Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch, Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) sẽ mua từ 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu của các TCTD trên địa bàn. Theo đó, thành phố đã yêu cầu các NHTM tổng hợp hồ sơ đủ điều kiện bán nợ thuận lợi và nhanh nhất có thể để sớm tháo gỡ khó khăn.
Trong một diễn biến khác, Chủ tịch HĐQT VAMC - Nguyễn Quốc Hùng mới đây cho báo chí biết, công ty này đã mua 11.414 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD trong 6 tháng qua, nâng tổng số nợ xấu đã mua của cơ quan này lên 50.721 tỷ đồng. Ông Hùng còn cho biết, công ty này đang chuẩn bị ký hợp đồng mua 1.200 tỷ đồng nợ xấu của VietinBank và tổng giá trị trái phiếu đặc biệt vào khoảng 900 tỷ đồng. Đồng thời, VAMC đã bán và thu hồi được nợ là 996 tỷ đồng, công ty tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các TCTD gồm 112 khách hàng với số tiền là 9.071 tỷ đồng.
Lúc này, các nhà đầu tư bắt đầu nghĩ đến thị trường mua bán nợ xấu thứ cấp, sau khi VAMC đã mua một khối lượng nợ xấu của các TCTD. Điểm đáng chú ý trong thời gian qua là chủ trương bán nợ xấu cho NĐT nước ngoài đã được khởi động. Theo đó, VAMC đã và đang xem xét ký nhiều hợp đồng tư vấn với một số tổ chức đầu tư nước ngoài. Trong đó, 2 công ty đã tiến hành khảo sát thực tế để tính tới khả năng sẽ mua lại nợ.
Dự kiến, trong quý III/2014, những khoản nợ đầu tiên sẽ được bán ra. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các NĐT, VAMC đã lên danh mục 10 tài sản đảm bảo với tổng giá trị 7.800 tỷ đồng. Đó là các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, bệnh viện, nhà xưởng, khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Hải Dương…
Rõ ràng, trong tất cả những giải pháp giải quyết thực chất các khoản nợ xấu thì VAMC đã có nhiều biện pháp chủ động đặt vấn đề tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế, các đơn vị mua nợ của nước ngoài có mong muốn mua nợ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy nhanh tiến trình giải tỏa nợ xấu của VAMC vẫn còn một số rào cản. Cụ thể: các tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu phần lớn là BĐS, trong khi Luật Đất đai sửa đổi chưa thống nhất trong việc cho người nước ngoài quyền sở hữu nhà đi kèm với quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, các ngân hàng có nợ xấu bán cho VAMC vẫn lo ngại nếu không thanh khoản được các tài sản gắn với nợ xấu thì khoản nợ chỉ như “dây thun kéo giãn ra”. Giới đầu tư hiện đang mong muốn có một thị trường mua bán tài sản gắn với nợ xấu có sự tham gia của NĐT nước ngoài. Bởi chỉ có nguồn tài chính “thực và mới” thì mới có thể nhanh chóng giải quyết thực chất khoản nợ xấu còn đang tồn đọng trong các bảng kế toán.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để đưa hai đạo luật đất đai và đấu thầu mới vào thực tế cần chờ hệ thống văn bản hướng dẫn. Chẳng hạn, những quy định chi tiết về đất đai cần có phương pháp định giá, khung giá, bảng giá, tư vấn xác định giá đất. Song song đó là các quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và một số quy định khác về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất, quản lý nhà tái định cư, thế chấp nhà ở hình thành tương lai…
“Ai cũng nhìn rõ là nguồn lực để xử lý nợ rất hạn chế. Việc cho phép các NĐT nước ngoài tham gia mua bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp một phần đẩy nhanh tiến độ mua, bán nợ. Mặt khác, có NĐT nước ngoài mang tính chuyên nghiệp cao tham gia vào thị trường mua bán nợ sẽ góp phần tạo dựng, phát triển thị trường”, ông Võ Trí Thành nhìn nhận. Theo ông Thành, có thể nói, yếu tố cho phép người nước ngoài sở hữu nhà gắn liền với đất sẽ quyết định đến hiệu quả xử lý nợ xấu.
Thế nhưng, vẫn đang có một luồng quan điểm khác cho rằng, giới đầu tư nhòm ngó vào số tài sản xấu đang nằm trong “kho” của VAMC có thể họ sẽ mua ngay bán ngay để không vướng vào giới hạn quy định quyền sở hữu đất. Đây có thể là một “điểm mở” tạo ra thanh khoản cho các khoản nợ xấu mà chưa cần phải có quy định cho phép NĐT nước ngoài được quyền sở hữu các mảnh đất ở các đô thị lớn đang là tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu của các ngân hàng?.
Toàn văn Luật đất đai 2013. Click vào đây