đóng bảo hiểm trước đó.

Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Liên đoàn HTX CHLB Đức tại Việt Nam (DGRV)

Không nên mở rộng địa bàn khi chưa đủ điều kiện
Từ năm 1953, Luật các TCTD của Đức cho phép các HTXTD/QTDND hoạt động ngoài địa bàn, cho phép kinh doanh ngoài thành viên, kể cả cho vay. Lí do: giao dịch với khách hàng không phải là thành viên, góp phần tăng cường hoạt động kinh doanh cơ bản, đa dạng hóa những sản phẩm tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro.
Không chỉ vậy, đối với QTDND tuy quy mô nhỏ nhưng bản chất là 1 NHTM đa năng, có đầy đủ sản phẩm như các ngân hàng và được kinh doanh mọi lĩnh vực, sản phẩm. Để có được sự hỗ trợ của ngân hàng trung ương thì QTD cơ sở lập ra công ty tài chính.
Việt Nam có thể áp dụng mô hình này một cách linh hoạt. Tuy nhiên, các QTD không nên mở rộng địa bàn hoạt động khi chưa đủ điều kiện. Vì nếu như vậy, NHNN sẽ xếp vào đối tượng rủi ro cao nên sẽ bị thanh tra thường xuyên.
Liên Minh HTX

Các tin liên quan