20.11.2009 14:32

Lãi suất 9,85% cho tất cả các kỳ hạn 1 – 36 tháng!

 
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động VND có xu hướng tăng do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng mạnh và sự dịch chuyển vốn từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư kinh doanh chứng khoán và tài sản khác. 

Diễn biến mới trong loạt điều chỉnh lãi suất huy động VND hiện nay là việc áp mức 9,85%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 – 36 tháng.

Đây là chính sách lãi suất của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank), bắt đầu áp dụng từ ngày 19/11 này.

Như vậy, khái niệm “đường cong lãi suất” trong hoạt động huy động vốn ngân hàng hiện nay đang dần mờ nhạt. Trước OceanBank, một loạt ngân hàng cổ phần cũng đã đẩy cao lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn ngắn, lên tới 9,99%, cao hơn cả các kỳ hạn dài.

Cùng với OceanBank, lần điều chỉnh này còn có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), tăng cả lãi suất huy động VND, USD và EUR. Lãi suất cao nhất tại SHB đối với VND lên tới 9,99%/năm, thấp nhất là 9,4%/năm và cao nhất 3,8%/năm đối với USD.

Từ ngày 18/11, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND, USD ở hầu hết các kỳ hạn và áp dụng trên toàn hệ thống. Theo đó, mức lãi suất VND được điều chỉnh tăng từ 0,4% - 0,6% /năm dành cho các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến 12 tháng và tăng 0,5% - 0,6%/năm ở các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. Cụ thể lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn 1 tháng là 9%/năm, 3 tháng 9,5%/năm, 12 tháng 9,71%/năm, 36 tháng 9,8%/năm.

Liên quan đến diễn biến lãi suất với loạt điều chỉnh diễn ra thời gian qua, trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện việc điều hành lãi suất còn có một số vấn đề cần quan tâm xử lý.

Theo Thống đốc, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng thời gian qua tăng phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vồn cho nền kinh tế, góp phần ngăn chặn suy giảm, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn lạm phát cao trở lại.

Tuy nhiên, do tác động của việc nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất trong 10 tháng đầu năm 2009, làm cho việc kiểm soát tốc độ tăng ở mức hợp lý của hai chỉ tiêu trên gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không thuận lợi đối với việc kiềm soát lạm phát, ổn định lãi suất thị trường trong các tháng cuối năm 2009 và sẽ kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của tác động tiền tệ.

“Lãi suất huy động VND có xu hướng tăng do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng mạnh và sự dịch chuyển vốn từ tiền gửi ngân hàng sang đầu tư kinh doanh chứng khoán và tài sản khác làm cho chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của các ngân hàng thương mại giảm, gây khó khăn trong việc trích lập dự phòng rủi ro”, Thống đốc nhận định.

Theo Vneconomy

Các tin liên quan