Sự phát triển của công nghệ cao trong làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp ngành ngân hàng phát triển những kênh phân phối dịch vụ hiện đại với xu hướng ngân hàng không chi nhánh. Theo đó, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ một cách thuận tiện mà không cần phải đến chi nhánh ngân hàng truyền thống. Với xu thế phát triển đó, trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên thế giới đã phát triển mạnh một mô hình ngân hàng không chi nhánh trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, gọi là đại lý ngân hàng. Đây là kênh phân phối mang tính đổi mới, giúp mở rộng sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng. Hoạt động đại lý ngân hàng được coi là sáng kiến nổi bật nhất cho việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện ở các quốc gia.
1. Sơ lược về mô hình ngân hàng đại lý
Một cách khái quát, hoạt động đại lý ngân hàng là việc cung ứng dịch vụ tài chính cho khách hàng bởi một đối tác thứ ba thay mặt cho tổ chức nhận tiền gửi hoặc/và tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động được cấp phép.
Thông qua đại lý, thường là các cửa hàng tạp hóa, cửa hiệu thuốc, bưu điện, cửa hàng bán lẻ xăng dầu... các dịch vụ ngân hàng cơ bản như thanh toán hóa đơn, rút tiền, chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm được cung cấp tới người dân một cách thuận tiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những nơi không có chi nhánh ngân hàng thương mại.
· Các mô hình ngân hàng đại lý:
Hiện nay trên thế giới, tồn tại hai loại mô hình ngân hàng đại lý: (i) mô hình ngân hàng làm chủ; và (ii) mô hình phi ngân hàng làm chủ.
(i) Mô hình ngân hàng làm chủ:
Một tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động mà điển hình là ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ tài chính thông qua một đại lý. Điều này có nghĩa là ngân hàng sẽ phát triển và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính nhưng phân phối chúng qua các đại lý. Ngân hàng vẫn là bên cung cấp dịch vụ tài chính, đồng thời là bên quản lý, duy trì tài khoản của khách hàng.
Đại lý sẽ giao dịch trực tiếp với khách hàng, bao gồm thực hiện chức năng nhận tiền - ứng tiền mặt cho khách hàng. Điều này tương tự như giao dịch viên tại chi nhánh ngân hàng. Đại lý còn có thể giải quyết cả quá trình mở tài khoản, thậm chỉ thẩm định và cung cấp dịch vụ vay vốn cho khách hàng.
Mỗi đại lý phải được trang bị một số thiết bị và hạ tầng công nghệ cần thiết để kết nối trực tiếp với ngân hàng khi tiến hành các giao dịch tài chính. Các trang thiết bị điện tử này thường là: máy chấp nhận thẻ POS kết nối với hệ thống máy chủ (hệ thống core banking) của ngân hàng chủ quản, máy đọc mã vạch, máy tính, điện thoại di động.
(ii) Mô hình phi ngân hàng làm chủ:
Đối với mô hình này, tổ chức chủ quản đại lý là một tổ chức vận hành mạng viễn thông/ điện thoại di động và thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tiền điện tử của khách hàng thay vì tài khoản ngân hàng. Các tổ chức phi ngân hàng này phải mở tài khoản tại ngân hàng và duy trì số dư tổng bằng với số tiền khách hàng ký quỹ để thực hiện giao dịch.
· Ưu, nhược điểm của đại lý ngân hàng:
(i) Ưu điểm:
Mô hình đại lý ngân hàng mang lại nhiều lợi ích lớn đối với ngân hàng, khách hàng và bản thân đại lý
Chi phí thành lập và hoạt động của kênh đại lý thấp hơn rất nhiều so với kênh chi nhánh truyền thống. Việc thành lập một đại lý chỉ tốn từ 2% đến 4% chi phí của một chi nhánh ngân hàng. Đại lý cũng có chi phí hoạt động thấp hơn (khoảng 3 lần) so với kênh chi nhánh ngân hàng do giảm thiểu các chi phí cố định.
Tăng cơ hội tiếp cận, tăng tần suất sử dụng các dịch vụ ngân hàng của khách hàng hiện có và khách hàng mới, từ đó làm tăng cơ sở khách hàng và doanh thu cho ngân hàng.
Các đại lý được hưởng thu nhập từ hoa hồng khi thực hiện những giao dịch tài chính thay cho ngân hàng. Đồng thời, họ có thể đạt doanh thu và thu nhập cao hơn từ hoạt động bình thường của mình do lượng khách hàng đến với cơ sở nhiều hơn khi trở thành đại lý của ngân hàng.
Ở góc độ quốc gia, đại lý ngân hàng là cách thức hiệu quả để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
(ii) Nhược điểm:
Rủi ro từ đại lý bán lẻ trong mô hình ngân hàng làm chủ, do thiếu cơ sở vật chất về an ninh, nhân viên không có trình độ chuyên môn chuyên sâu. Rủi ro từ đại lý bán lẻ có thể bao gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro thanh khoản, rủi ro danh tiếng.
Rủi ro tiền điện tử trong mô hình phí ngân hàng làm chủ
2. Thực tiễn phát triển mô hình Ngân hàng đại lý tại Việt Nam trong thời gian qua
Cho tới nay, Việt Nam đã có ba mô hình đại lý ngân hàng được triển khai và đi vào hoạt động. Cụ thể, MB kết hợp với Viettel: các dịch vụ được thực hiện gồm nộp tiền vào tài khoản mở tại MB hoặc tại các ngân hàng khác; rút tiền từ tài khoản của khách hàng mở tại MB; chuyển khoản cho tài khoản mở tại MB hoặc tại ngân hàng khác; chuyển tiền cho người nhận bằng CMTND/Thẻ căn cước.
PG Bank và Petrolimex: PG Bank hợp tác sử dụng mạng lưới các xí nghiệp, chi nhánh và công ty xăng dầu thành viên của Petrolimex cung ứng dịch vụ chuyển tiền cho người nhận chưa có tài khoản tại PG Bank (bằng CMTND/Hộ chiếu) và chuyển tiền cho người nhận có tài khoản tại PG Bank (nộp tiền vào tài khoản của người nhận mở tại PG Bank).
Vietcombank và M_Service: triển khai dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ dựa trên nền tảng Ví điện tử MoMo.
Kết quả triển khai 3 mô hình thí điểm như sau: Tính đến cuối năm 2017, số điểm cung cấp dịch vụ của cả 3 mô hình đạt 32.185 điểm, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Số lượng khách háng đạt hơn 6 triệu người, tăng hơn 8 lần so với năm 2015, trong đó lượng khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm gần 60% tổng số khách hàng.Tổng số lượng giao dịch đạt hơn 11 triệu giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 81 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các mô hình thí điểm đã có bước phát triển đột phá với tốc độ tăng rất cao, đóng vai trò quan trọng giúp người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
3. Cơ hội, thách thức và hướng đi của các QTDND trong bối cảnh phát triển của mô hình ngân hàng đại lý
Ở Việt Nam, mô hình này có tiềm năng để phát triển tốt vì các lý do sau:
-Mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam thấp so với thế giới: Chỉ có 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng trong khi trung bình toàn thế giới là 62% (số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2015). Trong đó, chỉ có 19% người ở vùng nông thôn có tài khoản ngân hàng.
- Số lượng điểm giao dịch của các ngân hàng ở các vùng nông thôn còn ít: Có tới 70% lao động làm việc về nông nghiệp và 80% dân số sống ở các vùng nông thôn trong khi đó chỉ có 10% tổng số xã nông thôn có điểm giao dịch NHTM, chiếm khoảng 10% trong tổng số điểm giao dịch trên cả nước.
- Ngoài ra Chính phủ có nhiều Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó khuyến khích ngân hàng đẩy mạnh hoạt động ở các vùng nông thôn.
Như vậy với xu hướng phát triển mô hình ngân hàng đại lý tại Việt Nam trong tương lai sẽ đặt các QTDND trước những thách thức không nhỏ. Nếu như trước đây các QTDND tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gặp ít áp lực cạnh tranh từ các NHTM thì mô hình ngân hàng đại lý sẽ tạo điều kiện để các NHTM vươn cánh tay nối dài, phủ sóng dịch vụ tài chính đến với khách hàng với chi phí thấp. Nhiều đại lý ngân hàng thông qua các cửa hàng tạp hóa, cây xăng, quầy thuốc... sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngay trên địa bàn của các QTDND.
Trước làn sóng cạnh tranh từ sự phát triển của mô hình ngân hàng đại lý, bản thân các QTDND phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp và hướng đi phù hợp. Có rất nhiều giải pháp có thể được xem xét, tuy nhiên tựu trung lại sẽ có 2 nhóm giải pháp mà các QTDND có thể áp dụng:
Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng đối phó với các đối thủ cạnh tranh, cụ thể:
+ Hiện đại hóa công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Trong đó đặc biệt chú trọng đến khả năng quảng bá sản phẩm, chủ động tiếp cận và tạo sự thuận tiện cho khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ như website, mạng xã hội, các tiện ích trên điện thoại di động.
+ Đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Tiến đến cung cấp trọn gói dịch vụ tài chính cho khách hàng chứ không chỉ dừng lại ở các sản phẩm truyền thống như tín dụng và tiết kiệm.
+ Có chiến lược tiếp cận và cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Đây là thế hệ khách hàng có nhiều đặc điểm mới về nhu cầu, sở thích rất khác với khách hàng truyền thống tại các QTDND.
Hai là, trở thành một đối tác trong làn sóng ngân hàng đại lý.
Việc cạnh tranh trực tiếp với các NHTM và công ty tài chính theo hướng đi thứ nhất sẽ đòi hỏi các QTDND đầu tư rất nhiều về nguồn vốn, công nghệ, nhân lực. Đây là một thách thức rất lớn đối với các QTDND, đặc biệt là với các QTDND có quy mô nhỏ. Do vậy, QTDND hoàn toàn có thể chuyển từ trạng thái đối thủ sang đối tác, có nghĩa là trở thành đại lý cho một số dịch vụ của NHTM. Việc trở thành đại lý của các NHTM đối với các QTDND là hoàn toàn có tính khả thi xét trên góc đối pháp lý và lợi ích kinh tế.
Về khía cạnh pháp lý:
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và đang xây dựng Thông tư quy định về việc làm đại lý của các TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (NHNNg). Trong quá trình góp ý để xây dựng thông tư, Cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN đã phân tích rất kỹ về hiệu quả và tính khả thi trong việc làm đại lý của các QTDND và Ngân hàng HTX Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 106, Điều 118 và Điều 123 Luật các TCTD thì ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh NHNNg “được làm đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Khoản 12 Điều 4 Luật các TCTD 2010 quy định về hoạt động ngân hàng gồm: Nhận tiền gửi, Cấp tín dụng và Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Trong đó, nhận tiền gửi và cấp tín dụng là hai nghiệp vụ đặc thù mà chỉ TCTD, chi nhánh NHNNg được thực hiện, do đó không phát sinh việc làm đại lý đối với các hoạt động này. Trường hợp phát sinh việc nhờ TCTD, chi nhánh NHNNg thực hiện cấp tín dụng thì sẽ mang tính chất của hoạt động ủy thác đã được quy định tại Thông tư 30/2014/TT-NHNN ngày 06/11/2014 quy định về ủy thác và nhận ủy thác của TCTD, chi nhánh NHNNg. Vì vậy, việc thực hiện đại lý chỉ còn phát sinh từ hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.
Đối với Quỹ tín dụng nhân dân: Mục tiêu chủ yếu của Quỹ tín dụng nhân dân là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của các thành viên nên quy mô hoạt động còn nhỏ, trình độ quản lý, công nghệ thông tin hạn chế, do đó, việc làm đại lý trong các hoạt động đòi hỏi trình độ công nghệ, quản lý hiện đại như chuyển tiền, phát hành thẻ là chưa khả thi.
Đối với Ngân hàng Hợp tác xã: Khoản 2 Điều 117 Luật các TCTD quy định hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã: “Ngân hàng hợp tác xã được thực hiện một số hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.” Do đó, trong trường hợp ngân hàng Hợp tác xã được NHNN chấp thuận bằng văn bản việc làm đại lý (một trong số các hoạt động kinh doanh khác theo quy định tại mục 2 Chương IV của Luật các TCTD) thì Ngân hàng Hợp tác xã được làm đại lý theo các quy định tại Dự thảo Thông tư. Hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã chủ yếu là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với thành viên là các Quỹ tín dụng nhân dân nên Dự thảo Thông tư quy định việc làm đại lý của Ngân hàng Hợp tác xã tương tự việc làm đại lý của Quỹ tín dụng nhân dân.
Trên cơ sở rà soát các quy định tại Luật các TCTD, các văn bản hướng dẫn Luật có liên quan về đại lý và thực tế, mục tiêu hoạt động của từng loại hình TCTD, chi nhánh NHNNg, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể việc làm đại lý như sau:
- Ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNNg được làm đại lý đối với các hoạt động sau: Chuyển tiền; Thu hộ; Phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác; Phát hành thẻ và Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
- Công ty tài chính được làm đại lý đối với các hoạt động sau: Phát hành trái phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác và Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
- Công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
- Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân được làm đại lý đối với các hoạt động sau: Thu hộ và Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ.
Như vậy theo quy định dự thảo thông tư thì QTDND chỉ được làm đại lý trong phạm vi nghiệp vụ tương đối hẹp, bao gồm: Thu hộ và Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, xét trong thực tế với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc QTDND làm đại lý cho dịch vụ thanh toán của ngân hàng cũng không phải là vấn đề quá phức tạp. Kinh nghiệm phát triển mạng lưới đại lý ngân hàng tại Malaysia cho thấy ngay cả những quầy tạp hóa, cửa hàng bán lẻ cũng hoàn toàn trở thể đại lý cho nhiều dịch vụ của ngân hàng. Mỗi một cửa hàng bán lẻ hay đại lý sẽ được cấp một máy POS kết nối trực tuyến thời gian thực với hệ thống quản lý trung tâm (back-end system) của tổ chức tài chính. Thiết bị này cho phép đại lý có thể thay mặt tổ chức tài chính cung ứng cho khách hàng những dịch vụ tài chính cơ bản như mở tài khoản tiết kiệm, gửi hoặc rút tiền, thanh toán hóa đơn hoặc khoản vay, chuyển tiền nội địa, v.v… Vì vậy, với khả năng cơ sở vật chất và trình độ nhân viên, các QTDND có thể thực hiện tốt và đầy đủ các chức năng của đại lý ngân hàng khi cơ quan quản lý nhà nước tin tưởng và cho phép.
Về khía cạnh kinh tế:
Việc tham gia làm đại lý cho các ngân hàng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các QTDND, cụ thể là:
- Giúp cho các QTDND có thêm thu nhập từ hoa hồng đại lý.
- Có thêm các sản phẩm, dịch vụ để có thể từng bước phục vụ trọn gói nhu cầu tài chính của khách hàng
- Tạo điều kiện cho nhân viên tiếp cận, học hỏi về việc triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
- Giảm áp lực cạnh tranh từ các NHTM và đại lý thông qua cửa hàng bán lẻ tại địa phương.
Mô hình ngân hàng đại lý là một xu hướng phát triển tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới. Việc lựa chọn hướng đi của QTDND trong bối cảnh phát triển mô hình ngân hàng đại lý nói riêng và sự gia tăng áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trên thị trường tài chính nói chung là tùy thuộc vào đặc thù về nguồn lực của QTDND, đặc điểm văn hóa – xã hội tại địa phương và nhận thức của bản thân mỗi QTDND. Với nhu cầu tài chính ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở vùng sâu vùng xa, dự kiến trong tương lai ngắn sẽ chứng kiến sự phát triển nở rộ của mô hình ngân hàng đại lý tại Việt Nam.
Bài viết chỉ phân tích và đề xuất những giải pháp mang tính chất tham khảo, gợi ý cho các QTDND về cơ hội, thách thức, và hướng phát triển của QTDND trong xu thế phát triển mô hình ngân hàng đại lý.
Tác giả: NCS. Trần Thanh Long – Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Bồi dưỡng, Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên
Tài liệu tham khảo:
- Vũ Thị Hải Yến, “Mô hình đại lý ngân hàng: thực tiễn quốc tế và những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng số 24, Tháng 12/2018.
- Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, “Bản thuyết minh Thông tư quy định về việc làm đại lý của TCTD, chi nhánh NHNNg”
Trần Thanh Long13.11.2024
30.10.2024