Hiện nay, tại tỉnh Nghệ An, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng các ngành, nghề, dịch vụ... Sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của QTDND, đã tạo ra "kênh" vay vốn kịp thời, hiệu quả...
Khách hàng đến giao dịch tại QTDND xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu
Gần gũi, thân thiết như người nhà Ông Nguyễn Quang Hùng, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) trở thành ông chủ xưởng cán tôn, đại lý vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động địa phương từ nguồn vốn vay QTDND xã Vân Diên. Bốn năm trước ông Hùng được QTDND xã Vân Diên cho vay 800 triệu đồng, đến kỳ hạn ông đã trả hết nợ. Ở Vân Diên, không ít doanh nhân có uy tín trên thương trường đã vay Quỹ với số vốn lớn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Duy Chín vay QTDND xã Vân Diên 600 triệu đồng để nuôi bò giống, cung cấp cho dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, nay gia đình đã hoàn trả hết số vốn.
Ông Nguyễn Quang Đại, xã Nam Tân vay hơn 800 triệu đồng xây dựng trang trại nuôi lợn, nay trở thành một trong những trang trại điển hình về nuôi lợn thương phẩm lớn nhất của huyện Nam Đàn.
Giám đốc QTDND Vân Diên Trần Đình Thọ cho biết: Chính thức đi vào hoạt động năm 1996, là một trong những cơ sở tín dụng "đẻ non" với vốn điều lệ vỏn vẹn 70 triệu đồng, trong lúc theo quy định phải đạt 100 triệu đồng vốn điều lệ mới đủ điều kiện thành lập.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay QTDND xã Vân Diên đã tự khẳng định mình từ vai trò là "bà đỡ" cho cả doanh nghiệp lớn và người nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Đến nay, QTDND xã Vân Diên, huyện Nam Đàn được đánh giá là QTDND hàng đầu của tỉnh Nghệ An, với tổng nguồn vốn năm 2014 đạt 116 tỷ đồng, vốn huy động đạt 103 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 91 tỷ đồng. Quỹ còn mở rộng địa bàn hoạt động sang ba xã liền kề: Nam Nghĩa, Nam Tân và Nam Lộc, với số lượng thành viên lên tới hơn 3.300 người.
Hiện, với cơ cấu tổ chức 31 cán bộ, nhân viên, với mức lương bình quân sáu triệu đồng/người/tháng, nhưng QTDND Vân Diên đã hoạt động hiệu quả, tác phong làm việc chuyên nghiệp từ trang phục, thái độ làm việc đến trang thiết bị làm việc đáp ứng yêu cầu như một ngân hàng cấp huyện. Đáng chú ý, ở đây có một chi bộ đảng, gồm 14 đảng viên, nhiều năm liền đạt danh hiệu "trong sạch vững mạnh", cùng với đó Quỹ còn có tổ chức công đoàn sinh hoạt đều đặn.
Nhờ có nguồn vốn từ QTDND xã Liên Thành, huyện Yên Thành, hộ ông Nguyễn Công Chấp, xã Khánh Thành, xây dựng trang trại chăn nuôi hàng nghìn con lợn, hay gia đình ông Thái Bá Trung, mở dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi gia súc, xây dựng khu trang trại tổng hợp chăn nuôi hàng nghìn con vịt đẻ trứng...
Dù nguồn vốn đến năm 2014 mới đạt 55 tỷ đồng, vốn huy động đạt 37 tỷ đồng, nguồn vốn cho vay 49 tỷ đồng, nhưng QTDND xã Liên Thành được đánh giá là một trong những Quỹ có nhiều cố gắng và trở thành "bà đỡ" đắc lực cho bà con nông dân không chỉ riêng xã Liên Thành mà còn được mở rộng ra các xã lân cận như Công Thành, Khánh Thành.
Theo Giám đốc QTDND xã Liên Thành Phan Văn Hương, số vốn của Quỹ cho vay đã góp phần giúp khoảng 40% hộ nghèo của địa phương xóa nghèo.
Nơi người dân dễ tiếp xúc và tin cậy Đến thăm QTDND xã Diễn Mỹ, Giám đốc Nguyễn Văn Thân, người gắn bó từ những ngày đầu thành lập Quỹ (năm 1996) đến nay cho biết, trong những năm qua, Quỹ đã trở thành người bạn thân thiết của nhân dân trên địa bàn ba xã: Diễn Mỹ, Diễn Hoàng và Diễn Yên của huyện Diễn Châu. Từ những ngày đầu đi vào hoạt động, với sự năng động nắm bắt thời cơ của bộ máy lãnh đạo cũng như toàn thể nhân viên, Quỹ đã tích cực tuyên truyền mở rộng mạng lưới hoạt động để huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, nhất là thu gom những món tiền nhỏ để cho vay sản xuất nhằm cải thiện cuộc sống các hộ thành viên.
Nhiều năm qua, Quỹ đã giải quyết cho nhiều thành viên vay vốn làm ăn có hiệu quả, đặc biệt trong năm 2014, Quỹ đã nâng tổng số nguồn vốn lên 140 tỷ đồng, vốn huy động đạt 101 tỷ đồng, dư nợ 127 tỷ đồng. Quỹ tạo việc làm ổn định cho 28 cán bộ, con em địa phương với mức thu nhập ổn định sáu triệu đồng/người/tháng. Cùng với hoạt động kinh doanh, QTDND xã Diễn Mỹ còn thường xuyên tham gia công tác xã hội trên địa bàn như: hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn từ 20 đến 30 triệu đồng trong ba năm không lãi suất... Ông Trần Sỹ Hải, xóm 12, xã Diễn Mỹ, một khách hàng lâu năm của Quỹ nói: "Tui thường xuyên đến gửi và vay vốn tại quỹ, quen thuộc như người nhà, dễ gửi, dễ vay khi cần rất nhanh gọn, chắc chắn...".
Có thể thấy, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Nghệ An từng bước hình thành và phát triển, khẳng định vai trò, vị trí của kinh tế hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới và xây dựng nông thôn mới. Với lợi thế sát dân, hiểu rõ nhu cầu, khả năng kinh doanh, tài chính của từng hộ vay cho nên việc cho vay của các QTDND cơ sở được tiến hành nhanh gọn và bảo đảm an toàn, hiệu quả. Hệ thống đã và đang trở thành người bạn tin cậy của bà con nông dân, là kênh cung ứng các khoản tín dụng nhỏ có hiệu quả để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn hơn 88% số phường, xã, thị trấn chưa có QTDND. Tại các huyện miền núi, hầu hết vẫn chưa có mô hình QTDND.
"Thực tế đã khẳng định QTDND là mô hình kinh tế có hiệu quả, hợp lòng dân nhưng cơ chế quản lý như hiện nay còn nhiều bất cập, khó kiểm soát và quản lý chặt chẽ được hoạt động của Quỹ. Bởi hoạt động của QTDND tuy nhỏ nhưng phạm vi ảnh hưởng rộng, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ rất nhạy cảm, mọi sự thay đổi của Quỹ đều ảnh hưởng dây chuyền tới toàn xã hội. Vì vậy nên có cơ chế quản lý theo ngành dọc cấp trên giống như ngân hàng thương mại hiện nay", Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, chi nhánh Nghệ An Đặng Công Linh, đề xuất ý kiến.
Theo báo cáo của Ngân hàng HTX chi nhánh Nghệ An, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 55 QTDND, 83.162 thành viên với tổng nguồn vốn huy động 2.741 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 3.880 tỷ đồng; Tổng dư nợ cho vay thành viên 2.768 tỷ đồng. Mức tăng trưởng năm 2014 so với năm 2013 đạt 18,3%. Tỷ lệ nợ xấu dưới mức cho phép chỉ 0,24%. 100% các quỹ đều có lãi, tính đến ngày 30-11-2014, bình quân các quỹ ở tỉnh Nghệ An lãi 586 triệu đồng.