Vai trò của tổ chức đầu mối còn thể hiện ở việc thành lập nhiều công ty con trực thuộc như: công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm, công quản lý quỹ, công ty quản trị tài sản, công ty chứng khoán...; Tập trung đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ thông tin, làm nền tảng cho công tác quản trị điều hành, quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm dịch vụ cho cả hệ thống.
Đặc biệt, đây là nơi có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tổ chức hệ thống cơ sở vật chất và xây dựng chương trình đào tạo cho cả hệ thống và có quyền tham gia ý kiến về nhân sự chủ chốt của các quỹ cơ sở và các đơn vị thành viên trong hệ thống. Kèm theo đó là nhiệm vụ xây dựng thương hiệu, chiến lược marketing cho cả hệ thống.
Tự chủ để sáng tạo vì cộng đồng
Các quỹ cơ sở tự chủ, kinh doanh đa năng, bắt rễ chặt vào cộng đồng, xã hội, tập trung vào các mối quan hệ dài hạn với khách hàng, coi mình như là một hợp tác xã của khách hàng. Các quỹ cơ sở ký cam kết chung tuân thủ những quy tắc chung trong hoạt động, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Điều đặc biệt quan trọng ở các mô hình phát triển là bảng báo cáo tài chính được hợp nhất toàn hệ thống. Có như vậy, hệ thống mới có khả năng tập hợp được sức mạnh tài chính đủ để đầu tư phát triển công nghệ, sản phẩm chung, đảm bảo an toàn, phản ứng nhanh với các biến đổi của thị trường tài chính trong và ngoài nước, có uy tín cao với các tổ chức xếp hạng tín dụng.
Về cơ chế tham vấn và ra quyết định của tập đoàn: các quỹ cơ sở gần nhau tham gia vào các ủy ban khu vực. Tiếp đó, tại cấp quốc gia hình thành một ủy ban quốc gia, với đại diện tham gia từ các ủy ban khu vực để quyết đáp các vấn đề do các ủy ban khu vực trình lên. Hằng năm, các quỹ cơ sở tham gia đại hội toàn thể để thông qua báo cáo chung và thông qua một số vấn đề do ủy ban quốc gia trình lên và những vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội toàn thể.
Tại quỹ cơ sở, thành viên hội đồng quản trị bao gồm cả những người do đại hội bầu và những chuyên gia thuê ngoài, đảm bảo tính chuyên môn. Tính hợp tác thể hiện ở sự tham gia thực tế của thành viên, dân chủ, sự độc lập của ban kiểm soát.
Về chính sách thành viên, thành viên được hưởng thêm những quyền lợi về sự tham gia, chia sẻ thông tin, thể hiện tính cộng đồng, xã hội, sự ảnh hưởng và kiểm soát đối với hoạt động của quỹ. Tất cả các quỹ cơ sở đều có các tạp chí nội bộ, cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động của quỹ. Thường xuyên tham gia tổ chức các sự kiện của địa phương.
Quỹ cơ sở là các ngân hàng đa năng trên địa bàn, cung cấp nhiều dịch vụ tài chính cho khách hàng: từ những dịch vụ truyền thống đến những dịch vụ đa dạng khác như: cho vay cầm cố, bảo hiểm... Xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng mục tiêu quan trọng cần tập trung.
Đối với khách hàng: quỹ cơ sở xây dựng một mối quan hệ rất chặt chẽ, thường xuyên tham vấn trao đổi, mời khách hàng đến quỹ hoặc đến tận nơi, xác định khách hàng là đối tượng phục vụ để cùng nhau phát triển, coi khách hàng là trọng tâm chứ không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Chính vì vậy đã thu hút được nhiều khách hàng từ ngân hàng khác, vượt qua khủng hoảng và vươn lên phát triển bền vững.
Điều chỉnh để tăng tốc hiệu ứng
Một mô hình tổ chức với những thiết chế nhằm đảm bảo liên kết hệ thống chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng thể mà vẫn tạo điều kiện cho sự năng động, sáng tạo của từng quỹ cơ sở, với vai trò nổi bật của tổ chức đầu mối, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển an toàn hiệu quả của các hệ thống tín dụng hợp tác. Nếu không đảm bảo được các yếu tố này, sự phát triển của mô hình tín dụng hợp tác sẽ rất manh mún và luôn tiềm ẩn những rủi ro hệ thống rất khó kiểm soát, là nỗi đau đầu thường trực cho các nhà quản lý.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển mô hình tín dụng hợp tác, các nước đều phải trải qua những khó khăn, thách thức, các giai đoạn thăng trầm tương đối giống nhau. Do triết lý hoạt động mang tính chất không vì mục tiêu lợi nhuận mà để phục vụ thành viên là chính, việc huy động nguồn vốn của các tổ chức tín dụng hợp tác trong thời gian ban đầu đều rất khó khăn.
Mặt khác, nhận thức chung của cộng đồng, của Nhà nước đối với mô hình tín dụng hợp tác mỗi nơi một khác, chưa rõ nét và nhất quán nên cơ chế quản lý, mô hình tổ chức phải qua rất nhiều điều chỉnh trong quá trình hoạt động để phù hợp với nhu cầu, mức độ phát triển.
Trong dòng chảy tiến trình đó, những năm qua, với nỗ lực của mình, QTDND Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức đầu mối được giao. Đóng góp vào thành công đó, không thể không nhắc đến vai trò của công tác đối ngoại.
Tính từ năm 1996 đến nay, QTDND Trung ương đã ký kết và triển khai gần 20 dự án tài chính, tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật với các tổ chức quốc tế, với tổng số vốn lên đến 2.500 tỷ đồng. Nổi bật trong số đó là các dự án với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan phát triển quốc tế Desjardins của Canada (DID), Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ), Tổ chức hợp tác kỹ thuật Tây Ban Nha (CODESPA), Rabobank (Hà Lan), Tổ chức liên Chính phủ cộng đồng Pháp ngữ (AIF)…
Từ năm 2003, QTDND Trung ương đã tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội các liên đoàn tín dụng hợp tác châu Á (ACCU) và thường xuyên học hỏi trao đổi kinh nghiệm với các liên đoàn tín dụng hợp tác của các nước thành viên khác của ACCU trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippine, Đài Loan, Srilanka, Bangladesh...
QTDND Trung ương đã được Diễn đàn thượng đỉnh về Tín dụng vi mô (MicroCredit Summit Campaign), một tổ chức thành viên của Liên Hiệp quốc ghi nhận là một hệ thống đang đóng góp rất tích cực vào việc thực hiện chiến lược thiên niên kỷ về chống đói nghèo. Hệ thống QTDND Việt Nam đã có tên trên bản đồ các hệ thống tổ chức tài chính hợp tác lớn trên thế giới và đã được nhiều tổ chức lớn của quốc tế lựa chọn là điển hình để nghiên cứu nhân rộng.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước đây của QTDND Trung ương, Ngân hàng Hợp tác Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tích cực các dự án đang triển khai ở trên, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức tài chính, kỹ thuật quốc tế để nâng cao năng lực thể chế, phát triển sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức và tăng nguồn vốn tín dụng trung dài hạn khác về cho hệ thống QTDND.
Để đạt được mục tiêu trên, Ngân hàng Hợp tác Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các cơ quan Bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước.
Hy vọng rằng, với tinh thần và quyết tâm cao nhất, giai đoạn tới đây sẽ là một giai đoạn phát triển thăng hoa của cả hệ thống QTDND Việt Nam, góp phần tích cực vào quá trình phát triển Nông nghiệp Nông thôn của Đảng và Chính phủ.