05.07.2007 16:55

Lãnh đạo Hiệp hội, QTDTW tọa đàm trực tiếp với các Quỹ tín dụng nhân dân Thành phố Yên Bái - Tỉnh Yên Bái.

Ngày 29/6/2007 tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Tỉnh Yên Bái, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Việt Nam, Quỹ tín dụng Trung ương (QTDTW) cùng phối hợp với NHNN Yên Bái tổ chức buổi “Tọa đàm với các Quỹ tín dụng nhân dân Tỉnh Yên Bái” về: công tác điều hòa vốn của QTDTW; hoạt động hỗ trợ các QTDND của Hiệp hội QTDND Việt Nam đối với Hệ thống QTDND.

Tham dự buổi tọa đàm gồm có các đơn vị:

- Chi nhánh NHNN: Đ/c Phan Ngọc Chỉnh - Giám đốc, các đ/c Phó Giám đốc, Trưởng phó các phòng ban, chuyên viên Chi nhánh NHNN Yên Bái.
- Liên Minh HTX Tỉnh Yên Bái: Đ/c Đào Duy Vượng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.
- Hiệp Hội QTDND Việt Nam: Đ/c Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch, Đ/c Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư Ký Hiệp hội và đ/c Trưởng Ban Kiểm tra.
- QTDTW: Đ/c Hoàng Đình Cầu - Chủ tịch HĐQT, Đ/c Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc, Đ/c Nguyễn Đức Dũng – Phó Tổng Giám đốc cùng các đ/c trưởng các phòng ban Hội sở QTDTW.
- Chi nhánh QTDTW Phú Thọ: Đ/c Trần Quốc Bình - Giám đốc Chi nhánh và chuyên viên.
- QTDND cơ sở: 05 đồng chí là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành của 05 QTDND hoạt động trên địa bàn Thành phố Yên Bái.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng Giám đốc QTDTW khai mạc buổi tọa đàm, đ/c nhấn mạnh về công tác điều hòa vốn của QTDTW đối với các QTDND nói chung và các QTDND của Tỉnh miền núi Yên Bái nói riêng là hết sức quan trọng, sự an toàn của hệ thống phải được đảm bảo, đặc biệt là hỗ trợ về khả năng thanh toán, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động cần có sự trao đổi và có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Tiếp theo, đ/c Trần Quốc Bình - Giám đốc điều hành Chi nhánh Phú Thọ, đơn vị thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn cho các QTDND của Tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang báo cáo tình hình điều hòa vốn trên địa bàn của Chi nhánh. Theo báo cáo, việc điều hòa vốn cho các QTDND trên địa bàn được Chi nhánh Phú Thọ thực hiện rất tốt, mọi nhu cầu vay vốn đặc biệt là đảm bảo khả năng chi trả được Chi nhánh đáp ứng đầy đủ, đảm bảo chế độ quy định và không phải khất hoãn bất kỳ món vay nào của các QTDND.

Tiếp theo chương trình, ông Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hiệp hội QTDND Việt Nam năm 2006, tổng kết những công việc đã thực hiện được và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức, khắc phục khó khăn tồn tại để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của các QTDND đang quan tâm như: đào tạo nguồn nhân lực, bổ trợ kiến thức cho cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, triển khai phần mềm giao dịch bán lẻ (BMS-PCFs)…

Tiếp theo, các đại biểu có mặt tại buổi tọa đàm được nghe trực tiếp các đồng chí Giám đốc QTDND báo cáo khái quát tình hình hoạt động tại Quỹ, phản ánh những khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của QTDND và những đề xuất, cụ thể: 

  1. Công tác điều hòa vốn: các ý kiến đều đánh giá rằng, từ những năm 2005 về trước tính liên kết hệ thống chưa được chặt chẽ, việc vay vốn của QTDND từ QTDTW gặp rất nhiều khó khăn, thời gian thực hiện được một món vay lâu do tỉnh Yên Bái cách xa Chi nhánh QTDTW Phú Thọ nên việc chuyển tiền chậm, chi phí chuyển tiền cao. Từ năm 2006 trở lại đây, việc điều hòa vốn ổn định hơn, sự hỗ trợ về vốn từ QTDTW kịp thời nhất là việc chi trả đã tạo nên sự ổn định, chủ động trong kinh doanh của QTDND, tính liên kết hệ thống gắn bó chặt chẽ hơn, vị thế hoạt động của các QTDND được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn nữa cho việc điều hòa vốn trong hệ thống và tiếp cận nhanh chóng các nguồn vốn từ QTDTW, các QTDND của Tỉnh Yên Bái đề xuất với NHNN tỉnh và QTDTW tạo điều kiện thành lập Chi nhánh QTDTW tại Yên Bái nhằm sử dụng vốn đạt hiệu quả cao hơn, tiết giảm được chi phí cho các QTDND. 
                     Chủ tịch Hội đồng quản trị QTD Hồng Hà
                        tham gia ý kiến trong buổi tọa đàm
  2. Việc thành lập và tham gia Quỹ an toàn hệ thống tại Yên Bái: tại buổi tọa đàm các đồng chí Giám đốc các QTDND đều nhận thấy rằng việc Hệ thống có một Quỹ an toàn riêng là hết sức cần thiết, tạo nên sự an toàn trong hoạt động cho các QTDND tỉnh Yên Bái nói chung và của cả hệ thống nói riêng. Các QTDND tỉnh Yên Bái đồng tình kiến nghị với NHNN và QTDTW cho phép các QTDND của Tỉnh Yên Bái được tham gia đóng góp và thành lập Quỹ an toàn hệ thống.

  3. Đối với Hiệp hội QTDND: các ý kiến cho rằng Hệ thống QTDND chưa có đơn vị chủ quản rõ ràng, còn phụ thuộc rất nhiều vào NHNN đặc biệt là về đào tạo cơ chế nghiệp vụ. Hiệp hội QTDND đã ra đời nhưng hoạt động của Hiệp hội chưa thật rõ nét và chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các QTDND như: nhu cầu đào tạo cán bộ, bổ trợ kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn, ứng dụng hệ thống phần mềm giao dịch chung cho hệ thống để cải tiến phương thức giao dịch thủ công như hiện nay đồng thời tạo điều kiện cho các QTDND được tiếp xúc với các mô hình công nghệ mới và mở rộng sản phẩm dịch vụ Ngân hàng do công nghệ mang lại…qua buổi tọa đàm này, các QTDND mong muốn Hiệp hội sớm tổ chức các lớp đào tạo cán bộ hệ Đại học tại chức nhằm thực hiện chuẩn hóa cán bộ quản lý theo yêu cầu của NHNN; đồng thời đề nghị Hiệp hội sớm triển khai phần mềm ngân hàng bán lẻ BMS-PCFs cho các QTDND bởi các QTD đang mong chờ hệ thống có một chương trình giao dịch riêng, đáp ứng được nhu cầu quản lý, giao dịch thuận lợi và phục vụ tốt cho công tác thông tin báo cáo…thay thế phương pháp giao dịch, quản lý thủ công như hiện nay.

  - Bên cạnh việc đào tạo nghiệp vụ, các QTDND cũng mong muốn Hệ thống QTDND có riêng một bộ Luật dành cho hoạt động của QTDND bởi như cơ chế hiện nay hoạt động của QTDND đang chịu sự chi phối bởi 2 Luật: “Luật các Tổ chức tín dụng” và “ Luật Hợp tác xã” tuy nhiên việc khuyến khích phát triển theo mô hình Hợp tác xã là chưa nhiều, chính sách thuế áp dụng cho QTDND theo “Luật Doanh nghiệp” đã gây khó khăn cho QTDND trong việc tích lũy tài chính và các thành viên QTDND vẫn phải chịu khoản chi phí cao do cơ chế đưa đến. Qua đây, các QTDND kiến nghị với Liên minh HTX, NHNN tỉnh, Hiệp hội QTDND Việt Nam có tiếng nói đề xuất với Quốc hội xem xét xây dựng “Luật QTDND” và đề xuất với Bộ Tài Chính có chính sách giảm thuế cho hệ thống QTDND ở mức 10% là hợp lý so với mức 28% như hiện nay.

  - Các QTDND hiện nay chưa có một thang bảng lương thống nhất để chi trả cho cán bộ nhân viên, việc áp dụng chi trả lương mỗi Quỹ thực hiện theo nhiều cách khác nhau và chưa thật hợp lý với tính chất hoạt động. Các QTDND đề xuất với Hiệp hội nhanh chóng nghiên cứu và xây dựng hệ thống thang bảng lương áp dụng cho hệ thống QTDND để QTDND có cơ sở thực hiện.

  4.  Đối với NHNN: các QTDND hiện nay hoạt động đã đi vào nề nếp, trình độ quản lý cũng như năng lực chuyên môn được nâng cao, quy mô hoạt động còn nhỏ bé… các QTDND kiến nghị với NHNN cho phép mở rộng địa bàn hoạt động nhằm tăng cường công tác huy động vốn và tăng trưởng quy mô hoạt động được lớn mạnh hơn.

     Ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội – Tổng Giám đốc QTDTW
                       giải đáp những vấn đề đại biểu đưa ra
Thay mặt Hiệp hội QTDND Việt Nam và QTDTW, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội - Tổng Giám đốc QTDTW cám ơn sự nhiệt tình tham gia góp ý của các đại biểu, ông cho rằng các câu hỏi đó rất thực tế với hoạt động của QTDND trong thời kỳ hội nhập và sự cạnh tranh mãnh liệt của các Ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, đồng thời ông giải đáp từng vấn đề mà đại biểu đưa ra và giao công việc cụ thể cho từng đơn vị thực hiện:

  a- Đối với Hiệp hội QTDND Việt Nam:

   - Triển khai mở các lớp đào tạo cơ bản: Trung cấp và Đại học đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa cán bộ theo quy định của ngân hàng nhà nước. Đồng thời tăng cường, bổ trợ kiến thức pháp luật cho các QTDND trong thời kỳ hội nhập.
   - Đẩy mạnh các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức về công tác điều hành, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ QTDND

   - Triển khai nhân rộng phần mềm BMS-PCFSs đến các QTDND hội viên nhằm thống nhất phần mềm giao dịch chung cho toàn hệ thống, đáp ứng được nhu cầu giao dịch, quản lý,  thông tin báo cáo… ứng dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng qua phần mềm tạo nên thương hiệu hoạt động của Hệ thống QTDND.

   - Có phương án phối hợp với QTDTW và các cơ quan chức năng đề xuất lên Quốc hội dự thảo Luật cho QTDND và có chính sách giảm thuế cho QTDND hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận…

   - Xây dựng quy chế mẫu tiền lương áp dụng cho cán bộ công tác trong hệ thống QTDND, ấn chỉ giao dịch chung cho hệ thống, thẻ hội viên, chính sách bảo hiểm xã hội….

  b- Đối với QTDTW:

   - Nghiên cứu và đưa ra phương án phù hợp với khả năng tài chính của QTDTW để mở Chi nhánh QTDTW tại Yên Bái hoặc Phòng giao dịch nhằm giúp các QTDND trên địa bàn thuận lợi trong việc giao dịch với QTDTW.
  
   - Đề xuất với NHNN tỉnh cho phép các QTDND có đủ điều kiện được mở rộng địa bàn hoạt động nhằm tăng trưởng quy mô hoạt động và đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành viên.

Kết thúc buổi tọa đàm ông Phan Ngọc Chỉnh - Giám đốc NHNN Tỉnh Yên Bái đã cám ơn Hiệp hội QTDND Việt Nam, QTDTW đã tổ chức một buổi tọa đàm thật hữu ích cho hoạt động của các QTDND tỉnh Yên Bái, qua đây giúp cho các QTDND nắm bắt được chủ trương, định hướng hoạt động, giúp các Quỹ nhận thấy được sự liên kết của Hệ thống, yên tâm trong hoạt động kinh doanh, ông nhấn mạnh: 100% các QTDND của Yên Bái tham gia hội viên Hiệp hội và là thành viên của QTDTW, dưới sự quản lý và giám sát của NHNN, các QTDND tỉnh Yên Bái đang hoạt động an toàn, hiệu quả, có những Quỹ sau thời gian chấn chỉnh đến nay đã quay trở lại hoạt động bình thường và đang phát huy tốt nhiệm vụ chính trị của mình góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ thành viên có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Nhân buổi tọa đàm nay, ông bày tỏ quan điểm và đưa ra một số kiến nghị với Hiệp hội và QTDTW những vấn đề sau:

   + NHNN Yên Bái sẽ xem xét cụ thể về trình độ, năng lực quản lý, phương án mở rộng địa bàn của từng QTDND… nếu thấy khả thi sẽ thực hiện cho phép việc mở rộng địa bàn hoạt động của các QTDND nhưng sẽ  kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.


   + Kiến nghị với Hiệp hội QTDND Việt Nam mở các lớp đào tạo cán bộ nghiệp vụ, đào tạo cán bộ quản lý theo 2 hình thức: đào tạo nghiệp vụ cơ bản qua các lớp Trung cấp hoặc Đại học tại chức, đào tạo kỹ năng quản lý cho cán bộ thực hiện công tác quản lý thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của NHNN. Khi chiêu sinh, phối hợp với NHNN Tỉnh Yên Bái cùng tổ chức, quản lý lớp học. Đồng thời nhanh chóng triển khai đến các QTDND phần mềm Ngân hàng bán lẻ của Hệ thống để giúp các QTDND có được phần mềm giao dịch thống nhất, tăng năng lực quản lý, thuận lợi cho việc thông tin báo cáo, từng bước ứng dụng sản phẩm dịch vụ Ngân hàng góp phần nâng cao thương hiệu của Hệ thống QTDND.

   + Kiến nghị với QTDTW: nghiên cứu cho thành lập Chi nhánh QTDTW tại Yên Bái để các QTDND tiếp cận với nguồn vốn vay được thuận lợi hơn, tăng cường thêm các nguồn vốn trung - dài hạn cho các QTDND, tăng cường công tác kiểm tra sử dụng vốn, cùng với NHNN giúp cho các QTDND sử dụng vốn an toàn hiệu quả, hoạt động an toàn và bền vững.
          Ông Phan Ngọc Chỉnh – Giám đốc NHNN Tỉnh Yên Bái
                         phát biểu kết thúc buổi tọa đàm
Buổi Tọa đàm đạt được kết quả thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến tham gia thiết thực đến hoạt động của hệ thống, các QTDND tỉnh Yên Bái đang kỳ vọng vào một Hệ thống không ngừng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập nền kinh tế Thế giới. Tuy nhiên quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn đòi hỏi các nhà quản lý, kinh doanh có bước đi, định hướng phát triển thích hợp bên cạnh sự Quản lý nhà nước của NHNN, sự cung ứng kịp thời về vốn của QTDTW và tính liên kết hệ thống vững chắc mà đầu mối chung của hệ thống là Hiệp hội QTDND VIệt Nam.
Hồng Trường

Các tin liên quan