“Ngành Ngân hàng sẽ có các hoạt động cần thiết, kịp thời hỗ trợ kinh tế các địa phương để phát triển một cách bền vững, cũng như đảm bảo các cân đối vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng DN”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Qua nửa chặng đường của năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều phát triển ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện… dù điều kiện quốc tế, khu vực phức tạp, tác động lớn tới Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cần nhìn nhận nghiêm túc về các hạn chế để tìm giải pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm.
Trước bối cảnh đó, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương, ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dứt khoát không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu kế hoạch nào đã giao cho các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dứt khoát không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu kế hoạch nào đã giao cho các bộ, ngành, địa phương
Không điều chỉnh các chính sách vĩ mô
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đóng góp của ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, các giải pháp điều hành vĩ mô, đặc biệt điều hành chính sách tiền tệ đã đi đúng hướng, kiểm soát được lạm phát, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát, vì vậy lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đã được kiểm soát tốt ở mức 1,85%. “Với các giải pháp như vậy và sự phối hợp của các bộ, ngành cũng như Chính phủ, chúng ta hoàn toàn kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm”, Thống đốc NHNN khẳng định.
Đánh giá về hoạt động cho vay của ngành Ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ đầu năm, 4 NHTM nhà nước đã thực hiện rất quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc trong việc giảm lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cũng như cho các khoản tín dụng cấp mới, qua đó giảm chi phí cho DN và nền kinh tế; đồng thời neo giữ được ổn định lãi suất cho vay. Chính vì vậy trong 6 tháng đầu năm, mặt bằng lãi suất cho vay được giữ ổn định và lãi suất cho vay trong 5 lĩnh vực ưu tiên được giảm theo chỉ đạo ngay từ đầu năm.
Về tỷ giá, mặc dù biến động trên thị trường quốc tế và khu vực trong 6 tháng đầu năm khó dự đoán, nhưng NHNN đã chủ động, sử dụng linh hoạt các giải pháp giữ ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối. Nhờ đó tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay mới điều chỉnh khoảng 1%, trong khi tỷ giá thực tế giao dịch tại các ngân hàng và trên thị trường liên ngân hàng ở mức 0,3-0,4%; đồng thời tất cả nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được cân đối đầy đủ.
“Mặc dù thị trường bên ngoài có biến động nhưng chúng ta hoàn toàn có đầy đủ công cụ kiểm soát và giữ ổn định tỷ giá, đảm bảo cân đối chung của nền kinh tế. Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm chúng ta mua vào lượng ngoại tệ lớn và đưa tổng dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Với tiềm lực như vậy, đây là cơ sở để các tổ chức tín nhiệm nâng hạng của Việt Nam, từ đó tạo đệm xử lý các vấn đề tác động bất lợi từ bên ngoài”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Về điều hành tín dụng, người đứng đầu ngành Ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6 tín dụng tăng 7,33%, xấp xỉ năm ngoái; cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo hay xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Về định hướng điều hành 6 tháng cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng linh hoạt và điều chỉnh kịp thời, cung ứng vốn đầy đủ nhưng vẫn ổn định vĩ mô, đi kèm với chất lượng tín dụng, đưa dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các phân khúc có khả năng phát sinh rủi ro.
Phản hồi ý kiến của một số lãnh đạo địa phương liên quan đến hoạt động tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát sinh thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, Thống đốc cho biết, vừa qua NHNN đã chủ động phối hợp với các địa phương để xử lý.
Chẳng hạn NHNN đã phối hợp với tỉnh Gia Lai để đánh giá tác động diễn biến tiêu cực của thời tiết đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt hoạt động trồng tiêu; các địa phương đã cùng với ngành Ngân hàng đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con trồng tiêu ở địa bàn Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Hay với ngành chăn nuôi, hiện nay dư nợ cho lĩnh vực chăn nuôi lợn khoảng trên 51.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng bị tác động thiệt hại trong đợt dịch bệnh vừa qua khoảng 1.200 tỷ đồng. NHNN đã chủ động chỉ đạo các TCTD trong thẩm quyền của mình cơ cấu lại nợ và cho vay mới để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tới đây NHNN sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có các giải pháp xử lý tiếp theo, đồng thời rà soát lại các tác động của dịch tả lợn. Về tín dụng với lúa gạo, sau chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã giải ngân trên 17.000 tỷ đồng cho vay vụ đông xuân và đảm bảo giá lúa phù hợp hỗ trợ bà con…
“Ngành Ngân hàng sẽ có các hoạt động cần thiết, kịp thời hỗ trợ kinh tế các địa phương để phát triển một cách bền vững, cũng như đảm bảo các cân đối vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng DN”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị
Tháo gỡ ứ đọng từ thể chế
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao độ, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.
Tập trung vào từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ hàng hoá, tránh việc hàng xuất xứ nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để hưởng lợi ưu đãi từ các FTA. Bên cạnh đó, chúng ta có thị trường trong nước gần 100 triệu dân có nhu cầu tiêu dùng rất lớn và cần tận dụng thị trường để tạo điều kiện cho các DN nội địa phát triển.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá, dự báo tác động thị trường tài chính tiền tệ thế giới, có giải pháp đảm bảo ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối, tạo bước đệm chống đỡ các cú sốc bên ngoài. Trong giải pháp này phải chú ý một số vấn đề từ phía Hoa Kỳ. Các cấp ngành phải hành động, không để bên ngoài nghĩ chúng ta đang thao túng tiền tệ và thực ra chúng ta cũng không có mục tiêu này. Chính vì vậy cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên với các cơ quan chuyên môn phía Hoa Kỳ để họ nhìn nhận khách quan, thận trọng, tránh đi đến kết luận bất lợi cho Việt Nam.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế phấn đấu cả năm 2019 đạt 6,6-6,8% GDP, cần triển khai hiệu quả Chỉ thị 09 ngày 1/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ sản xuất kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm, tập trung một số biện pháp như ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, chú trọng giải pháp đất đai, vốn, thúc đẩy nông thuỷ sản, lưu ý phòng chống thiên tai… Thủ tướng nhắc lại rằng Việt Nam đang có 13 FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA để đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Song bên cạnh đó cũng cần chú trọng thị trường nội địa, bám sát vào hệ thống DN, các dự án lớn ở các địa phương.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi vốn trong nước và nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư di chuyển khỏi chuỗi cung ứng tại các nước bạn vào Việt Nam. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA. Có các giải pháp toàn diện hơn để thúc đẩy du lịch, thu hút nhiều khách quốc tế. Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN thành lập và hoạt động. Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu, thoái vốn DNNN; tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu…
Một vấn đề khác cần được thực hiện ngay trong 6 tháng cuối năm là thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI thế hệ mới vào Việt Nam, trong đó các bộ, ngành và địa phương cùng phối hợp làm việc này. “Chúng ta không có công nghệ, không có hàng Made in Vietnam thì khó có thể phát triển, những vấn đề như vậy các bộ trưởng, các ngành chức năng đều phải nắm được. Phải đưa ra tiêu chí lựa chọn DN nước ngoài đến đầu tư, góp phần thúc đẩy hợp tác liên kết, nâng cao quản trị DN… Phải xem kỹ lại về thể chế phát triển, làm gấp các nghị định, thông tư còn chậm trễ để làm sao tạo môi trường mới cho phát triển”, Thủ tướng đặt yêu cầu cho các bộ, ngành.
Thời Báo Ngân Hàng13.11.2024
30.10.2024